Vỏ bọc hoàn hảo của vị tình báo hơn 20 năm sống trong lòng địch

Hơn 20 năm sống trong lòng địch, ông thể hiện bản lĩnh kiên cường và mưu trí siêu việt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Người được nhắc đến chính là Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, điệp viên H3 - Nguyễn Văn Minh.

Ông Nguyễn Văn Minh (1933-2009) sinh ra tại Hưng Yên, trong gia đình thợ thủ công. Lớn lên, ông vào Sài Gòn làm công nhân và tham gia hoạt động cách mạng bí mật trong Mặt trận Liên Việt.

Năm 1959, ông được Quận ủy Thủ Đức cử làm nhiệm vụ thâm nhập vào quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Năm 1963, lợi dụng sự kiện chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các phe phái quân địch chèn ép nhau để tranh quyền, đoạt lợi, ông tìm cách vào được hàng ngũ kẻ thù với chức danh nhân viên văn thư của Văn phòng Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Có.

Ông Nguyễn Văn Minh và Văn phòng Bộ Tổng tham mưu địch, nơi ông hoạt động trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. (Ảnh tư liệu)

Ông Nguyễn Văn Minh và Văn phòng Bộ Tổng tham mưu địch, nơi ông hoạt động trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. (Ảnh tư liệu)

Không lâu sau đó, Nguyễn Cao Kỳ lật đổ Nguyễn Hữu Có. Ông Nguyễn Văn Minh khi ấy với vỏ bọc là nhân viên quân sự mẫn cán, tận tụy với công việc, được nhiều người quý mến nên được tiếp tục tin dùng. Từ đó, ông trở thành một trong 4 nhân viên văn thư bảo mật của Văn phòng Tổng tham mưu trưởng.

Công việc hằng ngày của ông là tiếp nhận và lưu trữ công văn đi, đến giữa Văn phòng Tổng tham mưu trưởng với các cơ quan, đơn vị trong quân đội địch, đặc biệt là trao đổi công văn với Phủ Tổng thống, với các cơ quan Bộ Quốc phòng, các quân đoàn, quân khu của Việt Nam Cộng hòa. Công việc này tạo cơ hội cho ông tiếp cận nhiều tài liệu tối mật của địch.

Chính vì đặc thù công việc nên ông luôn bị các cơ quan mật vụ, an ninh của địch để ý, theo dõi. Để tránh bị lộ và che mắt kẻ thù, ông khéo léo nhận về mình nhiều phần việc nhưng không sao chụp tài liệu mà rèn luyện ghi nhớ toàn bộ các công văn được tiếp cận hằng ngày.

Đến đêm, ông thức trắng để viết lại nội dung công văn trong ngày, chuyển ra ngoài cho tổ chức. Các ý đồ lớn của địch, như kế hoạch bình định nông thôn, kế hoạch lấn chiếm, xóa các vùng giải phóng… đều được ông báo cáo chính xác.

Đầu năm 1975, ông báo cáo về căn cứ tin quan trọng có tính quyết định là Mỹ không đưa quân trở lại nếu ta đánh lớn vào giải phóng Sài Gòn.

Thông tin này giúp Bộ Chính trị có thêm cơ sở quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 trong thời gian ngắn nhất để giải phóng miền Nam, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giành thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đặc biệt trong sự kiện 30/4/1975, khi quân giải phóng đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu địch, chính ông động viên các viên chức trong văn phòng của tướng Cao Văn Viên gìn giữ, niêm phong kho tàng, hồ sơ, bảo toàn tài liệu, máy móc trong văn phòng để bàn giao cho quân giải phóng.

Năm 1999, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thiên Bình

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vo-boc-hoan-hao-cua-vi-tinh-bao-hon-20-nam-song-trong-long-dich-ar944550.html