Người kể chuyện sếu qua tranh vỏ tràm ở Tam Nông
ĐTO - Gắn bó với vùng đất bưng biền chua phèn của Tam Nông từ những ngày thơ bé nên hình ảnh về những cánh rừng tràm bạt ngàn, những đàn sếu đầu đỏ bay lượn gọi nhau về tổ sau khi ánh hoàng hôn buông xuống đã sống mãi trong tâm thức của thầy Nguyễn Văn Cảnh (SN 1969) - giáo viên dạy môn Mỹ Thuật Trường Tiểu học Phú Đức (xã Phú Đức, huyện Tam Nông). Từ chỗ yêu mến thiên nhiên, nặng lòng với sếu đầu đỏ, đã thôi thúc thầy Nguyễn Văn Cảnh miệt mài nghiên cứu và tái hiện những nét sinh hoạt sống động của loài sếu bằng những bức tranh được làm từ vỏ tràm khô của Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Có năng khiếu mỹ thuật ngay từ nhỏ, tuy nhiên, con đường nghệ thuật của thầy Nguyễn Văn Cảnh chỉ thật sự “thăng hoa” khi chính thức bén duyên với nghề làm tranh vỏ tràm. Khoảng năm 2012, sau giờ dạy học trên lớp, thầy Cảnh bắt đầu dành thời gian cho niềm đam mê thứ hai là làm tranh xé dán với các tác phẩm tranh phong cảnh, khắc họa về nét đẹp thiên nhiên và cuộc sống sinh hoạt đời thường ở quê hương Tam Nông. Ban đầu, thầy Cảnh chọn nhiều nguyên liệu để sáng tác như: vải vụn, mạt cưa, vỏ cây, vỏ tràm, lục bình, củ năng khô... Tuy nhiên, sau thời gian quan sát, thầy Cảnh nhận thấy vỏ tràm và cọng năng ở Vườn Quốc gia Tràm Chim là 2 loại nguyên liệu rất đặc biệt có thể giúp thầy Cảnh khắc họa chân thật vẻ đẹp hoang sơ của Vườn Quốc gia Tràm Chim và vẻ đẹp của loài sếu đầu đỏ quý hiếm.
Thầy Nguyễn Văn Cảnh thực hiện nhiều công đoạn lựa chọn vỏ tràm để tác phẩm về sếu đầu đỏ có màu sắc như thật
Ban đầu, thầy Cảnh chỉ sáng tác tranh vì đam mê, nhưng khi nhận được lời động viên từ nhiều người, thầy mạnh dạn “bén duyên” và gắn bó với nghề làm tranh từ vỏ tràm. Tranh vỏ tràm của thầy Cảnh phong phú với nhiều thể loại như: tranh phong cảnh, tranh mã đáo thành công, tranh anh hùng tương ngộ... nhưng thể loại được thầy Cảnh ưu ái và đặt nhiều tâm huyết nhất là tranh khắc họa về sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Thầy Nguyễn Văn Cảnh dùng bút lửa khắc họa từng đường nét của sếu đầu đỏ trên bức tranh
Thầy Nguyễn Văn Cảnh chia sẻ: “Hình ảnh quê hương là một phần máu thịt trong tôi, vì vậy, tôi muốn được mang “hơi thở” cuộc sống của quê hương mình vào trong tranh. Bên cạnh khắc họa lại cuộc sống làng quê bình dị, tôi còn muốn giới thiệu đến bạn bè phương xa về sếu đầu đỏ, một loài chim quý tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Thông qua những tác phẩm tranh, tôi mong muốn bạn bè phương xa hiểu hơn về sếu đầu đỏ, về quê hương Tam Nông nghĩa tình, nơi đất lành chim đậu”.
Gắn bó với nghề làm tranh từ vỏ tràm từ năm 2012 đến nay, thầy Cảnh đã sáng tác trên 3.000 bức tranh với nhiều thể loại và kích cỡ khác nhau. Trong đó, nổi bật hơn hết là 2 tác phẩm: “Sếu gọi mùa xuân về” và “Vũ điệu trong nắng mới”. Đây là 2 bức tranh được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022 của tỉnh Đồng Tháp.
Chất liệu chính cho những tác phẩm tranh của thầy Cảnh là vỏ tràm, nguyên liệu này dễ tìm, sẵn có ở địa phương. Vỏ tràm già với cấu tạo hàng trăm lớp xếp chồng lên nhau, mỗi lớp, mỗi phía tùy vào tác động của thiên nhiên, tuổi thọ cây sẽ có màu sắc rất đẹp. Đây là yếu tố làm cho tác phẩm vừa sinh động, vừa tự nhiên. Mỗi bức tranh sếu đều phải trải qua rất nhiều công đoạn như: phân loại vỏ tràm, gia công nền tranh, tạo hình sếu, hoàn chỉnh bố cục... Qua quá trình dày công sáng tạo, bức tranh giúp cho người xem có nhiều cảm xúc.
Hiện tranh vỏ tràm của thầy Cảnh không chỉ được người yêu nghệ thuật trong nước yêu thích mà rất nhiều tác phẩm của thầy đã chiếm được cảm tình của khách du lịch nước ngoài khi có dịp ghé thăm. Tác phẩm tranh sếu làm từ vỏ tràm của thầy Cảnh được “xuất ngoại” đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh hoạt động nghệ thuật, hiện thầy Cảnh còn phối hợp với một số điểm du lịch tại Tam Nông để đón tiếp khách du lịch đến xưởng tranh tham quan và trải nghiệm các công đoạn thực hiện một tác phẩm tranh vỏ tràm.
Thầy Nguyễn Văn Cảnh tâm sự: “Tôi đang phối hợp làm “vệ tinh” cho một số điểm du lịch tại Tam Nông nhận đón tiếp khách du lịch và hướng dẫn du khách trải nghiệm một số hoạt động làm tranh tại cơ sở của tôi. Đến với xưởng tranh của tôi, ngoài việc được tham quan, tìm hiểu quy trình làm tranh vỏ tràm, khách du lịch còn được chia sẻ những câu chuyện liên quan đến loài sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Thông qua những câu chuyện, những tác phẩm tranh của mình, tôi hy vọng du khách có sự trải lòng, thấu hiểu hơn về ý nghĩa của việc chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ sếu đầu đỏ...”.