Người khổng lồ sa lầy
Cuối mùa giải năm đó, Ibra rời Barca để rồi tận 6 năm sau (mùa bóng 2016-2017), anh tìm đến nước Anh gia nhập 'nửa đỏ thành Manchester' để 'trả thù' Pep – lúc này đang làm HLV ở 'nửa xanh'.
Ibra gặp “ác mộng” trong màu áo Barca. Ảnh: Sky Sports
Đúng ngày này 12 năm trước (27-7-2009), một vụ trao đổi cầu thủ là tâm điểm của bóng đá thế giới hoàn tất: Zlatan Ibrahimovic chuyển tới Barcelona từ Inter Milan. Để có được “Thần Thor” Bắc Âu, Barca đã phải trả cho Inter Milan 35 triệu bảng kèm tiền đạo số 1 của họ vào thời điểm đó – “Báo đen” Samuel Eto"o theo chiều ngược lại.
Ibra đến Barca ví như Đế vương Atlantis được trao cho cây đinh ba huyền thoại vậy. Blaugrana thì vừa “làm cỏ” La Liga và Châu Âu và khải hoàn với “cú ăn 6”, còn Ibra vừa giành danh hiệu vua phá lưới Serie A với 25 bàn thắng và đưa Inter Milan lần thứ 4 liên tiếp đăng quang ở giải đấu cao nhất nước Ý.
Với tổng trị giá hợp đồng vào khoảng 66 triệu Euro, Ibrahimovic trở thành cầu thủ đắt giá thứ 3 trong lịch sử tính đến thời điểm đó, chỉ sau Z. Zidane và C.Ronaldo.
Được chơi bóng ở Camp Nou là giấc mơ từ nhỏ của Ibra. Vì thế, trong ngày ra mắt đội bóng mới, Ibra đã hôn rất lâu lên phù hiệu của Barca. Il Genio (Thiên tài) đâu biết, khoảng thời gian “ác mộng” trong sự nghiệp của anh diễn ra ở chính sân khấu mà anh khao khát được trình diễn nhất.
Thực tế thì trong khoảng thời gian “trăng mật” tại Camp Nou, con đường của Ibra trải đầy hoa và mật ngọt, đồng nghĩa mang đến men say cho hàng vạn Cule với 11 bàn thắng và 5 pha kiến tạo sau 14 vòng đầu La Liga 2009-2010. Đặc biệt, ở trận El Clasico lượt đi tại Camp Nou vào ngày 29-11-2009, Barca kém Real 1 điểm và thi đấu với chỉ 10 người trong gần cả hiệp 2 khi Busquets nhận thẻ vàng thứ hai. Ibra vào sân thay Henry và anh chỉ cần 4 phút để có cú đặt lòng 1 chạm đẳng cấp ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu. Ban lãnh đạo Barca khi ấy ca ngợi anh là “tiền đạo hay nhất thế giới”.
Ibra tỏa sáng, đồng nghĩa hào quang của Messi bị lấn át. Từ khi Ronaldinho rời đi, lần đầu tiên có một cái tên khác được nhắc đến nhiều hơn siêu sao người Argentina. Điều đó đương nhiên là không ổn chút nào!.
Tiền đạo người Argentina nhắn tin cho HLV Pep Guardiola: “…tôi thấy có vẻ như tôi không còn quan trọng với đội bóng nữa, bởi vậy…”.
Kể từ sau dấu “…”, Ibra hoàn toàn bị gạt ra khỏi kế hoạch của Pep, thậm chí là sự ghẻ lạnh. Tại vòng tứ kết Champions League 2009-2010 gặp Arsenal, Ibra lập cú đúp giúp Barca vượt lên dẫn 2-0. Thế rồi bất ngờ Pep thay Ibra khỏi sân và Barca bị gỡ hòa 2-2.
Bán kết Champions League mùa đó, “duyên kỳ ngộ” đưa Inter của Eto’o chạm trán Barca của Ibra. Ngôi sao người Cameroon tỏa sáng khi đóng góp trực tiếp vào 2 bàn thắng giúp Inter thắng Barca 3-1 tại sân nhà Giuseppe Meazza.
Ibra mất hút trong trận cầu đó. Đến trận lượt về tại Camp Nou, Inter thua 0-1 và tiến vào chung kết. Điều đáng nói là cái nhìn khinh khi của Pep dành cho Ibra cứ như anh là tội đồ duy nhất.
Đó chính là “giọt nước tràn ly” trong mối quan hệ giữa Ibra và Pep. Đầu tháng 5-2010, ở cuộc đối đầu với Villarreal, Ibra chỉ được tung vào sân trong 6 phút cuối. Sau trận đấu, anh lao thẳng vào phòng thay đồ dí sát vào mặt Pep và hét lên: “...Ông chẳng là gì nếu so với Mourinho cả. Ông cút xuống địa ngục đi!”.
Gã khổng lồ người Thụy Điển hiểu rằng, vùng vẫy trong vũng lầy là vô nghĩa. Cuối mùa giải năm đó, Ibra rời Barca để rồi tận 6 năm sau (mùa bóng 2016-2017), anh tìm đến nước Anh gia nhập “nửa đỏ thành Manchester” để “trả thù” Pep – lúc này đang làm HLV ở “nửa xanh”.
Tại đây, Ibra gặp lại thầy cũ Jose Mourinho, người đã tiên đoán phần nào thất bại của anh trong quá khứ khi quyết định phiêu lưu tới đất Tây Ban Nha, rằng: “Vậy thì cậu (Ibra) phải biết một điều. Chính chúng tôi mới là đội vô địch mùa bóng tới. Đừng quên điều tôi nói nhé. Inter sẽ vô địch Champions League”.
Inter của Mourinho với sự tỏa sáng rực rỡ của người được coi là “kẻ đóng thế” Samuel Eto“o đã giành “cú ăn 3” đầy thuyết phục mùa bóng đó.
Với một người có cái tôi cao ngút như Ibra, khoảng thời gian ngắn “sa lầy” ở Barca có khi là bài học hữu ích trong bóng đá cũng như trong cuộc sống, rằng: “Đôi khi bạn nên chấp nhận việc bạn không phải lúc nào cũng giành chiến thắng”.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/the-thao/nguoi-khong-lo-sa-lay/20380.htm