Người kiến tạo 'mái ấm' cho những người già vô gia cư

Từ 3 người xa lạ 'không nhà cửa - không có lương hưu - không nơi nương tựa', họ đã may mắn trở thành người một nhà giữa lòng Thủ đô Hà Nội; căn nhà nhỏ được ví như 'tổ dân phố' thu nhỏ đầy ắp tình thương của những người già vô gia cư.

Có được sự may mắn ấy đều nhờ suy nghĩ và hành động thiện nguyện của chàng trai trẻ Lê Thanh Hải (23 tuổi, quê Thanh Hóa), hiện đang là giáo viên thể dục của hệ thống trường mầm non tư thục tại Hà Nội.

Vượt qua dự định 3 tháng ban đầu, đến nay đã bước sang tháng thứ 7, dự án “Hà Nội chung tay - Đừng gọi tôi là vô gia cư" đã giúp đỡ 3 cụ già có được một mái ấm, có nhà để về, không còn cảnh ăn bờ ở bụi. Đó là cụ Nguyễn Văn Phương (93 tuổi, Nam Định), ông Nguyễn Bá Thành (73 tuổi, Hải Phòng) và ông Đặng Thế Quý (73 tuổi, Hà Nội).

Lê Thanh Hải và 3 thành viên của "tổ dân phố" dự án "Hà Nội chung tay - Đừng gọi tôi là vô gia cư".

Lê Thanh Hải và 3 thành viên của "tổ dân phố" dự án "Hà Nội chung tay - Đừng gọi tôi là vô gia cư".

Những người đồng cảnh

Vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh nhất trong 3 người, nên ông Nguyễn Bá Thành được phân công làm “tổ trưởng”. Nhiệm vụ của ông Thành là quản lý căn nhà nhỏ, chăm sóc cho 2 cụ còn lại khi không có Hải ở nhà. “Tôi có sức khỏe hơn. Hễ cứ có công việc nặng nhọc là Hải giao cho tôi làm”, giọng ông Thành sang sảng nói.

Nói đến đây, giọng ông Thành trầm hẳn, khóe mắt cay cay: “Tôi năm nay 73 tuổi, vợ tôi mất cách đây 18 năm. Tôi giờ đây không còn nhà cửa, chỉ còn người mẹ già năm nay 92 tuổi. Cả năm đi kiếm đồng ra đồng vào cũng chỉ được về thăm mẹ 1-2 lần, vì chẳng có tiền để về”.

Chiếc xe đạp là tài sản quý giá nhất của ông Thành - "tổ trưởng tổ dân phố".

Chiếc xe đạp là tài sản quý giá nhất của ông Thành - "tổ trưởng tổ dân phố".

Công việc của ông Thành gắn liền với chiếc xe đạp đã cũ, buộc thêm chiếc thùng đựng phía sau, ngày ngày bán quần áo, đồ cũ tại hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng). Khi dịch Covid-19 ập tới, buôn bán ngày càng ế ẩm, có khi 4-5 ngày ông chẳng bán nổi một thứ gì, nợ tiền trọ đến 2 tháng nên chủ nhà đuổi khéo…

Ông Thành tâm sự: “Chẳng có tiền thuê nhà, cuộc sống tôi cứ đầu đường xó chợ. Nhiều lúc nghĩ thèm một bữa cơm trắng có rau muống luộc, canh cua rau đay thêm quả cà pháo mà cũng chẳng có”.

Nói về “tổ dân phố” nhỏ của mình, ông Thành tự hào lắm: “Nhà cửa thế này tôi cảm thấy hạnh phúc quá. Nước nóng, điều hòa, bếp nấu đầy đủ cả, chẳng thiếu thứ gì. Tình thương rộng lớn của Hải to lớn quá, tôi chẳng biết phải cảm ơn sao”.

Là thành viên lớn tuổi nhất trong “tổ dân phố”, lại có bệnh lẫn nên cụ Phương được Hải quan tâm nhiều hơn cả. Từ ngày về đây, Hải không cho cụ đi nhặt ve chai, đồng nát nữa. Khi được hỏi chuyện, cụ lúc nhớ lúc quên, nhưng cứ nhắc về Hải là cụ lại niềm nở, kể về cậu thanh niên này cả ngày cũng được.

Bể cá cảnh được ông Quý chăm sóc mỗi ngày.

Bể cá cảnh được ông Quý chăm sóc mỗi ngày.

Cuộc sống nay đây mai đó, sống dựa vào mấy con cá câu ở hồ và ngủ trên những con thuyền cũ nát bên bờ sông Hồng, ông Đặng Thế Quý được đón về ngôi nhà chung vào mồng 10 Tết âm lịch, sau mấy chục năm trời giờ đây ông mới có cơ hội được ở trong ngôi nhà đúng nghĩa.

"Ngày trước tôi thuê phòng trọ giá 500.000 đồng/tháng, không có tiền trả, họ giữ xe đạp rồi đuổi tôi đi. Lúc đầu tôi chỉ ngỡ cậu Hải nói đùa, vậy mà bây giờ đã được đón về thật. Từ người vô gia cư, nay tôi đã có nhà, có người bầu bạn mỗi ngày”, ông Quý nói.

Hành động xuất phát từ trái tim của kẻ “gàn dở”, “khùng điên”

Ở “tổ dân phố” dự án "Hà Nội chung tay - Đừng gọi tôi là vô gia cư", Hải được các cụ ông gọi với biệt danh “sếp Hải” - theo như ông Thành, thì đó là cách các ông gọi Hải, để tỏ lòng biết ơn đối với cậu thanh niên sinh năm 2000 này. Còn với nhiều người khác, họ cho rằng Hải là kẻ có hành động "gàn dở", "điên khùng", số khác lại cho rằng đây là hành động bột phát, đoán Hải sẽ sớm bỏ cuộc.

Hải cho biết, dự án “Hà Nội chung tay - Đừng gọi tôi là vô gia cư” xuất phát từ những mong muốn rất giản dị: “Nhìn những mảnh đời vất vả, sống lay lắt dưới vỏ bọc người vô gia cư nên mình muốn họ được sống như người bình thường”.

Sau giờ tan làm, Hải lại cùng chơi cờ với các ông như người cháu trong gia đình.

Sau giờ tan làm, Hải lại cùng chơi cờ với các ông như người cháu trong gia đình.

Hiện tại, Hải đang là giáo viên thể thao cho trường mầm non, mức lương cũng chỉ vỏn vẹn 7 triệu đồng/tháng. Để hiện thực hóa dự án của mình, chàng trai 23 tuổi gom góp toàn bộ số tiền mình có, thậm chí vay thêm bạn bè, tìm kiếm mặt bằng… Cuối cùng, “tổ dân phố" "Hà Nội chung tay - Đừng gọi tôi là vô gia cư" đã được hoàn thiện ở căn nhà số 13, ngách 2, ngõ 273 đường Âu Cơ, rộng 70m2, bao gồm một khoảng sân rộng, một phòng khách, hai phòng ngủ, có điều hòa, sàn đá hoa sạch sẽ, thoáng mát.

Khi đưa các cụ về, việc đầu tiên Hải nghĩ tới chính là bản thân mình phải như một người cháu của các cụ. Hải chia sẻ: “Em có thể lo cho các cụ cả về vật chất và tinh thần, mọi thứ các cụ cần thì em đều lo được. Đấy đều là những điều em mong muốn thực hiện. Đến giờ đã duy trì được 7 tháng rồi. Điều em mong muốn nữa là làm sao giúp được nhiều người hơn, đưa được nhiều cụ về đây hơn. Tuy nhiên, việc khó là làm sao để các cụ sống hòa thuận được với nhau, bởi các cụ già rồi, mỗi người một tính, không ai giống ai”.

 Từ người già vô gia cư "màn trời, chiếu đất" giữa lòng Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Bá Thành đã có được những bữa cơm trắng no cái bụng, một ngôi nhà trọn tình thương.

Từ người già vô gia cư "màn trời, chiếu đất" giữa lòng Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Bá Thành đã có được những bữa cơm trắng no cái bụng, một ngôi nhà trọn tình thương.

Trong 3 thành viên của “tổ dân phố”, Hải ấn tượng nhất về ông Thành: “Ngày gặp ông, em có hỏi ông là ông có ước mơ gì? Nếu làm được thì em sẽ giúp. Lúc đó ông bảo là ông muốn có một nơi để về, có một mái nhà! Trùng khớp với ước mơ xây viện dưỡng lão của em, cũng đồng thời lúc đó, em tình cờ xem được trên youtube video về hệ thống các cơ sở từ thiện 'Sài Gòn bao dung' chuyên nhận những người vô gia cư ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thế là em đã suy nghĩ và triển khai dự án này ở Hà Nội”.

Đều đặn 7 tháng nay, toàn bộ số tiền thuê nhà 7 triệu đồng và tiền điện nước hơn 2 triệu đồng đều được Hải và cộng sự đóng góp. Ngoài ra, Hải cũng chăm lo các cụ từ đi khám, thuốc thang hay gạo, thức ăn thêm hàng ngày.

Dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, Hải vẫn luôn cố gắng cùng các cộng sự duy trì và mở rộng dự án; giúp cho những người vô gia cư sẽ không còn phải sống cảnh “màn trời chiếu đất”, đúng với ý nghĩa của thông điệp “Hà Nội chung tay - Đừng gọi tôi là vô gia cư".

Vườn rau xanh được các thành viên "tổ dân phố" tăng gia trong góc sân nhỏ.

Vườn rau xanh được các thành viên "tổ dân phố" tăng gia trong góc sân nhỏ.

Ông Đỗ Ngọc Long, Phó chủ tịch UBND phường Quảng An, quận Tây Hồ mong muốn dự án sẽ được nhân rộng, góp phần vào việc đảm bảo an sinh xã hội, để “không một ai bị bỏ lại phía sau”. Bên cạnh đó, UBND phường cũng phối hợp chặt chẽ cùng Công an phường Quảng An, để có những thông tin cần thiết, quản lý chặt chẽ xác định nhân thân; tránh các đối tượng xấu lợi dụng.

“Thực tế cho thấy, dự án 'Hà Nội chung tay - Đừng gọi tôi là vô gia cư' đã được triển khai bài bản, thực tâm, không mang tính chất lợi dụng lòng tin của mọi người. Việc làm của cháu Hải và các cộng sự đã được người dân khu phố tạo điều kiện giúp đỡ tận tình”, ông Long nhấn mạnh.

“Tổ dân phố” giữa lòng Thủ đô Hà Nội của những người "3 không".

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG - HỒNG PHÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự - Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nguoi-kien-tao-mai-am-cho-nhung-nguoi-gia-vo-gia-cu-738279