Người là niềm tin tất thắng
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tâm nguyện của Người là đất nước ta được độc lập, nhân dân ta được tự do, ai cũng có cơm no, áo ấm, ai cũng được học hành. Ngày đất nước ca khúc khải hoàn, Người đã về với thế giới người hiền. Tên tuổi của Người sống mãi với non sông Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đã chèo lái con thuyền cách mạng của dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bước ngoặt quan trọng trong tiến trình ấy là sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960). Từ đây, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là người đại diện chân chính, ngọn cờ công khai, đoàn kết tập hợp các tầng lớp nhân dân, giai cấp, dân tộc, đảng phái, đoàn thể, tôn giáo và nhân sĩ yêu nước miền Nam để đánh đổ chế độ thực dân mới của Mỹ và chính quyền tay sai, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, thống nhất đất nước. Đây là kết quả của sự lãnh đạo sáng tạo, tài tình của Đảng và Bác Hồ, đáp ứng yêu cầu của cách mạng miền Nam.

Bến Nhà Rồng, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: TƯ LIỆU
Tiếp đến, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập (15/2/1961). Không chỉ trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng để thống nhất đất nước, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu được một lần vào thăm miền Nam, để thăm hỏi đồng bào, động viên chiến sĩ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong bức thư “Tuyệt đối bí mật” gửi cho Tổng Bí thư Lê Duẩn ngày 10/3/1968, Bác viết “Chú Duẩn thân mến nhớ nô - en năm ngoái, chú có ý khuyên B (Bác - NV) đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn. Bác rất tán thành. Nhưng nay, chỉ đổi chữ “sau” thành chữ “trước” ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thăm khi anh em trỏng đang chuẩn bị mở màn thứ 3. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em”.
Thời điểm Bác muốn đi thăm miền Nam là lúc quân dân miền Nam vừa kết thúc đợt 2 Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đang chuẩn bị cho đợt tiến công thứ 3, nên chiến trường rất ác liệt. Trong khi trung ương bàn cách để đưa Bác vào thăm miền Nam, thì sức khỏe Bác yếu dần. Tiếc thay, vào giai đoạn cuối của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, Đảng và nhân dân ta đã không còn sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước lúc đi xa, Bác đã “để lại mấy lời” cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Trong Di chúc, Người viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay! Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy thăm, tặng quà thương binh Bùi Học, ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa). Ảnh: BÁ SƠN
Ngày Bác đi xa (2/9/1969), đã để lại đau thương, mất mát không có gì bù đắp được đối với Đảng và dân tộc ta. Biến đau thương thành hành động, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc đã đem tất cả tinh thần và lực lượng, của cải và tính mạng “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong cuộc Tổng tiến công, quyết chiến chiến lược cuối cùng, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã quyết định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh như lời hiệu triệu toàn quân, toàn dân ta quyết tâm giành toàn thắng. Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, đã hoàn thành trọn vẹn mục tiêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra; giải phóng miền Nam, chấm dứt 21 năm chia cắt đất nước, đưa đến sự thống nhất, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền, vùng trời, vùng biển; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên toàn bộ Tổ quốc Việt Nam.
Hơn 1 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vào ngày 2/7/1976, cùng với Nghị quyết thống nhất đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kỳ họp thứ I Quốc hội khóa VI cũng thông qua Nghị quyết đặt tên TP.Sài Gòn - Gia Định là TP.Hồ Chí Minh, nhằm ghi nhớ công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng.
Trong chặng đường 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đoàn kết, đồng lòng xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong muốn. Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mừng ngày vui đại thắng, chúng ta nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, Người mãi là niềm tin tất thắng của dân tộc Việt Nam.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202505/nguoi-la-niem-tin-tat-thang-00500e0/