Người lao động cần chú trọng bảo mật thông tin cá nhân để tránh bị lừa đảo

Theo Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, hiện có khoảng 24 hình thức lừa đảo chính. Trong đó nổi bật là lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice, dùng công nghệ để ghép mặt và giọng nói của người quen sau đó nhờ chuyển tiền...

Lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay “tín dụng đen” với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường đang khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng. Vì vậy, nhiều người lao động mong muốn nhận diện được các thủ đoạn, hành vi lừa đảo này để phòng tránh.

Tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trước Kỳ họp thứ 7, chị Phạm Thị Bích Hải, Công ty TNHH Toto Việt Nam (Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội) phản ánh, hiện nay có một số đối tượng cho vay “tín dụng đen” và các đối tượng lừa đảo tự nhận là Công an, cán bộ quận thường xuyên gọi điện và thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong thực tế, đã có công nhân lao động bị lừa đảo lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Chị Hải mong Công an Thành phố và các cơ quan liên quan có chế tài và các biện pháp quản lý mạnh hơn nữa để ngăn chặn kịp thời các vấn đề trên.

Tại cuộc đối thoại, giao lưu trực tuyến "Những điểm mới về chính sách liên quan đến người lao động và cách nhận diện, phòng tránh lừa đảo qua mạng", chị Phan Thị Đông, Công đoàn Trường Trung học cơ sở Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ) băn khoăn khi các vụ án gần đây liên quan đến “tín dụng đen” ngày càng gia tăng. Sau khi con nợ đã “mắc bẫy” vay tiền, nếu không trả được thì sẽ bị dùng nhiều hình thức để ép buộc trả nợ.

Ảnh minh họa: Cục An toàn thông tin.

Ảnh minh họa: Cục An toàn thông tin.

Cùng quan tâm đến vấn nạn này, chị Hoàng Thị Nguyệt, Chủ tịch Công đoàn Trường Trung học cơ sở Phụng Thượng muốn biết, người lao động cần lưu ý gì để không sập bẫy “tín dụng đen”?

Theo Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông, Bộ Công an, cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, hoặc lãi suất 100%/năm được coi là “tín dụng đen”.

Hiện nay, việc cho vay kiểu này tinh vi hơn, thông qua các mạng xã hội với nhiều hình thức, khiến người dân dễ sập bẫy hơn và công tác đấu tranh tội phạm cũng phức tạp hơn.

Đáng lưu ý là việc cho vay không cần thế chấp mà vay bằng tín chấp, có một số app cho vay còn không cần điều kiện gì, chỉ cần cho phép truy cập danh bạ điện thoại hoặc mạng xã hội. Khi đến hạn trả nợ, các tổ chức này sẽ “khủng bố” với người vay thông qua cuộc gọi hoặc gửi tin nhắn, thậm chí là ghép mặt, ghép hình ảnh của nạn nhân vào các clip đen và tung lên các trang mạng xã hội... gây áp lực với nạn nhân để đòi nợ.

Nói về biện pháp phòng ngừa, ông Hiếu cho rằng, trước hết mỗi người cần tính toán trong chi tiêu để đừng rơi vào tình huống phải đi vay tín dụng đen. Trường hợp cần tiền gấp, nên hỏi vay họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, các quỹ xã hội, quỹ hỗ trợ cho người lao động vay...

Nếu đã vay và bị quấy rối để đòi nợ, người vay có thể đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết, chỉ trả tối đa lãi 20% theo quy định của pháp luật, huy động người thân, bạn bè report (báo cáo) để các trang này bị khóa lại...

Bên cạnh vấn nạn “tín dụng đen”, nhiều người lao động cũng lo lắng về lừa đảo qua điện thoại, qua mạng xã hội. Chị Trần Thị Hợp, Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Tam Hiệp muốn biết, có những cách nào có thể phòng tránh, hạn chế?

Theo ông Đào Trung Hiếu, hiện có khoảng 24 hình thức lừa đảo chính. Trong đó nổi bật là lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice, dùng công nghệ để ghép mặt và giọng nói của người quen sau đó nhờ chuyển tiền.

Các đối tượng cũng thường giả mạo cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... thông báo người nhà “vô tình” liên quan đến tội phạm như ma túy, bí mật an ninh... và yêu cầu chuyển tiền; lừa đảo giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, ngân hàng, chứng khoán... thông báo các vấn đề được quan tâm về lương, bảo hiểm.

Bên cạnh đó là các hình thức lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp... với mức siêu lợi nhuận; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng rồi xin lấy lại tiền, lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; lừa đảo có người gửi bưu kiện, hoặc trúng thưởng, hoặc có khoản tiền ngoại tệ chuyển đến cần có tiền ứng trước để rút tiền ra...

Để phòng tránh, mọi người cần hiểu rõ, cơ quan chức năng không bao giờ yêu cầu người dân, nộp tiền làm việc qua điện thoại, khi cần làm việc với người dân sẽ phải làm việc tại trụ sở... Đồng thời, không truy cập vào các đường link lạ, cần quan sát đánh giá đường link an toàn mới truy cập; chú ý nhận biết những trang website giả mạo như thường hay có lỗi chính tả; dấu hiệu của 1 vụ lừa đảo là thường áp đặt thời gian để nạn nhân thực hiện…

Bên cạnh đó, phải chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như thẻ căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; không tham lam những tài sản, món quà... không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nguoi-lao-dong-can-chu-trong-bao-mat-thong-tin-ca-nhan-de-tranh-bi-lua-dao-171890.html