Người lao động hưởng lợi từ thỏa ước nhóm
Thỏa ước lao động tập thể nhóm không chỉ giúp doanh nghiệp ổn định nguồn nhân lực mà còn nâng cao phúc lợi cho người lao động
Thực hiện Chương trình thí điểm dự án "Thúc đẩy đối thoại - Thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT)" được ký kết giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Công đoàn Hà Lan, LĐLĐ TP HCM vừa ký kết 2 TƯLĐTT nhóm với 10 doanh nghiệp (DN) dệt may tại quận Tân Bình và Thủ Đức. Mỗi thỏa ước có từ 11 đến 13 điều khoản có lợi cho người lao động (NLĐ) cao hơn luật quy định.
Người lao động an tâm làm việc
4 DN may trên địa bàn quận Tân Bình tham gia thực hiện thí điểm chương trình gồm Công ty TNHH May mặc G&G II, Công ty TNHH May Đại Hồng Thái, Công ty TNHH Dệt may Nguyên Dung và Công ty TNHH SXTM Trương Vui.
Bà Lê Thị Thúy Hồng, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Bình, cho biết để hình thành thỏa ước nhóm không phải là điều đơn giản, nhất là tìm được sự đồng thuận của nhiều đại diện người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong cùng ngành nghề. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng khiến quá trình vận động, thương lượng gặp rất nhiều trở ngại.
Để giải quyết bài toán này, với sự hỗ trợ từ Công đoàn (CĐ) cấp trên, LĐLĐ quận đã tập trung bồi dưỡng một số kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở, chủ yếu là cách tập hợp ý kiến NLĐ và thương lượng với chủ DN. Sự chuẩn bị chu đáo đó đã giúp quá trình tập hợp ý kiến NLĐ để xây dựng nội dung thỏa ước cũng như thương lượng diễn ra suôn sẻ với sự đồng thuận cao từ NSDLĐ. Đại diện 4 DN tham gia ký kết thỏa ước nhất trí 100% với 11 nội dung có lợi cho NLĐ do LĐLĐ quận và đại diện NLĐ gợi ý, giúp hơn 850 NLĐ được hưởng nhiều phúc lợi cao hơn luật.
Theo nội dung thỏa ước, hằng năm, các DN sẽ thưởng tháng lương thứ 13 cho NLĐ có thời gian làm việc từ đủ 12 tháng trở lên (ít nhất 1 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động (HĐLĐ); cung cấp bữa ăn ca cho NLĐ với giá trị ít nhất từ 17.000 đồng/bữa; tái ký HĐLĐ cho lao động nữ trong thời gian mang thai hết hạn HĐLĐ; khen thưởng cho NLĐ có, năng suất lao động cao; tổ chức cho NLĐ tham quan, du lịch hằng năm...
Tại quận Thủ Đức, TP HCM, 6 DN tham gia thực hiện thí điểm gồm Công ty CP May Sài Gòn 3, Công ty TNHH SXDV-TM Vạn Thành, Công ty TNHH SX,TM-DV Long Cường, Công ty CP SX,TM-DV XNK Indira Gandhi, Công ty TNHH CNTM Minh Nghệ và Công ty SX May mặc Kiều Hưng.
Bà Đỗ Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Thủ Đức, cho biết việc xây dựng TƯLĐTT nhóm mất hơn 1 năm chuẩn bị, trải qua nhiều khâu như khảo sát tình hình các DN dệt may, tập huấn giảng viên nguồn, khảo sát nguyện vọng NLĐ, soạn dự thảo nội dung thỏa ước, làm việc với lãnh đạo DN.
Dù mất khá nhiều thời gian song thỏa ước đã đáp ứng được nguyện vọng của hơn 3.000 NLĐ tại 6 DN nói trên.Thỏa ước có 13 nội dung có lợi cho NLĐ cao hơn luật quy định như: Trả lương cho NLĐ cao hơn 6% trở lên so với lương tối thiểu vùng; thưởng cho NLĐ có sáng kiến, cải tiến với mức thưởng ít nhất 5% giá trị làm lợi; hỗ trợ suất ăn giữa ca thấp nhất 17.000 đồng/người/suất. Ngoài ra, hằng năm, các DN tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; NLĐ làm việc 10 năm trở lên tại DN được thưởng thêm 1 ngày nghỉ, được trả nguyên lương vào dịp Tết nguyên đán.
Doanh nghiệp ủng hộ
Theo Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc ký kết thỏa ước nhóm ở các DN cùng ngành nghề, cả NSDLĐ và NLĐ đều được hưởng lợi. Về phía NLĐ, họ có thể biết chắc chắn chế độ chính sách, lương, phụ cấp và các khoản phúc lợi tại DN được bảo đảm bằng hoặc cao hơn các DN khác cùng ngành đang hoạt động trên địa bàn. NSDLĐ cũng yên tâm phát triển sản xuất - kinh doanh khi NLĐ gắn bó, làm việc tốt hơn.
Ông Đặng Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP SXTM - DV XNK Indira Gandhi (quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết rất ủng hộ mô hình này. Theo ông Thanh, thỏa ước nhóm buộc NLĐ phải chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về HĐLĐ, đặc biệt là không đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định của pháp luật để chuyển sang làm việc tại các DN cùng tham gia ký kết thỏa ước nhóm.
"Là một DN có 200 lao động và thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm lo cũng như tuyên truyền pháp luật cho NLĐ, tôi hoàn toàn ủng hộ thỏa ước nhóm. Với thỏa ước này, không chỉ DN mà bản thân NLĐ phải ý thức trong việc tuân thủ pháp luật, nâng cao ý thức xây dựng DN. Tham gia thỏa ước nhóm với những chính sách chăm lo tốt hơn cho NLĐ, DN cũng được khách hàng tín nhiệm, đánh giá cao" - ông Thanh bày tỏ.
Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch CĐ Công ty TNNH May mặc G&G II (quận Tân Bình, TP HCM), cho biết trong quá trình thương lượng và xây dựng thỏa ước nhóm đã gặp không ít khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát, NSDLĐ muốn giảm bớt một số điều khoản. "Dù nội dung thỏa ước không được như mong đợi song qua quá trình thương lượng, đội ngũ cán bộ CĐ tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý. Với vai trò chủ tịch CĐ cơ sở, tôi sẽ tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ tuân thủ nội dung thỏa ước, có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất lao động, giảm tối đa chi phí và làm ra những sản phẩm chất lượng cao để DN ngày càng phát triển" - ông Sơn cho hay.
"Thông qua hình thành thỏa ước nhóm, DN sẽ liên kết chặt chẽ với nhau trong việc chăm lo quyền lợi của NLĐ, giúp họ có thêm động lực làm việc và hạn chế tối đa tình trạng nhảy việc. Đây là cơ hội để NLĐ nâng cao phúc lợi, góp phần thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa tại DN".
Bà TRẦN THỊ THANH HÀ
Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam