Người lao động nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng với thủ tục nhanh gọn

Quy trình, thủ tục nhanh gọn, đảm bảo việc người dân được hưởng thụ chính sách một cách kịp thời. Đây là mục tiêu được Hà Nội đặt ra và phân quyền để các quận, huyện, thị xã…. triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng.

Ngay sau khi UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 3642 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đồng loạt 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã tiếp nhận hồ sơ của các nhóm đối tượng được thụ hưởng gói 26.000 tỷ đồng theo chính sách của Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng chính phủ.

"Tôi bán hàng ăn. Trước chưa dịch bệnh, làm ăn thì công việc cũng ổn định, nhưng từ ngày dịch bệnh đến giờ thì rất khó khăn. Gia đình rất khó khăn, tiền nhà thì phải đi thuê. Tôi rất vui và cảm ơn chính sách Nhà nước đã hỗ trợ, ủng hộ chúng tôi, tuy nhỏ thôi nhưng trong thời dịch bệnh này giúp cho chúng tôi bớt khó khăn phần nào. Chúng tôi rất phấn khởi, vui mừng và thấy thủ tục đơn giản, không khó khăn, dễ hiểu".

"Tôi làm cắt tóc gội đầu. Công việc từ lúc dịch COVID-19 tôi phải nghỉ việc và ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt gia đình cũng như là mưu sinh. Tôi rất vui vì được hỗ trợ ít nhiều để cuộc sống đỡ vất vả hơn. Khi làm thủ tục hồ sơ rất là nhanh chóng và đơn giản. Chân thành cảm ơn đến chính sách của Nhà nước đã hỗ trợ cho người dân chúng tôi trong mùa dịch này".

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Không chỉ những lao động tự do là nhân viên cắt tóc, gội đầu như chị Lê Thị Hiền, hay người bán hàng rong như bà Lê Thị Thúy, ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông của Hà Nội bắt đầu được nhận hỗ trợ 1.500.000 đồng/người/lần do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bà Nguyễn Thị Hương, kế toán trưởng của Trường mầm non Happy Smile, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ tháng 5/2021 đến nay, 48 giáo viên, người lao động của nhà trường phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, trong đó có cả những người đang mang thai và nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi. Khi biết tin mình và đồng nghiệp thuộc đối tượng được nhận hỗ trợ một lần là 3.710.000 đồng/người từ gói 26.000 tỷ đồng, với sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ chuyên môn địa phương, nên thủ tục, hồ sơ xin hỗ trợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của nhà trường đã được giải quyết nhanh gọn và hoàn tất ngay trong ngày 23/7.

Bà Nguyễn Thị Hương bày tỏ: "Người lao động của chúng tôi hiện tại bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Cô giáo mầm non bây giờ phải làm rất nhiều nghề khác nhau để kiếm sống, thậm chí có cô phải về quê, có cô không tìm được việc. Khi biết có thuộc diện gói hỗ trợ này thì chúng tôi rất vui mừng. Hồ sơ của lần này đơn giản hơn rất nhiều so với đợt dịch của năm ngoái. Hồ sơ cũng khá đơn giản, chỉ có 3 giấy tờ cơ bản. Thứ nhất là danh sách người lao động tạm hoãn đơn vị tôi đang thuộc diện đó. Thứ hai là đợt dịch năm nay thì Nhà nước có hỗ trợ thêm cho đối tượng là người lao động mang thai thì có cần thêm giấy chứng minh là người lao động đang mang thai và tiếp theo là gia đình có con dưới 6 tuổi thì cũng sẽ được diện hỗ trợ thì chúng tôi chuẩn bị đầy đủ 3 giấy tờ đó. Sau đó, UBND quận giải quyết rất nhanh chóng cho chúng tôi".

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Quy trình, thủ tục nhanh gọn, đảm bảo việc người dân được hưởng thụ chính sách một cách kịp thời. Đây là mục tiêu được Hà Nội đặt ra và phân quyền để các quận, huyện, thị xã…. triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. Bà Đỗ Thị Minh Loan, Trưởng phòng Lao động thương binh và Xã hội quận Hà Đông và ông Nguyễn Quang Hồng, trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy cho biết: "Đối với lao động tự do lần này về trình tự, thủ tục rút gọn và đơn giản hơn đối với việc thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ. Khi triển khai đến người dân, chúng tôi xác định là việc triển khai phải đảm bảo minh bạch, công khai và tạo được sự đồng thuận thống nhất của người dân, thì công tác tuyên truyền, triển khai, hướng dẫn thủ tục hồ sơ và thực hiện niêm yết công khai, minh bạch làm chặt chẽ về công tác xét duyệt từ dưới cơ sở. Chính vì thế mà cũng đã có những người công dân đầu tiên tiến hành nộp hồ sơ tại các cơ quan chức năng đề nghị xem xét hỗ trợ".

"Ngay sau thành phố có quyết định chính thức thì Phòng LĐTBXH đã trình ngay với lãnh đạo quận ban hành kế hoạch và quyết định thành lập tổ chức triển khai. Thì Bảo hiểm xã hội quận cũng là một trong những đơn vị đi tiên phong trong vấn đề triển khai. Cụ thể, các đồng chí đã thực hiện giảm quỹ hưu trí tử tuất cho 5 đơn vị. Thứ hai là giảm mức bảo hiểm tai nạn lao động cho gần 9.000 doanh nghiệp, trị giá trên 3,9 tỷ. Hiện nay, một số lao động tự do đã đến phường để được hướng dẫn. Quận Cầu Giấy xác định trọng tâm để làm sao triển khai chính sách này một cách nhanh nhất, kịp thời nhất và đúng đối tượng".

Cùng các nhóm đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, thì người lao động tự do ở Hà Nội được hỗ trợ 1.500.000 đồng/người/lần. Theo đó, những lao động tự do gồm: Nhân viên quán karaoke, quán bar, vũ trường, game; người làm việc trong quán ăn, uống đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè; nhân viên nhà hàng, quán bia, bia hơi; người làm việc trong các cửa hàng ăn uống khu vực bị phong tỏa, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ bị mất việc khi thành phố chỉ cho bán hàng ăn uống mang về; nhân viên cắt tóc, gội đầu, spa; lao động làm việc trong nhóm ngành dịch vụ không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động theo công điện của UBND thành phố sẽ được hỗ trợ.

Ngoài ra, những lao động tự do khác cũng được hỗ trợ là người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 đang được Hà Nội triển khai với tinh thần nhanh gọn, đúng đối tượng, song tránh để chính sách bị trục lợi.

"Thứ nhất, Sở Lao động Thương binh Xã hội sẽ chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện chính sách hỗ trợ và kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm và báo cáo UBND thành phố những vấn đề vượt thẩm quyền. Thứ hai, trong quyết định quy định rất rõ trách nhiệm các sở, ngành phải tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề và kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm. Và Sở ĐTBXH đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị giải đáp thắc mắc của người dân, người sử dụng lao động và người lao động trong việc triển khai trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ", ông Khánh nói.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Đến giữa tháng 7, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội đã khảo sát 374 người sử dụng lao động, có nhu cầu vay vốn trên 176 tỷ đồng để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh cho khoảng 29.000 lao động. Còn Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội - đơn vị thực hiện việc giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho đối tượng là người sử dụng lao động và chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất cho người lao động đã nhanh chóng rà soát, hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động.

Đến ngày 18/7, các đơn vị trong toàn hệ thống BHXH TP. Hà Nội đã gửi thông báo về số tiền được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến 87.563 đơn vị sử dụng lao động (đạt 100%) để người sử dụng lao động hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, số lao động được giảm mức đóng là 1.439.000/người, với tổng số tiền (tạm tính) được giảm trong 12 tháng, từ 1/7/2021 đến ngày 30/6/2022) là hơn 643 tỷ đồng./.

Hà Nam/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-lao-dong-nhan-ho-tro-tu-goi-26000-ty-dong-voi-thu-tuc-nhanh-gon-877362.vov