Người lao động thu nhập thấp mong muốn được mua nhà ở xã hội

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, hàng triệu người lao động thu nhập thấp, mong muốn được mua nhà ở xã hội.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương).

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương).

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho rằng, khi tiếp xúc cử tri, nhiều công nhân lao động đang ngày đêm làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và đô thị lớn trên cả nước với suy nghĩ rất đơn giản là: Mong muốn sống và làm việc, có gia đình và có mái nhà nhỏ để an cư, yên tâm làm việc, nuôi dạy con cái và phụng dưỡng cha mẹ.

“Dù chỉ đơn giản như thế, nhưng là cả một ước mơ của họ, bởi thực tế tiền lương thì không tăng, nhưng giá nhà và giá tiêu dùng thì tăng liên tục, nên dù Luật Nhà ở đã ban hành, dù nhiều chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội đã được triển khai, nhưng với mức thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng, lại phải lo toan đủ thứ, nên việc được tiếp cận một căn nhà, trong đó có nhà ở xã hội, là điều ngoài tầm với”, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nói.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng, giá nhà - dù đã gọi là nhà ở xã hội, nhưng vẫn vượt quá xa khả năng người lao động; cùng với tiêu chí, quy trình, quy định thủ tục được xét duyệt đưa ra cũng không phải dành cho những người có mức thu nhập thấp.

“Nhiều người muốn đăng ký, nhưng đành từ bỏ vì không đủ điều kiện, hoặc không dám gánh thêm nợ trong cuộc sống, vốn đã quá chật vật. Nghị quyết thí điểm lần này, nếu được xây dựng thực chất, khả thi, sẽ chính là niềm hy vọng lớn nhất mà người lao động thu nhập thấp đang trông chờ. Họ không cần một căn hộ cao cấp, một căn nhà đầy đủ tiện nghi, mà chỉ mong có được một nơi ở tươm tất để nghỉ ngơi, vui đùa cùng con cái sau những giờ làm việc cực nhọc, với giá cả hợp lý để thuê, để thuê mua hoặc sở hữu trong khả năng của mình”, đại biểu Tạ Văn Hạ nêu ý kiến.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam).

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam).

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã kiến nghị Quốc hội xem xét, bổ sung các cơ chế hỗ trợ thật sự thiết thự, như được trợ giá, bù giá từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ nhà ở quốc gia, đảm bảo giá nhà, giá thuê tương xứng với thu nhập thực tế của người lao động. Đồng thời, cần bảo đảm công khai, minh bạch trong phân bổ, xét duyệt, để người lao động có cơ hội công bằng tiếp cận nhà ở xã hội.

Một chính sách nhân văn nếu đi vào cuộc sống sẽ không chỉ giúp người lao động an cư, mà còn giúp đất nước phát triển bền vững. Vì chỉ khi người lao động có chốn đi về ổn định, họ mới có thể an tâm lao động, tái tạo sức lao động, đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

“Đừng để những khu nhà ở xã hội phải bị bỏ hoang, xuống cấp với sự tiếc rẻ và khát khao của bao người lao động. Đừng để giấc mơ có nhà của người lao động mãi mãi là giấc mơ không thành”, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân chia sẻ.

Nhiều đại biểu cũng đồng tình cao với Điều 4 về quỹ nhà ở của quốc gia trong dự thảo Nghị quyết. Các đại biểu cho rằng, với việc cần thiết thành lập quỹ nhà ở quốc gia tại trung ương và địa phương, đồng thời mở rộng nguồn thu từ ngân sách và xã hội hóa, đây là cơ sở tài chính quan trọng để thực hiện mục tiêu an sinh, lo chỗ ở cho hàng triệu người lao động có thu nhập thấp.

Dự thảo của Nghị quyết đã có bước tiến tích cực, khi quy định quỹ nhà ở quốc gia được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước cấp và các nguồn hợp pháp khác, đặc biệt là khoản trích tối thiểu 50% từ số tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội, cùng với nguồn thu từ bán nhà thuộc tài sản công.

Tuy nhiên, quy định này vẫn còn thiếu một số yếu tố then chốt cần làm rõ và hoàn thiện. Đó là, chưa xác định cụ thể tỷ lệ tối thiểu phân bổ từ chi đầu tư phát triển hàng năm của ngân sách nhà nước cả ở trung ương và địa phương để hình thành và vận hành quỹ nhà ở quốc gia. Việc này dẫn đến nguy cơ nguồn quỹ không ổn định, phụ thuộc vào các khoản thu không cố định như tiền bán tài sản công hoặc đóng góp tự nguyện. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội là nhu cầu cấp thiết, lâu dài và liên tục của hàng triệu người lao động có thu nhập thấp.

Vì vậy, một số đại biểu Quốc hội kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung quy định ngân sách nhà nước hằng năm bao gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương phải bố trí tối thiểu 1 - 2% tổng chi đầu tư phát triển để hình thành và vận hành quỹ nhà ở quốc gia. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm đóng góp cụ thể giữa trung ương và địa phương theo tỷ lệ dân số lao động, tình trạng nhà ở xã hội hiện có và nhu cầu thực tế trên địa bàn. Việc này sẽ tạo sự công bằng, minh bạch và bảo đảm hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực.

Ngoài ra, quy định hiện hành chưa phân biệt giữa các vùng có nhu cầu nhà ở xã hội khác nhau ở các khu đô thị lớn, nơi tập trung đông khu công nghiệp như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... với hàng trăm nghìn công nhân đang sống trong nhà trọ chật hẹp, tạm bợ.

Một số đại biểu đề nghị, cần xem xét bổ sung quy định về phân loại địa phương theo nhóm có nhu cầu cao, trung bình, thấp theo mật độ dân số tại từng địa phương, để từ đó có cơ chế phân bổ nguồn lực quỹ phù hợp, tránh dàn trải, thiếu hiệu quả.

Tiếp đó là cần xem xét, bổ sung quy định về khung giá trần, hoặc giá sàn nhà ở xã hội, theo từng khu vực. Nếu không quy định rõ ràng, thì người lao động vẫn rơi vào cảnh khó tiếp cận được nhà ở xã hội, vì giá nhà vẫn vượt xa so với thu nhập của họ. Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết cũng chưa xác định được quy mô của quỹ và mục tiêu cụ thể, từ đó sẽ khó khăn trong công tác giám sát, đánh giá hiệu quả của chính sách…

V.Tôn/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/nguoi-lao-dong-thu-nhap-thap-mong-muon-duoc-mua-nha-o-xa-hoi-20250524172358488.htm