Người lính Cụ Hồ trăn trở với nghệ thuật múa rối nước

Đại tá Đinh Thế Văn - người chiến sĩ cách mạng và cũng là người khơi lại niềm đam mê rối nước Đào Thục. Ông trăn trở nỗi lo nét văn hóa truyền thống ngày càng mai một…

Tiết mục múa rối đang được biểu diễn tại thủy đình. (Ảnh trong bài: V.D)

Tiết mục múa rối đang được biểu diễn tại thủy đình. (Ảnh trong bài: V.D)

Người chiến sĩ chỉ huy bắn hạ pháo đài bay B52

Chúng tôi ghé thăm làng rối nước Đào Thục (thuộc xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) vào một ngày đầy nắng, với sự yên ả của một làng quê thanh bình. Trong không gian ấm cúng của ngôi nhà nhỏ yên bình giữa làng rối Đào Thục, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Đinh Thế Văn vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về những câu chuyện của đời mình.

“Tôi tham gia quân đội từ lúc nhỏ, lúc mới chớm lên 16 tuổi. Nếu đi tuyển bộ đội là không đáp ứng, nên mới theo đoàn thanh niên xung phong đi ốp mìn, phá đá trên Cao Bằng, Lạng Sơn. Cả đơn vị thanh niên xung phong được bổ sung sang Quân đội để tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Thế là nghiễm nhiên tôi được nhập ngũ ngày 2/3/1954”, ông Văn nhớ lại.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đinh Thế Văn chiến đấu ở Sư đoàn 312, Tiểu đoàn 531 - C268 phòng không, với nhiệm vụ bắn máy bay bảo vệ cho bộ binh đánh đồi Him Lam. Năm 1965, ông thi đỗ vào Đại học Bách khoa. Thế nhưng, chiến tranh vẫn còn, người lính năm ấy tiếp tục tham gia vào kháng chiến chống Mỹ, đầu quân vào Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng Không - Không quân). Từ nỗ lực phấn đấu, rèn luyện mà khi vừa ngoài 30 tuổi, ông đã được giao giữ cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 (năm 1971).

Ông Đinh Thế Văn trở thành người trực tiếp chỉ huy bắn hạ pháo đài bay B52 của đế quốc Mĩ và Tiểu đoàn 77 là một trong hai đơn vị phòng không bắn rơi nhiều máy bay B52 nhất của quân chủng. Ông chia sẻ: “Đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được cảm xúc ngày ấy cùng đồng đội đưa B52 trở thành đống sắt vụn, 12 ngày đêm ấy vĩ đại quá, những tưởng B52 là pháo đài bất khả xâm phạm nhưng quân ta đã làm được, làm nên chiến thắng lịch sử và hào hùng”.

Sau khi chiến dịch kết thúc, ông được đề bạt làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 257, được cử đi học tại Học viện Phòng không - Không quân. Đến năm 2013, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Khơi dậy niềm đam mê múa rối nước

Ông Đinh Thế Văn nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Khi việc quân đã trọn, cả cuộc đời người lính đã lùi về phía sau thì cũng là lúc những trăn trở của người cha năm xưa - một cựu trưởng phường rối nước lại trỗi dậy trong tâm trí người chiến sĩ cách mạng khi đã ngoài sáu mươi.

Ông chia sẻ: “Tháng 10/1989, tôi chính thức được về nghỉ hưu. Tôi đã tham gia rối nước từ bé bởi vì bố tôi là trùm rối nước ngày xưa. Trước khi nghỉ hưu, ông có dặn nghệ thuật rối nước quý lắm đấy, phải gìn giữ và lưu truyền. Tôi cũng biết môn nghệ thuật múa rối nước của làng Đào Thục là cái môn truyền thống, đặc sắc văn hóa thôn Đào Thục, phải làm cho nghệ thuật múa rối nước thật phát triển”.

Đại tá Đinh Thế Văn - người chỉ huy bắn hạ pháo đài bay B52.

Đại tá Đinh Thế Văn - người chỉ huy bắn hạ pháo đài bay B52.

Trở về quê hương chứng kiến tận mắt phường rối nước Đào Thục 300 năm tuổi nay tiêu điều, mai một, nghệ nhân người còn, người mất, thế hệ trẻ lại không mấy ai mặn mà, ông Văn hàng ngày lóc cóc một mình trên chiếc xe đạp cũ, đi gõ cửa từng nhà, vận động từng người dân cùng nhau gìn giữ nghề truyền thống của cha ông. Đại tá Đinh Thế Văn nhớ lại làng Đào Xá sau chiến tranh với đường sá lầy lội, cả làng như một ốc đảo, nghèo nàn và lạc hậu, không có ai qua lại. “Có hàng cũng không bán được, không có khách ở ngoài vào mua. Bốn mươi năm trong quân ngũ trở về, tôi cố gắng đi vận động từng nhà vực dậy kinh tế, vận động các cụ già truyền nghề lại cho các các cháu, cho thế hệ trẻ. Trong thâm tâm tôi lúc ấy chỉ nghĩ đến rối nước”, ông cho biết.

Những ngày tháng cơ cực dài dăng dẳng ấy rồi cũng ra hoa kết trái, cái hồn của dân tộc vẫn còn sống mãi trong lòng người dân Đào Xá. “Khi mà bác Văn về quê, bác toàn tâm, toàn ý khôi phục lại ý tưởng rối nước ngày xưa. Cùng với các lãnh đạo thành phố, lãnh đạo huyện, xã, địa phương bắt tay vào gây dựng lại, khôi phục lại” - một người dân trong làng kể.

Theo ông Nguyễn Thế Nghị - Trưởng phòng Kinh doanh của làng múa rối nước Đào Thục hiện nay: “Tôi cũng là cha truyền con nối, xem mẹ mình đi biểu diễn, đi theo mẹ đi biểu diễn ở các nơi. Nó cứ ngấm dần vào trong máu mình. Lớn lên mới nhận thấy là quê hương mình có một tài sản lớn như thế, thương hiệu đã có hơn 300 năm mà ông cha để lại. Chính vì thế mà tôi cũng nhận thức được đây chính là tài sản quý không chỉ của làng Đào Thục mà là của xã Thụy Lâm của huyện Đông Anh và của Hà Nội nói chung”.

Hiện tại, thủy đình tọa lạc ngay giữa làng Đào Thục, các tích trò truyền thống được gây dựng lại và được biểu diễn tại làng và các địa điểm khác trên toàn quốc. Cho đến nay có hơn 30 tích trò đã được khôi phục, các nghệ nhân và người dân cũng tích cực lan truyền nét văn hóa đặc sắc ấy tới với nhiều người, nhiều địa phương hơn.

Hoạt cảnh 12 ngày đêm và những trăn trở trong tương lai

Nhắc đến múa rối nước Đào Thục, nhắc đến Đại tá Đinh Thế Văn là nhắc đến vở kịch có một không hai “Điện Biên Phủ trên không”. Đó là hoạt cảnh tái hiện lại 12 ngày đêm rực lửa của quân và dân ta trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần 2 (1969 - 1973). Đại tá chia sẻ với giọng nói đầy tự hào: “Đặc biệt nhất phải nói đến kịch bản vì chính tôi tham gia vào chiến dịch 12 ngày đêm. Một thắng lợi vĩ đại, cả thế giới không nước nào bắn rơi được B52, chỉ có Việt Nam là duy nhất. Tôi muốn đưa trận chiến ấy vào kịch bản rối nước và không ngờ khán giả thấy rất yêu thích. Tôi cũng nghĩ là truyền lại “lửa” cho lớp các cháu, cho thế hệ mai sau thì chỉ “truyền lửa” bằng nghệ thuật là hay nhất và người ta dễ tiếp thu nhất”.

Không khí của trận chiến đầy ác liệt ấy được các nghệ nhân múa rối nước Đào Thục tái hiện lại đầy sống động. Người xem như được cuốn vào một thế giới kỳ ảo, đầy sinh động và hào hùng. “Điện Biên Phủ trên không” cũng là một trong những tiết mục độc đáo nhất của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam mà chỉ có tại phường múa rối nước làng Đào Thục.

Là người lính Cụ Hồ, Đại tá Đinh Thế Văn luôn mong muốn người trẻ hiểu được sự khốc liệt của chiến tranh và giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do. Và mong muốn của ông chính là làm sao “truyền lửa” cho con cháu, cho thế hệ tương lai phải ghi nhớ công lao của những người đi trước, biết ơn và trân trọng, biết phấn đấu và gìn giữ, xây dựng và bảo vệ đất nước phát triển, phồn vinh: “Thứ nhất là phát huy truyền thống của quê hương rối nước, thứ hai là cũng ghi dấu ấn lại để mà giáo dục con cháu sau này và cũng là để làng Đào Thục, dân tộc Việt Nam nhớ lại 12 ngày đêm lịch sử của dân tộc ta đã đánh thắng hai đế quốc lớn, đó là điều rất vĩ đại của dân tộc Việt Nam”.

Với ông, thế hệ cha ông đã vượt qua gian nan, khó nhọc nên niềm mong mỏi thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ, phát huy luôn thường trực trong tâm trí ông: “Ngày trước tham gia rối nước khổ như thế nhưng các cụ vẫn say sưa. Thế nên bây giờ các cháu phải cố gắng theo bố, theo ông, làm thế nào để giữ gìn được, phát triển được nghệ thuật rối nước này. Và hơn thế, đưa rối nước ra khỏi phạm vi quốc gia mà vươn tầm thế giới”, Đại tá Đinh Thế Văn dặn dò.

Và đó cũng chính là niềm mong đợi mà người dân Đào Thục ấp ủ bao lâu nay. Dù thời gian có qua đi, đất nước có đổi thay, trong lòng mỗi người dân Đào Thục đều hết lòng với nghệ thuật múa rối nước. Chị Đinh Thị Minh - người con của phường rối Đào Thục cho biết:“Hiện nay các em có rất nhiều sự lựa chọn ngành nghề nhưng cũng vì niềm đam mê và tâm huyết với nét truyền thống này mà tôi vẫn tiếp tục theo đuổi. Khi vào đoàn rối thì tôi đã xác định được tư tưởng rất là kỹ, mình là một người con của Đào Thục, mình phải tự hào về làng mình có nghề truyền thống lâu đời như thế này”.

Vũ Diệp

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguoi-linh-cu-ho-tran-tro-voi-nghe-thuat-mua-roi-nuoc-post515041.html