Người lớn cũng muốn nghỉ trọn vẹn, sao giao bài tập Tết cho học sinh?
Làm bài tập trong những ngày nghỉ Tết là điều không nhiều học sinh hứng thú. Thầy cô cũng cho rằng, thực tế, không nhất thiết phải giao cho trẻ bài tập vào ngày Tết.
Chia sẻ với VietNamNet, cô Trần Thị Kim Ngân (giáo viên Trường THPT Kim Liên, Hà Nội) cho rằng, bài tập về nhà là nhiệm vụ mà học sinh phải hoàn thành sau khi học kiến thức trên lớp mỗi ngày, giúp củng cố kiến thức, kỹ năng của bài học ngày hôm đó. Do vậy, bài tập về nhà mang tính ngắn hạn, học xong buổi nào kết thúc buổi đó.
Với mục đích chính như vậy, trong các kỳ nghỉ lễ như nghỉ Tết - vốn là thời gian mọi người được nghỉ, cô Ngân cũng thường không ra thêm bài tập cho học sinh.
“Tôi vẫn luôn mong các em học sinh có kì nghỉ Tết “không bài tập trên trường”, để các em có thể dành 100% thời gian và tâm trí “học” thêm các kiến thức, giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc ngày Tết”, cô Ngân nói.
Cô Ngân cho rằng, không nên quá lo lắng việc không ra bài tập Tết học sinh sẽ rơi rụng kiến thức sau kỳ nghỉ.
“Khi các em đã học hành nghiêm túc, các chuỗi bài tập về nhà sau mỗi ngày đã giúp chuyển hóa trí nhớ ngắn hạn thành trí nhớ dài hạn. Với phần kiến thức đã được đưa vào trí nhớ dài hạn, chỉ cần nhắc lại là các em có thể nhớ lại toàn bộ”, cô Ngân chia sẻ.
Vì vậy, theo cô Ngân, việc ra bài tập về nhà cho học sinh trong những ngày Tết là không cần thiết, tránh tạo căng thẳng, áp lực không đáng có.
Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội), cũng cho rằng, kể cả trong trường hợp học sinh quên một phần kiến thức cũng là chuyện bình thường ở lứa tuổi này. Nếu các em quên, thầy cô hoàn toàn có thể hỗ trợ lại vào thời điểm sau Tết. Đa phần lúc này, các thầy cô đều dành một quỹ thời gian nhỏ để khởi động lại việc học tập của học sinh đi theo đúng guồng học tập đã định hình.
“Nhìn từ góc độ người lớn, trong kì nghỉ, chúng ta cũng không ai muốn cơ quan giao thêm bất cứ việc gì, để có một kỳ nghỉ trọn vẹn. Học sinh cũng vậy, các em nên được nghỉ đúng nghĩa”, ông Tùng nói.
Vì vậy, ông Tùng cho rằng không cần thiết phải giao một loạt các bài tập về nhà một cách nặng nề, cứng nhắc ở nhiều môn cho học sinh những ngày Tết.
“Chỉ cần trong thời gian học tập theo quy định, các học sinh chăm chỉ học tập, hoàn thành nhiệm vụ thầy cô giao một cách tập trung là đủ để phát triển các năng lực và phẩm chất cần có”, ông Tùng nói.
“Hãy để học trò nghỉ Tết đúng nghĩa!”
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội), cho rằng, thay vì giao bài tập, các giáo viên hãy giao nhiệm vụ cho học trò.
“Tết là dịp học trò được nghỉ ngơi, đoàn viên bên gia đình. Trong cả năm học, về cơ bản, các em đã thực hiện các hoạt động học tập, giáo dục và rất cần thời gian được nghỉ ngơi ấm cúng bên gia đình dịp Tết đến, xuân về. Đây cũng là dịp các em cần được trải nghiệm các hoạt động đón Tết cổ truyền. Bởi vậy, không nên giao nhiều bài tập để ngày nào các em cũng phải làm bài tập hoặc phải làm bài tập nhiều trước, sau Tết.
Việc này cũng không phù hợp với tâm lý của học trò. Vì vậy, thay vì giao bài tập nhiều, thầy cô hãy giao nhiệm vụ cho các em. Chẳng hạn giao những nhiệm vụ về tìm hiểu phong tục tập quán ngày Tết, những việc làm của học trò cùng gia đình đón Tết… Bên cạnh đó, thầy cô cũng có thể giao những nhiệm vụ gắn với học tập, nhưng ở mức độ nhẹ nhàng, chẳng hạn dọn dẹp góc học tập, ôn tập nhẹ nhàng những kiến thức của các môn học tuần đầu tiên”.
Theo thầy Cường, thầy cô cũng cần lưu ý thêm cho học trò qua những buổi trao đổi trước khi nghỉ Tết. Thông qua đó, thầy cô có thể giáo dục, căn dặn, lưu ý các em về đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm… “Giáo viên cũng có thể giáo dục để khi nghỉ Tết các em thực hành như chào hỏi, chúc Tết hay những việc làm tốt đầu năm... Từ đó, các em gìn giữ được những truyền thống tốt đẹp”, thầy Cường nói.
Thầy Nguyễn Quang Tùng cho rằng, nếu giao nhiệm vụ cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết, cũng chỉ nên xác định tâm thể cho các em tìm hiểu về phong tục, tập quán ngày Tết một cách nhẹ nhàng. “Chúng ta có thể giao nhiệm vụ các em giúp đỡ cha mẹ việc gia đình ngày Tết bởi như thế vừa mang ý nghĩa giáo dục cao vừa giúp gắn kết các thành viên trong gia đình”, ông Tùng nói.