Người lớn tắc trách, trẻ lại chưa biết tự cứu khi mắc kẹt trên ôtô

Để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra, cha mẹ nên trang bị cho con kỹ năng cần thiết để thoát thân nếu không may bị nhốt trong không gian đóng kín như ôtô.

 Trẻ có thể bị kẹt trên xe do sơ suất của người lớn. Ảnh: Shutterstock.

Trẻ có thể bị kẹt trên xe do sơ suất của người lớn. Ảnh: Shutterstock.

"Mỗi lần về nhà, tôi sẽ thấy con trai chờ sẵn ở đó. Nhưng từ hôm qua, con đã không còn chờ tôi nữa, từ giờ, tôi sẽ không bao giờ được gặp lại con nữa".

Một ngày giữa tháng 11/2023, bà Luciana Coelho Graft (44 tuổi, Brazil) ngã quỵ khi nhận tin con trai Apollo (2 tuổi) tử vong vì bị bỏ quên trong xe buýt trường học. Nhiệt độ hôm đó ở Brazil lên đến 37 độ C.

Truyền thông địa phương cho biết Apollo được mẹ đưa lên xe buýt lúc 7 giờ để kịp đến trường. Vào 16h cùng ngày, tài xế mới phát hiện em nằm bất động trên ghế. Cậu bé được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã qua đời ngay khi vừa đến nơi.

Hàng loạt vụ việc đau lòng

Apollo không phải đứa trẻ duy nhất tử vong do bị mắc kẹt trong xe buýt trường học. Trước đó, vào tháng 9/2022, em China Kawamoto (3 tuổi) ở thành phố Makinohara (Nhật Bản) được phát hiện bất tỉnh trên xe buýt trường học và sau đó tử vong.

Thông qua điều tra, cảnh sát kết luận em Kawamoto bị bỏ quên trên xe buýt trường học trong khoảng 5 giờ, dưới thời tiết hơn 35 độ C. Cái nóng tháng 9 là một phần nguyên nhân khiến em tử vong.

 Nhiều vụ việc thương tâm xảy ra do trẻ ngủ quên, bị bỏ lại trên xe buýt trường học trong nhiều giờ liền. Ảnh: Pexels.

Nhiều vụ việc thương tâm xảy ra do trẻ ngủ quên, bị bỏ lại trên xe buýt trường học trong nhiều giờ liền. Ảnh: Pexels.

Theo Asahi, chiếc xe buýt được đề cập trong vụ việc là loại xe có sức chứa khoảng 18 người. Hôm xảy ra vụ việc, tài xế bất ngờ xin nghỉ phép nên Chủ tịch hội đồng trường là ông Tatsuyoshi Masuda (73 tuổi) lái thay.

Sáng hôm đó, chuyến xe chở 8 người gồm 6 học sinh, ông Masuda và một nhân viên khác khoảng 70 tuổi.

Vị chủ tịch và nhân viên khai với cảnh sát rằng họ không nhớ em Kawamoto đã xuống xe hay chưa. Dù vậy, cảnh sát vẫn kết luận rằng cậu bé chưa được dẫn xuống xe nên mới xảy ra vụ việc đau lòng.

Một vụ việc tương tự xảy ra tại tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) vào tháng 7/2021. Nạn nhân là một bé trai 5 tuổi.

Asahi nêu rằng bé trai này bị bỏ quên trên xe buýt của trường mẫu giáo từ sáng đến tối. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy em tử vong do bị say nắng, sốc nhiệt.

Cảnh sát cho biết hiệu trưởng trường mẫu giáo - người lái xe buýt vào ngày hôm đó - đã không thu thẻ để điểm danh sĩ số học sinh. Người này cũng không kiểm tra bên trong trước khi khóa xe nên mới khiến một học sinh mắc kẹt.

Cũng trong năm 2022, một bé gái 4 tuổi người Ấn Độ thiệt mạng do bị nhốt trong xe buýt trường học ở Qatar trong nhiều giờ liền. Vụ việc xảy ra vào tháng 9, khi nhiệt độ ở nước này lên đến 40 độ C.

Theo The Indian Express, bé gái này ngủ quên trên đường đến trường và các nhân viên không phát hiện ra em bị bỏ lại. Đến giữa trưa, nhân viên trở lại xe buýt mới phát hiện ra em đã tử vong.

Khi vụ việc xảy ra, Bộ Giáo dục Qatar ngay lập tức mở cuộc điều tra và khẳng định đưa ra hình phạt tối đa với những người có liên quan.

“Bộ mong muốn tuân thủ các tiêu chuẩnvề an ninh và an toàn cho học sinh và sẽ không tha thứ cho bất kỳ thiếu sót nào liên quan vấn đề này”, đại diện Bộ Giáo dục Qatar nhấn mạnh.

Dạy trẻ cách thoát hiểm

Dù là xe buýt trường học hay ôtô cá nhân, trẻ nhỏ vẫn có nguy cơ bị mắc kẹt vì một số sơ suất hoặc do sự cố bất ngờ.

Tổ chức phi lợi nhuận No Heat stroke của Mỹ từng thực hiện một thống kê cho thấy từ năm 1998 đến năm 2023, tổng cộng 969 trẻ em tại nước này tử vong do bị sốc nhiệt khi kẹt trong ôtô. Điều đáng chú ý là có đến 52,5% trẻ em trong số đó bị người lớn bỏ quên trên xe.

Nếu tính theo độ tuổi, khoảng 41% trẻ bị bỏ quên trên xe dưới 1 tuổi, 29% trẻ trên 1 tuổi, 15% trẻ 2 tuổi, 10% trẻ 3 tuổi, 2% trẻ 4 tuổi và khoảng 1% trẻ 5 tuổi. Độ tuổi trung bình những đứa trẻ Mỹ tử vong do bị bỏ quên trên xe là 18,4 tháng.

 Cha mẹ nên dạy con một số kỹ năng thoát hiểm nếu không may bị bỏ quên trên xe. Ảnh: Texas A&M Health.

Cha mẹ nên dạy con một số kỹ năng thoát hiểm nếu không may bị bỏ quên trên xe. Ảnh: Texas A&M Health.

Từ những con số trên, tổ chức này nhấn mạnh người lớn không bao giờ được để trẻ ở lại trong xe một mình, dù chỉ là vài phút.

Trước khi xuống xe, người lớn cũng nên kiểm tra ghế sau, tránh trường hợp để quên trẻ.

Trong trường hợp trẻ đi học bằng xe buýt nhà trường, ngay từ đầu năm học, phụ huynh nên làm việc với nhà trường để thỏa thuận về vấn đề liên lạc. Theo đó, giáo viên cần gọi ngay cho gia đình nếu phát hiện trẻ vắng mặt.

Trang NBC News cũng từng đưa ra một số lời khuyên để người lớn dạy trẻ cách thoát thân nếu không may bị bỏ lại trong ôtô đóng kín.

Đầu tiên, bạn nên nhắc con rằng cửa trước của xe là nơi thích hợp để thoát thân. Khi phát hiện bị kẹt lại, các con nên kiểm ra xe có nút mở cửa tự động hay không hoặc thử bấm vào còi xe. Một số loại xe dù đã tắt máy nhưng còi vẫn có thể hoạt động.

Điều thứ hai là cha mẹ cần khuyên con nên giữ bình tĩnh và ra hiệu cho mọi người xung quanh. Để đảm bảo có thể gây chú ý với người khác, trẻ nên đứng sát cửa sổ hoặc sát kính chắn gió ở đầu xe.

Một lưu ý khác là khi ra hiệu cho người khác, trẻ không nên khóc, la hét vì ôtô, xe buýt trường học thường rất kín. Việc la hét không giúp trẻ gây chú ý mà ngược lại dễ làm các em kiệt sức, từ đó giảm khả năng thoát ra ngoài.

Thứ ba, nếu cần đập vỡ cửa xe, bạn cần lưu ý với con rằng điều này không hề dễ vì kính xe ôtô thường rất bền để đảm bảo an toàn.

Theo bản năng, đứa trẻ sẽ dùng một vật gì đó để đập vào giữa kính. Tuy nhiên, điểm yếu của kính xe lại nằm ở các cạnh, đặc biệt là góc trên cùng.

Do đó, cha mẹ nên dạy con sử dụng một công cụ có cạnh cứng, sắc nhọn để đập vào kính. Lưu ý là kính vỡ sẽ bắn khắp nơi, trẻ cũng nên cẩn thận để tránh bị thương.

Ngày nay, nhiều cha mẹ cho phép con sử dụng các thiết bị thông minh như điện thoại di động, đồng hồ điện tử. Theo đó, cha mẹ nên dạy con cách liên lạc với người khác để tìm kiếm sự giúp đỡ nếu không may bị kẹt lại trong xe.

Ngoài những số đã lưu trên điện thoại, cha mẹ cần hướng dẫn con gọi cho cảnh sát, cứu hộ trong trường hợp khẩn cấp để tìm sự giúp đỡ ngay lập tức.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguoi-lon-tac-trach-tre-lai-chua-biet-tu-cuu-khi-mac-ket-tren-oto-post1478346.html