Người lưu giữ ký ức Biển Hồ

Dưới tán rừng thông trăm tuổi, ông già Kros Nưk đêm ngày ôm ấp chiếc thuyền đánh cá, giữ cho riêng mình trọn vẹn nét hoang sơ còn sót lại của 'đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy'.

Nở một nụ cười không vướng bận muộn phiền, ông Nưk dẫn tôi ra bến thuyền, chỉ cho tôi xem những manh lưới đơm cá dưới lòng hồ, bảo rằng, con tôm con cá dạo này ít lắm, nhưng dù thế nào thì ông cũng ở đây, vì ân tình sâu nặng mà con nước đã chở che, nuôi sống dân làng Ia Nueng của ông qua ngàn đời nương rẫy…

Ông Ksor Nưk thả dây neo thuyền để chuẩn bị cho chuyến đi thả lưới

Ông Ksor Nưk thả dây neo thuyền để chuẩn bị cho chuyến đi thả lưới

1. Biển Hồ (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) nổi tiếng với hàng thông trăm tuổi đẹp như một huyền thoại dũng mãnh giữa đại ngàn. Trong lòng hồ, từ xa xưa đã được thêu dệt nên những huyền sử phảng phất nét cổ tích, đậm đặc màu huyền bí. Biển Hồ ngày nay đã được bán vé vào cổng, các dịch vụ du lịch cũng bắt đầu sinh ra.

Bên ấm nước lá rừng nóng hổi, trong căn chòi nhỏ tựa mình vào vạt đồi cà phê cạnh Biển Hồ, già Ksor Nưk kể cho tôi nghe những câu chuyện thăm thẳm về một dòng nước huyền thoại. Ông sinh ra ở làng, tuổi thơ tắm mát dưới bến nước hồ T'Nưng, thời trai trẻ lặn ngụp bắt tôm cá cùng cha. Bởi vậy mà trên 60 tuổi thì ông đã có hơn 50 năm gắn bó với nghề đánh bắt tép ở Biển Hồ của làng Ia Nueng. Ông đã chứng kiến biết bao sự đổi thay của vùng đất này. Với ông, ký ức về "đôi mắt Pleiku" chính là những hoài niệm về năm tháng cuộc đời mình.

Hồ T'Nưng có từ bao giờ, đời cha mẹ cho đến đời ông Nưk đều không ai nhớ rõ. Ông Nưk lớn lên, được người trong làng kể lại bằng những câu chuyện nhuốm màu huyễn hoặc về sự khởi sinh của một lòng nước. Qua câu chuyện, ông Nưk lưu giữ ký ức về ngôi làng của mình xưa kia to và đẹp lắm. Dân làng sống yên vui, hòa thuận lâu đời thì bỗng một hôm, ngọn núi lửa ập tới vùi lấp làng. Những người may mắn còn sống sót đã khóc thương cho làng mình, khóc cho người thân không ngớt, khiến nước mắt chảy thành suối, các suối đổ về thành hồ. Hồ mang tên T'Nưng là một kỷ niệm chung của làng cổ từ thuở xa xưa đó.

Quay trở lại hiện thực, ông già Ksor Nưk nhấp một ngụm nước thật đặc rồi nhìn ra mặt nước sóng sánh kể: "Thực tế, hồ T'Nưng làng Ia Nueng nguyên là một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu năm qua. Sự rộng lớn mênh mông của hồ nước này tựa như biển khơi nên người dân địa phương đặt tên là Biển Hồ. Dẫu thiên nhiên khắc nghiệt, nắng hạn đến đâu nhưng từ trước đến giờ nước Biển Hồ này vẫn chưa bao giờ cạn. Không những dồi dào về nguồn nước, mà nơi này còn là "vựa cá" của Tây Nguyên".

Đôi mắt "ông già Biển Hồ" chợt rực sáng khi kể về thuở mưu sinh nơi con nước Biển Hồ tràn ngập cá tôm. Ngày đó, Nưk chỉ là đứa trẻ 10 tuổi, mỗi ngày đeo gùi theo cha xuống Biển Hồ bắt cá. Vô số loài cá trong lòng hồ, cha con chỉ cần mang chiếc đơm đi xúc một lúc là đầy giỏ. Tôm cá kiếm được nhiều không mang bán như bây giờ mà đem chia cho dân làng cùng ăn. Những người không đi bắt cá thì sẽ hỗ trợ làm nương rẫy cho gia đình Nưk. Cuộc sống buôn làng cố kết với nhau bằng những việc bình thường như thế và tình yêu thương, gắt bó, đoàn kết của làng bền chặt, rộng lớn vững chãi như con nước Biển Hồ không bao giờ cạn.

Ông Nưk kế tục sự nghiệp thương hồ của cha trên chính Biển Hồ này để nuôi lớn 7 người con trưởng thành và xây được căn nhà to nhất nhì làng Ia Nueng. Quá nửa thế kỷ sống cạnh lòng hồ, biết bao nhiêu thăng trầm, biến đổi của tự nhiên và của tạo hóa ở Biển Hồ, ông già Kros Nưk đều chứng kiến. Biển Hồ từ thuở hồng hoang chưa phát triển du lịch như bây giờ, ông Nưk là chứng nhân của bao nhiêu đôi lứa hẹn thề dưới tán rừng thông và nên duyên vợ chồng. Và chính Nưk cũng bén duyên với cô gái Jrai đẹp tựa trăng rằm dưới cội thông già, người con gái sau này đã là vợ của ông, cùng ông mưu sinh trên Biển Hồ.

Vốn quen cuộc sống êm đềm, thanh khiết từ xa xưa của Biển Hồ nên khi khách du lịch khắp nơi đổ về, ông Nưk cảm giác như mình lạc lõng đơn côi, mình không thuộc về nơi này nữa. Lòng ông vương vấn nỗi buồn, nhưng ông đã thay đổi suy nghĩ khi thấy có một con đường thật đẹp trải nhựa phẳng lỳ chạy dọc đồi thông đi xuống Biển Hồ. So với con đường đất gồ ghề, xương cá, cỏ lau rậm rạp xưa thì nó quá tiện lợi cho việc đi lại của bà con. Có khách du lịch, bà con trong làng mang những thứ nhà trồng ra bán, kiếm thêm thu nhập. Riêng ông Nưk lại được mọi người "tôn" làm ông già Biển Hồ. Khách du lịch muốn hiểu sâu hơn về Biển Hồ có thể tìm đến ông, nghe ông kể. Từ đó, lòng ông vui hơn, xôn xao hơn và không còn lạc nhịp với thời hiện đại nữa.

Chiếc thuyền bé nhỏ của ông Ksor Nưk đã cũ rỉ, ông phải tát nước thường xuyên

Chiếc thuyền bé nhỏ của ông Ksor Nưk đã cũ rỉ, ông phải tát nước thường xuyên

Cũng từ đó, ông già Ksor Nưk có thêm bạn trà là ông Nguyễn Hữu Ánh, nghệ nhân khắc chữ dưới đồi thông. Hai ông già thi thoảng lại gặp nhau, tâm tình cùng nhau về mọi sự đổi thay của Biển Hồ. Ông Ánh về Biển Hồ được trên 20 năm, ngần ấy thời gian cũng đủ để ông gửi gắm thật nhiều ký ức cho nơi này. Ông Ánh thừa nhận, ông Nưk như một nhân chứng của sự đổi thay của Biển Hồ. Hình ảnh ông ấy quăng chài bắt tép trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhiếp ảnh gia cũng như lữ khách đường xa.

2. Thời hoàng kim dồi dào tôm cá của Biển Hồ đã qua, bây giờ, cá tôm cạn kiệt, người đánh cá lần lượt lên bờ tìm kế sinh nhai khác. Chỉ riêng ông Nưk quyết không buông tay chèo tay lưới.

"Từ hai năm nay, nghề đánh cá trên Biển Hồ không thể nuôi sống gia đình, may là các con tôi đều lớn, chúng có công việc riêng nên tôi không còn áp lực tài chính nữa. Tôi không rời xa Biển Hồ vì đã quá thân thuộc với nơi này, ngày nào không ra hồ vài lượt là tôi thấy lòng mình trống rỗng, buồn tênh".

Ông Nưk dựng căn chòi gỗ bé nhỏ trên vạt cà phê dưới chân rừng thông, đây vốn là mảnh đất của cha mẹ ông khai khẩn từ xa xưa để lại. "Bây giờ Biển Hồ thành khu du lịch, mảnh đất này thật lý tưởng", tôi nói với ông Nưk. Ông lại cười, trả lời rất tự nhiên: "Tôi không quan tâm người ta làm gì phía trên, tôi chưa bao giờ có suy nghĩ kiếm lợi ích từ mảnh đất này. Nó là mồ hôi khai khẩn của cha tôi, là ký ức dòng tộc, tuổi thơ và trên hết, nó gắn bó với Biển Hồ, nơi tôi vẫn đang từng ngày sống cùng".

Hơn một năm trở lại đây, ông Nưk đã ở hẳn trong căn chòi, chỉ khi nào có việc quan trọng mới về làng. Ông nuôi gà, nuôi chó và tự nấu ăn. Từ 5 giờ chiều, ông dong thuyền đi thả lưới, chờ đến 12 giờ đêm thì đi gỡ cá tôm. Ông làm cho tới tờ mờ sáng mới xong. Hôm nào nhiều thì được ngót 3kg cá tép, trung bình mỗi ngày chỉ hơn 1kg thôi. Sáng sớm, vợ ông sẽ tới lấy cá mang vào làng bán, mỗi ký bán được 120.000 đồng.

Lao động cả đêm dưới lòng hồ giá lạnh căm căm, sương rơi ướt mặt và đối diện với vô vàn hiểm nguy, nhưng ông Nưk vẫn rất vui trước thực tại của mình. "Ngày kiếm được hơn 100.000 ngàn, cũng có ngày chẳng có con cá tôm nào nhưng tôi không buồn phiền gì hết. Có tiền thì mua bao thuốc hút, mua hộp sữa cho cháu, còn không thì thôi, gia đình vẫn có lúa gạo ăn no đủ quanh năm", ông Nưk chia sẻ.

Ông già Kros Nưk ở lại Biển Hồ như mối ân tình sâu nặng, ông đánh cá cũng chỉ để cho lòng mình bận rộn hơn trước sự lặng thinh của một dòng nước. Và ông, cũng muốn trở thành "con mắt" của Biển Hồ trước nghịch cảnh nhiều người tìm đến đây để…chết.

Hơn 3 năm trở lại đây, ông Nưk đã cứu sống được 7 người có ý định tự tử. Người đầu tiên ông nhớ vào khoảng tháng 10 âm lịch năm 2020. Lúc đó đêm đã khuya lắm, ông đang gỡ lưới thì phát hiện xa xa có một bóng người đang lầm lũi bước xuống nước, ông tưởng người đi đánh cá, nhưng nhìn lâu hơn lại thấy bóng người thấp dần, chốc lát chỉ còn cái chỏm tóc. Ông vội vàng chèo thuyền tới, vừa chèo ông vừa quát thật lớn. Giữa không gian mênh mông của lòng hồ, tiếng quát của ông vang như sấm nổ khiến người kia giật mình hoảng sợ vội dừng lại. Vừa lúc ông tới quát thêm mấy tiếng nữa sau đó túm áo kéo lên thuyền đưa vào bờ. Đó là một thanh niên còn rất trẻ, muốn chết vì… thất tình. Ông nhẹ nhàng khuyên nhủ, hãy trân quý cuộc đời của mình. Con người được sinh ra đã là cao quý, tại sao chỉ vì chuyện bé nhỏ như thế mà muốn chết.

Lần khác là một cô gái, vào khoảng 8 giờ tối tháng 6/2021, khi ấy ông đang ngồi trong chòi nghỉ ngơi thì nhìn thấy cô gái dựng xe máy trên bờ rồi lao nhanh ra dòng nước. Bản năng thôi thúc, ông cũng quát thật to khiến cô gái chững lại, ông quát thêm tiếng nữa thì cô đổ gục xuống nước. Ông chạy ra túm tóc kéo vào, may là nạn nhân chưa sặc nước nên còn tỉnh táo. Cũng chỉ là chuyện cha mẹ không cho đi chơi mà nghĩ quẩn tìm đến cái chết, ông nhẹ nhàng giải thích, vì thương con nên cha mẹ mới làm thế. Sau này lớn lên, ra đời rồi muốn đi chơi thế nào cũng được. Chờ cho cô gái bình tĩnh lại, ông Nưk chỉ vào mình nói: "Tôi canh ở đây cả ngày lẫn đêm, không ai qua mắt được tôi đâu, dừng dại dột mà đi chết nữa".

Nói là vậy, nhưng nhiều cái chết vẫn diễn ra ở Biển Hồ, trong đó có những vụ đuối nước thương tâm. Ông cảm thấy xót xa, như chính mình đang đau cho nỗi đau Biển Hồ.

Ngọc Hoa

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/nguoi-luu-giu-ky-uc-bien-ho-i703108/