Người lưu truyền nghề vẽ tranh thờ của dân tộc Dao

Người Dao có nhiều nghề thủ công truyền thống như chạm khắc bạc, dệt may, thêu thùa, làm chấm, vẽ tranh thờ... Mỗi nghề đều có những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, để tạo ra mỗi sản phẩm truyền thống, họ đều phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi nghệ nhân phải có kinh nghiệm, sự khéo léo và am hiểu nhất định về văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của dân tộc.

Ông Chảo Xanh Nhàn (ngồi ở giữa) là nghệ nhân duy nhất vẽ được tranh thờ ở xã Trung Chải, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Ái Vân

Ông Chảo Xanh Nhàn (ngồi ở giữa) là nghệ nhân duy nhất vẽ được tranh thờ ở xã Trung Chải, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Ái Vân

Một trong những nghề thủ công truyền thống độc đáo của người Dao là nghề vẽ tranh thờ, gắn với huyền tích về cuộc thiên di xưa kia của người Dao, họ rất coi trọng các vị thần ở cả 3 cõi, đó là cõi trời, trần gian và âm phủ. Họ luôn tâm niệm rằng, nhờ các vị thần phù hộ mà cuộc thiên di được thuận buồm xuôi gió, cuộc sống được bình yên. Từ đó, người Dao đã vẽ những bức tranh của các vị thần và coi đó là vật linh thiêng dùng trong các lễ cúng với lòng tin, các vị thần sẽ dẫn đường, chỉ lối giúp họ vượt qua mọi chông gai, hướng tới cái tốt đẹp trong cuộc sống.

Ông Chảo Sành Nhàn, thôn Pờ Sì Ngài, xã Trung Chải, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết: Xưa kia, người Dao di cư để tìm nơi ở mới, khi gặp nhiều tai ương sóng gió, đồng bào đã cầu nguyện các vị thần phù hộ, ban cho sự may mắn, tìm được nơi cư trú như ngày nay. Vì vậy, người Dao khi ấy đã vẽ tranh về các vị thần dùng để thờ cúng trong nhiều nghi lễ quan trọng.

Hiện nay, ông Chảo Sành Nhàn là nghệ nhân duy nhất ở Lào Cai còn vẽ được đủ bộ tranh thờ của người Dao. Ông học vẽ tranh thờ của một thầy ở tỉnh Yên Bái từ khi còn rất trẻ. Có rất nhiều người theo ông học nghề vẽ tranh thờ. Người học phải kiên trì và kiêng kỵ nhiều điều trong vài tháng đến cả năm trời, tùy vào nhận thức và khả năng của mỗi người. Khi học vẽ tranh thờ, người học phải kiêng không được gần gũi người khác giới, không giết mổ, chặt cây, kể cả việc hái rau, không cãi cọ, đánh chửi, gây xích mích với mọi người và nhiều điều kiêng kỵ khác. Để học vẽ tranh thờ, con người cần giữ mình sạch sẽ, hiền từ, không vấy bẩn, phàm tục. Bởi người ta quan niệm, tranh thờ là vật linh thiêng gắn liền với đời sống tâm linh, bất kể việc gì liên quan đến các vị thần đều phải được tôn kính.

Tranh thờ của người Dao có nhiều nội dung và hình ảnh khác nhau, nhưng bộ tranh quan trọng nhất trong các lễ cúng đó chính là Tam Thanh, 3 vị thần gồm thần Ngọc Thanh cai quản trên trời, thần Thượng Thanh cai quản trần gian, thần Thái Thanh cai quản âm phủ. Ngoài ra, tùy thuộc vào các lễ cúng khác nhau, người Dao sử dụng các bộ tranh khác nhau, nhưng tất cả đều không thể thiếu 3 vị thần nói trên. Trong 3 vị thần này thì thần Ngọc Thanh có vị trí cao hơn cả, 3 vị thần có khi được vẽ độc lập trong từng bức tranh nhưng cũng có khi được vẽ chung với nhau, hoặc các vị này được vẽ cùng với các vị thần linh khác nhưng luôn giữ vị trí trung tâm trong các bộ tranh thờ của người Dao. Trong nghi lễ thờ cúng của đồng bào nơi đây, tranh thờ là tranh thiêng nên người Dao đỏ chỉ sử dụng trong các sự kiện trọng đại của đời người như chay ma tổ tiên, cấp sắc, Tết nhảy...

Khi vẽ xong tranh thờ, người Dao đỏ tổ chức nghi lễ khai quang điểm nhãn cho tranh có thần và có hồn, khi đó tranh mới có giá trị thực và trở thành vật linh thiêng được cất giữ và sử dụng hết sức thận trọng. Dù là lễ cúng có quy mô của một gia đình nhưng luôn tập trung rất đông bà con trong dòng họ, làng bản tham gia. Các bức tranh cúng thường treo kín trên vách nhà, được những người hiểu biết về nội dung chỉ dẫn cho những người chưa biết. Điều đó đã tạo được sức lan tỏa trong giáo dục con người nâng cao nhận thức về thế giới quan và mối quan hệ chặt chẽ giữa vạn vật hữu linh. Nó cũng mang lại niềm tin cho con người vào thế giới tự nhiên để hướng tới giá trị, cốt cách, hướng thiện.

Người Dao còn sử dụng tranh thờ như vật trung gian để liên lạc giữa con người với thần linh. Các bức tranh thờ của người Dao thể hiện lòng tôn thờ thần thánh, phản ánh quan niệm khi chết, con người sẽ có cuộc sống ở một thế giới khác. Tranh thờ của người Dao còn mang giá trị giáo dục nhân văn, nhìn vào mỗi bức tranh thờ của người Dao có thể thức tỉnh tâm hồn con người. Bởi họ quan niệm các vị thần linh luôn nhìn thấy mọi việc và sẵn sàng phạt những người nào làm những việc ác, việc sai trái. Mỗi dòng họ Dao đều có một bộ tranh thờ.

Vì là vật thiêng, cầu nối giữa thế giới thần linh với con người nên tranh thờ được cất giữ rất cẩn thận như một báu vật trong gia đình, chỉ khi có việc mới mang tranh ra treo. Trước khi treo phải làm lễ, sau khi xong việc, cất tranh đi cũng phải làm lễ để thu binh. Một số tranh được cất giữ cẩn thận, có thể sử dụng được cả đời người, truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia, khi tranh đã cũ, hỏng, phải vẽ bộ tranh mới. Năm 2021, nghề vẽ tranh thờ của người Dao đỏ ở thị xã Sa Pa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hiện nay, có ít người theo học vẽ tranh thờ nên có nguy cơ thất truyền. Những người biết vẽ như ông Chảo Xanh Nhàn luôn được chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn dành cho sự quan tâm đặc biệt. Các trưởng thôn, bản thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có nghề truyền thống vẽ tranh thờ của người Dao.

Có thể nói, việc bảo vệ và phát triển nghề truyền thống vẽ tranh thờ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa của người Dao và kho tàng văn hóa của tỉnh Lào Cai. Do đó, cần có những biện pháp bảo tồn quyết liệt và hiệu quả để di sản văn hóa tri thức này được tiếp lửa và trao truyền cho thế hệ trẻ.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-luu-truyen-nghe-ve-tranh-tho-cua-dan-toc-dao-post489261.html