Người mắc bệnh gout nên chọn loại sữa nào?

Nghiên cứu cho thấy, sữa là thực phẩm giúp hỗ trợ giảm hàm lượng axit uric trong máu, do vậy có thể làm giảm độ nghiêm trọng của bệnh gout. Nhưng có phải tất cả loại sữa đều tốt không và loại sữa nào là phù hợp với người bệnh gout?

Người bệnh gout nên ăn gì để kiểm soát bệnh?

Nội dung

Người bệnh gout nên ăn gì để kiểm soát bệnh?
Loại sữa nào là an toàn phù hợp với người bệnh gout?

Bình thường axit uric được hình thành trong cơ thể và được đào thải qua nước tiểu và phân. Nhưng đối với người bị gout, lượng axit uric không được thải ra ngoài mà tích tụ lại, khi nồng độ quá cao sẽ hình thành nên những hạt tinh thể nhỏ tập trung ở khớp gây viêm, sưng và đau đớn dữ dội.

Các cơn gout thường xảy ra vào ban đêm, sau các bữa ăn giàu đạm. Như vậy, chế độ ăn uống có thể có tác động trực tiếp đến bệnh gout và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Để kiểm soát bệnh gout, người bệnh cần tránh hoặc hạn chế một số loại thực phẩm chứa nhiều purin. Vì purin là chất sau khi chuyển hóa sẽ cho sản phẩm là axit uric. Axit uric tăng cao trong máu sẽ lắng đọng dưới dạng tinh thể trong dịch khớp gây viêm khớp cấp. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thực phẩm có hàm lượng purin thấp an toàn cho người bệnh gout.

Chế độ ăn uống có tác động trực tiếp đến mức độ nghiêm trọng của bệnh gout.

Chế độ ăn uống có tác động trực tiếp đến mức độ nghiêm trọng của bệnh gout.

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người bệnh gout nên chọn các thực phẩm có hàm lượng purin thấp như: sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo và không béo như sữa chua và sữa tách béo; Trái cây tươi và rau quả. Nên sử dụng các loại quả giàu vitamin C vì chúng làm giảm tình trạng viêm hiệu quả; Các loại hạt, bơ đậu phộng và ngũ cốc; Ăn vừa phải các loại thịt như cá, thịt gà…

Cắt giảm chất béo bão hòa từ thịt đỏ, thịt ba chỉ, giò mỡ, thịt gia cầm béo và các sản phẩm từ sữa giàu chất béo (sữa đặc có đường, sữa nguyên kem)…

Nên kiểm soát tổng số lượng chất đạm sử dụng cho từng bữa. Nên sử dụng thịt nạc và thịt gia cầm, sữa ít chất béo và đậu lăng để cung cấp chất đạm. Hạn chế ăn nội tạng như: óc, lòng, tim, gan…

Loại sữa nào là an toàn phù hợp với người bệnh gout?

Nghiên cứu cho thấy, sữa là thực phẩm giúp giảm hàm lượng axit uric trong máu, do vậy có thể giảm độ nghiêm trọng của bệnh gout. Sữa cũng cung cấp đủ canxi cho quá trình hình thành mật độ xương và loại bỏ axit uric.

Vì hầu hết các loại thực phẩm cung cấp đạm như thịt, thịt đỏ và nội tạng bị hạn chế, nên lượng đạm người bệnh gout hấp thu có thể không đầy đủ. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, người cần bổ sung thực phẩm giàu đạm khác như sữa trong chế độ ăn.

Sữa là thực phẩm được xếp vào nhóm có chứa hàm lượng purin thấp. Ngoài ra, protein trong các sản phẩm từ sữa có thể giúp giảm nồng độ axit uric một cách tự nhiên.

Vì chất béo có thể làm giảm đào thải axit uric nên người bệnh gout nên chọn các sản phẩm sữa ít chất béo như sữa tách béo hoặc sữa chua ít chất béo. Các sản phẩm này cũng sẽ giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh ở người bệnh gout.

Sữa ít béo hoặc tách béo cũng có thể hỗ trợ ngăn ngừa các đợt tái phát bệnh gout. Ngoài việc làm giảm nồng độ axit uric, chúng cũng chứa một số đặc tính chống viêm nhất định làm giảm phản ứng viêm đối với các tinh thể urat monosodium trong khớp.

Các loại sữa phù hợp với người bệnh gout là:

- Sữa tươi ít béo: Sữa tươi và các chế phẩm từ sữa tươi ít béo có khả năng làm giảm nồng độ axit uric trong máu.

- Sữa tách béo: Các loại sữa tách béo thường không cản trở quá trình đào thải axit uric của cơ thể. Vì vậy, loại sữa này hoàn toàn phù hợp với người bệnh gout, giúp cung cấp chất đạm và canxi cho cơ thể.

- Sữa chua: Sữa chua là chế phẩm từ sữa nên có đầy đủ thành phần các chất dinh dưỡng như sữa, đặc biệt là protein. Sữa chua rất giàu dinh dưỡng và lợi khuẩn tốt cho sức khỏe đường ruột và hệ miễn dịch.

Ngoài đạm, sữa chua còn cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết khác như: canxi, vitamin D, vitamin K, phốt pho, magiê… Bổ sung sữa chua vào chế độ ăn giúp hỗ trợ quá trình chuyển hóa đường, đạm, đồng thời loại bỏ lượng axit uric dư thừa trong máu.

Các loại sữa chua nguyên chất, ít béo đơn giản kết hợp với một số loại quả mọng cho bữa sáng hoặc bữa ăn nhẹ là lựa chọn dinh dưỡng rất tốt cho người bệnh gout.

Sữa chua nguyên chất, ít béo là lựa chọn tốt cho người bệnh gout.

Sữa chua nguyên chất, ít béo là lựa chọn tốt cho người bệnh gout.

Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, gout là một bệnh mạn tính, cần phải dùng thuốc và có chế độ tập luyện, duy trì cân nặng hợp lý, chế độ ăn uống phù hợp lâu dài để kiểm soát bệnh. Do đó, người mắc bệnh gout cần nghiêm túc xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh. Cần lắng nghe cơ thể và chú ý phát hiện những dấu hiệu báo trước cơn gout cấp có thể sẽ xuất hiện như sau một bữa ăn có nhiều đạm, hiện tượng đau mỏi hoặc sưng nề nhẹ, cảm giác căng, tức ở khớp sẽ bị viêm, nhất là khớp bàn ngón chân cái, các khớp bàn ngón chân khác cũng như khớp cổ chân. Khi xuất hiện các dấu hiệu này, nên đi khám ngay để có biện pháp điều trị kịp thời và điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp.

Thanh Hà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-mac-benh-gout-nen-chon-loai-sua-nao-169230306181339404.htm