Người mắc ung thư vú cần lưu ý gì khi tiêm vaccine Covid-19?

Các chuyên gia y tế nói chung và các chuyên gia về ung thư đều đồng ý rằng bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng cần được tiêm phòng vaccine Covid-19.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Câu hỏi: Người mắc ung thư vú có nên tiêm vaccine phòng Covid-19 hay không và cần lưu ý gì khi tiêm vaccine?

Trả lời:

Bác sĩ Nguyễn Chí Việt, Khoa Xạ 2 và TS, BS Phùng Thị Huyền, Trưởng Khoa Nội 6, Bệnh viện K

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, tiêm phòng vaccine là một phương pháp giúp chúng ta ngăn chặn được sự lây lan và giảm được mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu không may mắc Covid-19. Tuy nhiên đối với bệnh nhân ung thư nói chung, ung thư vú nói riêng, điều khiến nhiều người băn khoăn nhất đó là liệu rằng vaccine Covid-19 có thực sự an toàn và hiệu quả đối người bệnh ung thư, khi mà hệ miễn dịch của các bệnh nhân đã bị ảnh hưởng bởi chính bệnh cũng như từ các phương pháp điều trị. Các phương pháp điều trị ung thư như hóa chất, xạ trị, liệu pháp miễn dịch đều có những ảnh hưởng nhất định tới hệ thống miễn dịch của bệnh nhân, vậy liệu các phương pháp này có làm giảm hiệu quả của vaccine ?.

Hiện nay, tỷ lệ gặp phải các tác dụng phụ của vaccine Covid-19 thấp hơn và ít trầm trọng hơn rất nhiều so với việc bị mắc bệnh Covid-19. Một số vaccine sử dụng virus sống hoặc đã bị làm yếu để kích thích cơ thể sinh miễn dịch (đáp ứng miễn dịch), đây có thể là một nguy cơ đối với những người có hệ miễn dịch bị suy giảm.

Tuy nhiên, điều này không đúng trong trường hợp của vaccine Covid-19. Các chuyên gia đã khẳng định rằng, vaccine Covid-19 an toàn đối với các bệnh nhân ung thư đang điều trị, thậm chí đang điều trị hóa chất.

Tuy vậy, bệnh nhân ung thư vú cần thận trọng với các chống chỉ định tiêm vaccine được khuyến cáo tương tự người không mắc ung thư vú và bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ điều trị về thời gian dự kiến tiêm vaccine phù hợp giữa các chu kỳ điều trị hóa chất.

Hiện nay có một số loại vaccine Covid-19 được Bộ Y tế cho phép tiêm tại Việt nam, tất cả các vaccine này đều đã được chứng minh tính hiệu quả và an toàn thông qua các thử nghiệm lâm sàng trên thế giới. Các chuyên gia y tế đều khuyến cáo, vaccine hiệu quả nhất là vaccine được tiêm sớm nhất, bệnh nhân không nên chờ đợi một loại vaccine nào đó mà lỡ mất cơ hội được tiêm vaccine sớm hơn.

Vaccine Covid-19 có được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân ung thư vú đang điều trị nội tiết?

Các thuốc nội tiết như tamoxifen, letrozole, anastrozole hay exemestane không gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của bệnh nhân, hay nói cách khác liệu pháp nội tiết không làm giảm hiệu quả của vaccine. Các bệnh nhân ung thư vú đang được điều trị nội tiết có thể tiêm vaccine Covid-19 an toàn.

Một số ý kiến nghi vấn về tính an toàn của vaccine AstraZeneca đối với bệnh nhân ung thư vú đang điều trị nội tiết do một tỷ lệ nhỏ người tiêm vaccine gặp phải biến chứng tắc mạch, đây cũng là một trong các biến chứng của tamoxifen.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng không có tình trạng tăng nguy cơ xuất hiện cục máu đông khi tiêm vaccine AstraZeneca đối với nhóm bệnh nhân đang sử dụng thuốc nội tiết.

Khi nào có thể tiêm phòng vaccine Covid-19 trên các bệnh nhân ung thư vú?

Nếu bệnh nhân đang được điều trị ung thư vú, thời điểm tiêm phòng vaccine phụ thuộc vào phương pháp và lịch trình điều trị ung thư. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị để nhận được lời khuyên và hướng dẫn phù hợp.

Đối với bệnh nhân đã phẫu thuật ung thư vú, không có khuyến cáo cụ thể về thời điểm tiêm vaccine sau phẫu thuật. Cần lưu ý rằng, các tác dụng phụ của vaccine thường xuất hiện phổ biến trong vòng 2-3 ngày sau khi tiêm, nên cần tránh tiêm vaccine ngay sau khi phẫu thuật.

Một trong lý do chính của việc tránh tiêm phòng ngay sau khi phẫu thuật để tránh nhầm lẫn triệu chứng sốt do tiêm với triệu chứng sốt do nhiễm trùng hậu phẫu.

Đối với bệnh nhân đang điều trị hóa chất, xạ trị, cũng không có khuyến cáo cụ thể về thời điểm tiêm phòng vaccine Covid-19. Bệnh nhân đang điều trị hóa chất tấn công, bệnh nhân đang có các biến chứng cấp do hóa chất, xạ trị, bệnh nhân đang có hạ bạch cầu giữa các chu kỳ hóa trị nên trì hoãn tiêm vaccine đến khi các biến chứng cấp này hồi phục.

Thực tế, mỗi bệnh nhân tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh tại địa phương, yêu cầu cần thiết phải tiêm vaccine khi đi lại giữa các vùng, người bệnh sẽ được bác sĩ khuyến cáo thời điểm tiêm vaccine phù hợp.

Sau khi tiêm vaccine, các bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng như: Sưng và đau tại vị trí tiêm; Sốt; Đau cơ, đau đầu; Buồn nôn; Mệt mỏi.

Đối với bệnh nhân ung thư vú có thể gặp phải một số vấn đề khác như xuất hiện hạch dưới cánh tay tiêm vaccine. Vì triệu chứng xuất hiện hạch là một dấu hiệu của bệnh ung thư vú tiến triển, nếu bệnh nhân gặp phải dấu hiệu này cần thông báo cho bác sĩ, có thể theo dõi hoặc được khám lại để đánh giá, thông thường hạch xuất hiện sau tiêm sẽ tự biến mất hoàn toàn sau khoảng 4-6 tuần.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vaccine/nguoi-mac-ung-thu-vu-can-luu-y-gi-khi-tiem-vaccine-covid-19--681627/