Người mẹ bao dung là món quà tuyệt vời của con cái

Một người mẹ sẵn sàng làm bạn cùng con, không áp đặt suy nghĩ của mình với con trẻ, sẽ trở thành người thầy tuyệt vời để dẫn lối cho con cái trên hành trình trưởng thành.

 Người mẹ tâm lý, tình cảm sẽ đem lại cho con cái một tuổi thơ hạnh phúc. Ảnh: E.V.

Người mẹ tâm lý, tình cảm sẽ đem lại cho con cái một tuổi thơ hạnh phúc. Ảnh: E.V.

Katya sinh ra và lớn lên ở miền bắc nước Pháp, là con cả trong một gia đình có ba chị em. Mẹ bà là một người rất nghiêm khắc, luôn tự cho mình là đúng, luôn yêu cầu con cả của mình phục tùng vô điều kiện và phải học hành đạt được tiêu chuẩn cao hơn hẳn độ tuổi của con.

Bà đạt được điều này vì “sự trợ giúp” của một cái roi gia súc, một loại roi ngắn được tạo nên từ một số sợi dây da gắn vào một cái cán, được sản xuất tại Pháp để lùa gia súc nhưng thường được các bậc phụ huynh sử dụng để trừng phạt con cái. Katya được kỳ vọng phải là học sinh đứng thứ nhất trong lớp, và mỗi khi đạt điểm dưới tốp đầu bà đều bị đánh đòn vì “tội” của mình.

Mặc dù là một học sinh xuất sắc, mỗi ngày bà đều sống trong sợ hãi trước những lời mắng nhiếc gay gắt của mẹ mình. Mẹ bà thường xuyên bị đau nửa đầu và nhiều căn bệnh đau đớn khác, và luôn đổ lỗi cho con cả của mình. Katya đã luôn cố gắng không ngừng tìm cách để giảm bớt đau khổ cho mẹ.

Việc của Katya là phải chăm sóc cho hai em của mình. Bất cứ khi nào hai đứa bé không đạt được tiêu chuẩn của mẹ, Katya đều bị trách phạt vì điều đó. Chúng ta có thể thấy sự tương đồng giữa câu chuyện của Katya với truyện cổ tích Cô bé Lọ Lem.

Kinh nghiệm của tôi trong vài thập kỷ qua đã dạy tôi rằng mối quan hệ trong câu chuyện cổ tích đó xảy ra thường xuyên hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.

Vì sao dù sống trong hoàn cảnh ngặt nghèo, Katya vẫn giỏi như vậy? Bà đã làm cách nào để đáp ứng yêu cầu của mẹ mình, ít nhất là đủ để có thể sống sót và không sa đọa khi lớn lên? Ai là nhân chứng giúp đỡ trong cuộc đời Katya? Cha bà sao? Ông ta là một kẻ yếu đuối, nhu nhược, người đã lạm dụng tình dục Katya; rồi chết vì căn bệnh ung thư phổi khi bà mới 12 tuổi.

Trong suốt một thời gian dài, Katya không thể nhớ được bất cứ người lớn nào ngoại trừ những người đã đối xử tàn nhẫn với cô. Nhưng vào một lần, khi bà khoảng 50 tuổi, Katya tình cờ gặp một người bạn cũ ở cùng khu phố, người từng nói rằng: “Tớ rất yêu và ngưỡng mộ cậu. Cậu có nhớ người giúp việc trong nhà cậu không, tên là Nicole, bà ấy đã rất yêu thương, chiều chuộng cậu mỗi khi mẹ cậu đi vắng? Nhưng khi có mẹ cậu ở nhà, Nicole đã rất sợ bà ấy.”

Katya đã rất ngạc nhiên, vì bà còn không nhớ chút gì về người giúp việc này. Người đó chắc hẳn đã đóng một vai trò cực quan trọng trong cuộc đời của bà, bởi bất chấp bao sự ngược đãi mà bà nhận được từ mẹ mình, Katya vẫn trở thành một con người đáng yêu và mạnh mẽ. Trong thời thơ ấu ấy, không một ai ủng hộ hay tôn trọng và yêu thương con người thật của bà.

Khi trưởng thành, Katya đã làm tốt công việc của mình, nhưng những bất thành luôn xuất hiện trong cuộc sống cá nhân của bà. Bà từng yêu một người chỉ muốn lợi dụng lòng tin của bà, rồi sau đó kết hôn với một người bà không hề yêu.

Bà muốn có con nhưng lại không thể yêu thương con trai mình như mong muốn. Cố gắng trở nên khác mẹ mình nhất có thể, bà không bao giờ đánh con, nhưng lại không thể bảo vệ nó khỏi người cha độc ác. Ngay từ đầu, mối quan hệ giữa bà và con trai, được sinh ra một năm sau khi bà kết hôn, luôn chứa đầy những trải nghiệm mà bà đã gặp phải trước đây.

Katya không thể hiểu về những cảm xúc trong trẻo của trẻ nhỏ, vì bà chưa bao giờ cho phép mình cảm nhận được mình đã đau khổ đến thế nào từ khi còn nhỏ dưới bàn tay của mẹ. Vì chính Katya cũng không quen thuộc với cảm xúc của mình, bà cũng không hiểu được cảm xúc cậu con trai.

Sự hiểu biết của bà về người con trai bị thiếu sót nghiêm trọng vì bà cũng đâu có hiểu gì về bản thân. Ngay từ đầu thái độ chính mà bà dành cho đứa bé là thương hại và tội lỗi. Bà biết là con không vui, nhưng vẫn bất lực không thể làm được gì.

Vì thế, Katya đã tái diễn số phận của chính mình trong mối quan hệ với con trai. Giống như mẹ trước đây, bà muốn làm mọi thứ thật đúng đắn nhưng lại không thể vì bà thiếu những kiến thức cần thiết để xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa trẻ nhỏ và người nuôi dưỡng.

Cuộc sống của bà, kể cả trong hôn nhân lẫn trong mối quan hệ với con, đều gánh nặng tội lỗi. Bà tự đổ lỗi cho chính mình vì cuộc sống thiếu hạnh phúc của chồng con, hệt như khi bà bị đổ lỗi vì mọi điều không may xảy đến với bố, mẹ và các em mình trước đây.

Alice Miller/ Bách Việt Books & NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-me-bao-dung-la-mon-qua-tuyet-voi-cua-con-cai-post1488258.html