Người mẹ thứ hai

Trong bài thơ Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân có hai câu thơ rất hay và xúc động mà có lẽ trong mỗi chúng ta ít nhiều cũng từng đôi lần được nghe qua: 'Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi'. Mẹ được đặt ngang hàng với quê hương, vì mẹ là một, là thiêng liêng, là tất cả. Nhưng với tôi, cuộc đời đã thật sự hào phóng khi ban tặng cho tôi có đến hai người mẹ (mẹ ruột và mẹ vợ) và cả hai người đều là báu vật vô giá mà tôi thật hạnh phúc có được trong kiếp người.

Nếu như mẹ ruột là người đã cho tôi sự sống, giúp tôi có được sự trưởng thành để đứng vững giữa cuộc đời thì mẹ vợ lại là người giúp tôi nhận ra thêm nhiều điều tốt đẹp của cuộc sống, những giá trị tinh thần cao quý mà trong cuộc sống tất bật hiện tại đôi khi con người ta dễ dàng quên lãng.

Má vợ tôi (tôi thường gọi là má) là một người nông dân thứ thiệt, quanh năm chỉ biết gắn bó với vườn cây, ao cá. Mặc cho cuộc sống bên ngoài có thay đổi thế nào thì má vẫn vậy, vẫn dành trọn tình yêu thương cho chồng, cho các con chứ chẳng nghĩ gì đến niềm vui, hạnh phúc riêng mình.

Dù vậy, hành trình tôi được làm rể má cũng phải trải qua nhiều thử thách. Má có cả thảy bốn người con, vợ tôi là con út nên được má dành cho một sự quan tâm đặc biệt. Ở quê là vậy đó, tình yêu thương cha mẹ luôn san sẻ cho tất cả các con nhưng người con út thì luôn được phần hơn. Hồi người quen mai mối, dù tôi và vợ chưa từng biết nhau trước đó nhưng cũng nhanh chóng tìm thấy sự hòa hợp ở nhau. Riêng má thì vẫn chưa “ừ”. Phải qua hai cái tết đi làm rể nơi “xứ người” thì tôi mới nhận được cái gật đầu của má. Sau này tìm hiểu mới biết má thương con gái út, định tìm một chỗ gần nhà cho con trao thân gửi phận để tiện bề tới lui chăm sóc. Còn tôi thì dân làm cơ quan, nhà lại xa xôi, má sợ tôi đi làm suốt ngày rồi bỏ con gái má ở nhà mình ên.

Biết má thương con gái út nên dù bận bịu tới đâu thì cứ tới ngày cuối tuần là tôi lại chở vợ con về thăm má. Cái “điệp khúc” ấy vẫn đều đặn suốt mười mấy năm qua, kể cả khi vợ chồng tôi đã có với nhau hai mặt con. Nhà ở gần chợ, nên mỗi lần về thăm, vợ chồng tôi đều tranh thủ mua con cá, miếng thịt về bồi bổ cho má. Má lại rầy: “Tổ cha tụi bây, mua chi cho tốn kém, má có thiếu thốn gì đâu, về thăm là má vui, má khỏe rồi!”

Nhà có chiếc cối đá, nghe đâu là của bà cố để lại. Mỗi lần về thăm, má lại xay bột làm đủ thứ bánh đãi con cháu. Vợ tôi bảo: “Giờ ngoài chợ, người ta bán đủ loại bột làm bánh, má xay bột chi cho cực!”. Câu nói vô tình của vợ tôi dường như làm cho ánh mắt má nhuộm thêm sắc chiều. Đôi tay gầy gò, nổi đầy những đường gân vẫn đều đặn cùng với vòng quay của chiếc cối: “Má biết chớ, nhưng bột chợ thì đôi khi người ta pha không vừa ăn, lại sợ bột không có nguồn gốc, ăn lại sinh bệnh, nhà có sẵn gạo, chịu cực xay bột một chút cho chắc ăn”. Má làm bánh gì ăn cũng ngon, nhưng có món bánh xèo là “kinh điển” nhất, không đâu ngon bằng. Thông thường, một chiếc bánh xèo đổ ra chừng 10 phút là bột đã mềm, còn món bánh xèo của má đổ hơn một giờ đồng hồ mà ăn vẫn giòn rụm, cộng với phần nhân cây nhà lá vườn từ vịt xiêm, đu đủ, củ sắn, giá đỗ cuốn với các loại rau vườn như cát lồi, đọt điều, đọt dâu, lá cách, quế đất thì ngất ngây ăn mãi quên no.

Thấy nhà con cái gần chợ, mọi thứ đều phải mua nên mỗi lần về thăm, có gì là má gom cho hết. Có khi giữa lúc trời lập đông, gió chướng lạnh thấu xương vậy mà má vẫn lội mương qua liếp để cắt cho con mớ rau, trái mít. Trước khi con cái ra về má còn dúi vào túi cho các cháu ít tiền ăn bánh, từ chối mấy cũng không được.

Má là vậy đó! Cả cuộc đời chỉ nghĩ cho gia đình, cho các con, mặc thời gian có bào mòn cơ thể, tóc phủ trắng màu mây thì với các con má vẫn vững chãi như một bức tường thành kiên cố, sừng sững hiên ngang, chở che cho các con vững vàng vượt qua phong ba bão táp.

QUÁCH TẤN THUẦN

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/nguoi-me-thu-hai-49856.html