Người mẹ và hành trình đưa con vượt qua chứng tự kỷ

Hành trình chiến đấu và chiến thắng tự kỷ của mẹ con Hải Ninh - Phương Minh kéo dài 8 năm với bao nước mắt, mồ hôi, sự tủi hờn.

Con về không phải bởi phép màu là chủ đề buổi giao lưu ra mắt sách do NXB Phụ nữ Việt Nam tổ chức hôm 12/12 tại Phố Sách Hà Nội.

Tại buổi giao lưu, đại diện NXB Phụ nữ Việt Nam đã giới thiệu tủ sách nuôi dạy trẻ tự kỷ do đơn vị này xây dựng và hai cuốn sách mới nhất trong tủ sách này là: Con về Con về không phải bởi phép màu.

Hành trình chiến đấu và chiến thắng tự kỷ của mẹ con Hải Ninh

Trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ em Việt Nam có rối loạn phổ tự kỷ được phát hiện ngày càng tăng.

Mặc dù đa số trẻ có thể hòa nhập và có một cuộc sống tương đối bình thường nếu được phát hiện và can thiệp sớm, nhưng ở nước ta rất nhiều trẻ còn được can thiệp muộn hoặc thậm chí không được can thiệp, đặc biệt là trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên về lĩnh vực giáo dục can thiệp cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ còn rất ít. Bởi vậy, bố, mẹ và gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục can thiệp cho trẻ nhưng đa số phụ huynh rất lúng túng vì thiếu kiến thức.

Trước thực trạng này, NXB Phụ nữ Việt Nam cùng các tác giả trong và ngoài nước xây dựng tủ sách nuôi dạy trẻ tự kỷ. Hiện, gần 10 đầu sách trong tủ sách này đã được xuất bản.

 Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại buổi giao lưu ra mắt sách. Ảnh: M.C.

Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại buổi giao lưu ra mắt sách. Ảnh: M.C.

Cuốn Con về là tự truyện của tác giả Đào Hải Ninh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và hỗ trợ trẻ tự kỷ Tuệ Quang (do Vân Anh chấp bút).

Cuốn tự truyện ghi lại hành trình của tác giả Đào Hải Ninh - mẹ bé Phương Minh, đã tự mình đưa con vượt qua chứng tự kỷ, trở lại với cuộc sống.

Hành trình chiến đấu và chiến thắng tự kỷ của mẹ con Hải Ninh - Phương Minh kéo dài 8 năm, với bao nước mắt, mồ hôi, sự tủi hờn và cả máu.

Bé Phương Minh vốn đã bị “phán” là tự kỷ với điểm 41/60 theo bảng điểm CARS và được xác định là “không thể phục hồi”. Thế nhưng, bé đã dần hòa mình, bắt nhịp với cuộc sống xung quanh.

Trong hành trình học tập của Phương Minh, mẹ Hải Ninh hầu như “không phải can thiệp”, nhưng con vẫn luôn đạt học sinh giỏi.

Từ câu chuyện chiến thắng tự kỷ của mẹ con Hải Ninh - Phương Minh được đăng nhiều lần trên trang một trang mạng, nhiều gia đình có con tự kỷ mong muốn được người mẹ chia sẻ kinh nghiệm.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, giảng viên khoa Khoa học cơ bản, Học viện Phụ nữ Việt Nam - phân hiệu TP.HCM - cho biết: "Những người mẹ có con cùng cảnh ngộ sẽ rất vui mừng khi đọc được quyển sách này với những phương pháp, bài tập hướng dẫn hỗ trợ thật bổ ích, quý báu, giúp đỡ trẻ tự kỷ trở lại với cuộc sống bình thường thật bổ ích".

"Đây là cuốn sách hay, đáng đọc không chỉ dành cho những người mẹ có con tự kỷ mà còn dành cho những phụ nữ đã làm mẹ, bởi đằng sau sự trưởng thành của một đứa trẻ không thể thiếu vắng bóng dáng của một người mẹ vĩ đại", thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh nói.

 Tác giả Đào Hải Ninh (ngoài cùng bên phải) giao lưu với độc giả tại buổi ra mắt sách. Ảnh: M.C.

Tác giả Đào Hải Ninh (ngoài cùng bên phải) giao lưu với độc giả tại buổi ra mắt sách. Ảnh: M.C.

Từ chuyện mẹ con Hải Ninh tới Trung tâm Tuệ Quang

Con về không phải bởi phép màu - cuốn sách mới thứ hai trong tủ sách nuôi dạy con tự kỷ - gồm 15 câu chuyện của các tác giả không chuyên, ghi lại chân thực hoạt động thực tế của 15 trẻ mắc chứng tự kỷ tại Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ trẻ tự kỷ Tuệ Quang do bà Đào Hải Ninh làm giám đốc.

Tại trung tâm này, các em mắc chứng tự kỷ đã được chăm sóc, dạy dỗ với phương pháp kết hợp giữa các thầy cô giáo, trung tâm với phụ huynh, người thân, được trị liệu vật lý, chăm sóc tâm lý kết hợp dạy kiến thức với dạy kỹ năng.

Trong 15 trường hợp trẻ mắc chứng tự kỷ trên, có những trường hợp can thiệp thành công và cả chưa được như mong muốn. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, tình yêu thương, sự nhẫn nại, sự đồng hành và cả sự hy sinh của những người mẹ, người bố, của gia đình, cùng sự phối hợp chặt chẽ với giáo viên giáo dục đặc biệt, sẽ mang những đứa trẻ quay về…

Bên cạnh sự nhẫn nại, niềm tin và hy vọng cũng chính là những chìa khóa để đưa những “thiên thần” quay trở về. “Mỗi đứa trẻ tự kỷ là một thế giới khép kín”, do đó “hãy kiên nhẫn gõ cửa, điều kỳ diệu sẽ xảy ra”.

Đây cũng là bình luận, nhận định của nhà văn Lê Lan Anh, phụ trách chuyên trang Giáo dục, tạp chí Phụ nữ ngày nay về cuốn sách này: “Tôi biết Đào Hải Ninh từ câu chuyện nhiều nước mắt nhưng cũng nhiều hạnh phúc vỡ òa trong những tháng năm chăm dạy con gái Phương Minh, tới hành trình xây dựng trung tâm Tuệ Quang. Từ chuyện của Ninh, tới hàng trăm câu chuyện khác, chúng ta đều thấy rõ ràng rằng cha mẹ kiên nhẫn đồng hành, những đứa trẻ còn có cơ hội trở về với cuộc sống”.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-me-va-hanh-trinh-dua-con-vuot-qua-chung-tu-ky-post1162669.html