Người mù ở Quảng Ninh vươn lên thoát nghèo
Nhiều năm qua, việc hỗ trợ sinh kế, giúp người mù xóa đói giảm nghèo bền vững luôn được Hội Người mù tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm.
Hỗ trợ hội viên vay vốn
Triển khai thực hiện chương trình “Hành động việc làm, giảm nghèo bền vững” do Hội Người mù Việt Nam phát động từ năm 2008, các cấp hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động và quản lý, sử dụng nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm.
Qua đó, nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn đã được vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình và cải thiện cuộc sống, tiêu biểu trong đó có huyện miền núi Đầm Hà.
Cách đây 13 năm, khi mới 30 tuổi, anh Chíu Sáng Lỷ, người dân tộc Dao ở bản Siềng Lống, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà, bị mất thị lực hoàn toàn do di chứng của căn bệnh thiên đầu thống. Không đầu hàng số phận, anh Lỷ quyết tâm làm quen với hoàn cảnh mới để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Nhờ sự cần cù chăm chỉ và ý chí vươn lên, nhiều năm qua, anh Lỷ vẫn là lao động chính trong nhà, là chỗ dựa vững chắc cho vợ con.
Năm 2011, vợ chồng anh vay 30 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm thông qua Hội Người mù huyện Đầm Hà để mua thêm giống vật nuôi, cây trồng và đã hoàn trả đúng thời hạn.
Hiện nay, với 9 con lợn, 20 con vịt cùng 1,5 ha keo, gia đình anh Lỷ đã thoát nghèo, xây được căn nhà khang trang, kiên cố, cuộc sống ngày càng ổn định. Hiện tại, anh Lỷ mong muốn được vay thêm vốn mở rộng chăn nuôi, trồng trọt, để nâng cao thu nhập và có thêm điều kiện nuôi con ăn học.
Mạnh dạn khai thác tiềm năng của địa phương
Nhiều năm qua, việc hỗ trợ sinh kế, giúp hội viên xóa đói giảm nghèo bền vững luôn được Hội Người mù từ tỉnh và các địa phương đặc biệt quan tâm. Đến nay, Hội Người mù tỉnh quản lý 1,085 tỷ đồng nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, đã cho 455 lượt hội viên vay vốn. Cùng với nguồn vốn này, người khiếm thị cũng vượt qua mặc cảm, chủ động vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Tại huyện miền núi Đầm Hà, một số hội viên người mù đã mạnh dạn khai thác tiềm năng của địa phương, phát triển các mô hình trồng rừng hiệu quả.
Ông Chíu Dì Tắc, hội viên Hội Người mù ở bản Lý Tài Sáy, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà cho biết, những năm qua đã được Hội Người mù cho vay vốn hai lần, một lần 20 triệu đồng và một lần 30 triệu đồng để trồng rừng. Gia đình đã sử dụng nguồn vốn này cùng vốn của gia đình đầu tư trồng hơn 3 vạn cây quế trên tổng diện tích 4ha. Đến nay, đồi quế của gia đình đang phát triển tốt, dự kiến 10 năm nữa sẽ cho thu hoạch, đạt khoảng 2 tỷ đồng.
Là chủ tịch Hội Người mù huyện Đầm Hà từ năm 2019 đến nay, anh Voòng A Nhì đã cùng với Ban Chấp hành Hội thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với hội viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh, từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ cụ thể. “Tính đến cuối năm 2022, huyện Đầm Hà chỉ còn 6/70 hội viên thuộc diện hộ nghèo, giảm 3 hộ so với năm 2021. Chúng tôi phấn đấu hết năm nay sẽ giảm thêm 3 hộ nghèo nữa”, anh Nhì nói.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, song công tác tuyên truyền vận động và hỗ trợ vốn vay để người khiếm thị phát triển kinh tế hộ gia đình tại Đầm Hà còn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do số hội viên nghèo, cao tuổi tập trung ở vùng sâu vùng xa, trình độ nhận thức còn hạn chế.
Mặt khác, tổng số vốn từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm được phân cấp cho Hội quản lý chỉ có 110 triệu đồng, chưa đáp ứng được nhu cầu vay của hội viên. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trong tỉnh cũng như Hội Người mù Quảng Ninh, rất cần sự quan tâm, tháo gỡ của các cấp, các ngành và sự chung tay, giúp đỡ của cộng đồng xã hội.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-mu-o-quang-ninh-vuon-len-thoat-ngheo-post645510.html