Người mua lại ô tô không đi sang tên, chủ cũ của xe có bị xử phạt?

CSGT khuyến cáo, đối với những xe không chính chủ có giao dịch mua bán, chủ xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục thu hồi biển số.

Mới đây, anh Phan Ngọc Tú thắc mắc về việc năm 2020 có làm thủ tục chuyển nhượng chiếc xe ô tô cho người khác và thỏa thuận rằng, bên mua sẽ chịu trách nhiệm làm hồ sơ sang tên đổi chủ đối với phương tiện đó.

Tuy nhiên đến năm 2024, người mua xe vẫn chưa thực hiện sang tên đổi chủ. Như vậy, chiếu theo thỏa thuận chuyển nhượng, người mua xe có vi phạm gì không? Nếu có sẽ bị xử lý như thế nào, còn chủ cũ của xe là anh Tú phải làm gì để không bị xử phạt?

Quá thời hạn quy định mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi biển số, cảnh sát giao thông sẽ xử phạt (ảnh minh họa).

Quá thời hạn quy định mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi biển số, cảnh sát giao thông sẽ xử phạt (ảnh minh họa).

Trả lời công dân Phan Ngọc Tú, Bộ Công an cho biết, khoản 1 Điều 39 Thông tư số 24/2023 của Bộ Công an (đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2023) quy định, xe đã đăng ký biển 5 số trước ngày thông tư có hiệu lực mà chưa làm thủ tục thu hồi, thì biển số đó được xác định là biển số định danh của chủ xe.

Đối với xe đã đăng ký biển 3 hoặc 4 số thì tiếp tục được phép tham gia giao thông, trừ trường hợp chủ xe có nhu cầu cấp sang biển số định danh hoặc khi chủ xe thực hiện thủ tục cấp đổi chứng nhận đăng ký xe, cấp đổi biển số xe... hoặc đăng ký sang tên, di chuyển xe thì thực hiện thu hồi biển 3 hoặc 4 số.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 24/2023 của Bộ Công an, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe phải làm thủ tục thu hồi.

Trường hợp quá thời hạn trên mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi hoặc giao chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cho bên nhận quyền sở hữu xe làm thủ tục thu hồi, thì trước khi giải quyết cơ quan đăng ký xe sẽ ra quyết định xử phạt đối với chủ xe về hành vi không làm thủ tục thu hồi.

Theo quy định tại điểm c, khoản 7 Điều 30 Nghị định số 100/2019 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021 của Chính phủ), chủ phương tiện sẽ bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng (đối với cá nhân) và từ 4-8 triệu đồng (đối với tổ chức).

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, một cán bộ cảnh sát giao thông Hà Nội khuyến cáo, đối với những xe không chính chủ có giao dịch mua bán, chủ xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục thu hồi. Sau đó, chủ xe và người mua lại xe phải làm thủ tục đăng ký, sang tên xe.

Quá trình quản lý đăng ký xe, cảnh sát giao thông nếu phát hiện phương tiện có giấy tờ mua bán với chủ xe cũ hoặc giấy tờ mua bán với người chủ gần nhất thì sẽ thu hồi biển số kèm giấy đăng ký cũ, làm thủ tục sang tên cho chủ xe đang sở hữu.

Đồng thời, sẽ xử phạt thêm về hành vi không làm thủ tục sang tên theo quy định.

Hiện nay, với những xe không có giấy tờ mua bán, lực lượng chức năng sẽ hướng dẫn người mang xe đi đăng ký làm các giấy tờ cam kết, cam đoan về nguồn gốc tài sản họ đang sử dụng theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 30 ngày tiếp theo, cảnh sát giao thông dùng nghiệp vụ để xác minh trong hệ thống dữ liệu. Nếu xe đó không thuộc trường hợp khiếu nại, tranh chấp hay không phải xe tang vật sẽ được làm thủ tục thu hồi đăng ký, sang tên cấp biển số định danh cho chủ đang sở hữu.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguoi-mua-lai-o-to-khong-di-sang-ten-chu-cu-cua-xe-co-bi-xu-phat-192240807221545528.htm