Người mua nhà xã hội sẽ không còn là đối tượng được vay vốn?
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Điều khiến người dân đặc biệt quan tâm trong dự thảo lần này đó là dự thảo đã loại bỏ đối tượng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Loại người mua, thuê, thuê mua nhà xã hội ra khỏi đối tượng được vay vốn
Trong Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 09 tháng 12 năm 2015 (Thông tư 25/2015) tại Điều 1, phạm vi điều chỉnh nhằm hướng dẫn về việc cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Cũng trong Thông tư 25/2015, tại Điều 2, ngoài đối tượng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở cũng là đối tượng được vay vốn.
Nhưng trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 25/2015 (Dự thảo sửa đổi Thông tư 15/2015), đối tượng cá nhân mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đã bị loại bỏ.
Lý giải điều này, NHNN cho rằng, Luật Nhà ở quy định các chính sách hỗ trợ tại Ngân hàng chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở; tại tổ chức tín dụng được chỉ định chỉ có chính sách hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, không có chính sách hỗ trợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Về điều khoản sửa đổi cũng như lý giải của NHNN về việc loại bỏ đối tượng mua, thuê, thuê mua NOXH, các chuyên gia cho rằng, trong Luật Nhà ở 2014 không hề cấm cho vay ưu đãi đối với các đối tượng được quy định. Đề xuất này của NHNN vừa không phù hợp với một số quy định của Luật Nhà ở 2014, vừa không phù hợp với Khoản 4 Điều 16 Nghị định 100/2015 và Khoản 4 Điều 16 Nghị định 100/2015 (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 10 Điều 1 Nghị định 49/2021 ngày 1/4/2021).
Sở hữu một căn hộ tiếp tục là giấc mơ xa vời
Là một trong những người tiếp cận được gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ của Chính phủ từ năm 2013, chị T.T.H (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm) cho biết, nếu không có gói hỗ trợ này, không biết đến bao giờ gia đình chị mới được sở hữu căn hộ riêng của mình.
“Thời điểm đó hai vợ chồng với đồng lương công chức không quá 15 triệu, cũng tạm gọi là ổn định. Nhưng hai vợ chồng với hai đứa con, nhà phải đi thuê thì phải co kéo thật khéo mới tạm đủ sống. Trong khi đó, một căn hộ nhỏ ở thành phố ít nhất cũng trên dưới 1 tỷ đồng. Thời điểm ấy các ngân hàng cũng có gói vay mua nhà, nhưng lãi xuất rất cao. Nếu hai gia đình có gom góp hỗ trợ hai vợ chồng 30% giá trị căn nhà vợ chồng tôi cũng không dám vay gói tín dụng thường của ngân hàng.” – chị H. cho biết.
Không dễ dàng để tiếp cận với gói hỗ trợ 30.000 tỷ, trong những bạn bè của chị H. cũng có nhiều người không đủ điều kiện vay gói hỗ trợ ấy. “Có những gia đình thiếu giấy tờ xác nhận của vợ hoặc chồng cũng không thể vay. Hoặc đơn cử có một trường hợp bạn tôi, chồng trong quân đội đang luân chuyển công tác, đơn vị mới chưa thể ký xác nhận, còn đơn vị cũ cũng không còn quyền quyết, thế là cũng ngậm ngùi không thể vay. Mà không vay được có nghĩa là cũng chẳng có đủ kinh tế mà mua nhà, tiếp tục ở nhà thuê.” – chị H. nói.
Với tổng số tiền vay hơn 350 triệu, lãi xuất 5%/năm, thời hạn 10 năm, gia đình chị H. cố gắng vun vén đến giờ cũng đã sắp trả hết nợ. Việc trả nợ dù ít hay nhiều cũng là áp lực, nhưng ít nhất với sự hỗ trợ lãi xuất của gói vay, với đồng lương công chức của hai vợ chồng tằn tiệm cũng không là quá sức.
Cũng giống như chị H., anh N.B.T (Đặng Xá, Gia Lâm) cho rằng, gói 30.000 tỷ là cứu cánh của rất nhiều những đối tượng thuộc diện chính sách như gia đình anh. “Cho đến tận bây giờ nhiều bạn bè tôi vẫn đang trông chờ vào một gói hỗ trợ tương tự như gói 30.000 tỷ. Bởi ngày trước mơ ước có một căn hộ để ở đã khó, giờ còn khó hơn do giá thành các căn hộ thuộc NOXH đã tăng hơn, lãi xuất các ngân hàng cho vay cũng từ 10 – 13%. Tính đơn giản, một căn hộ có giá khoảng 1,2 tỷ, vay ngân hàng 700 – 800 triệu trong 10 năm, lãi xuất 12%/năm, riêng tiền gốc đã trên dưới 6 triệu/tháng, cộng với tiền lãi tuy có giảm dần, nhưng cũng 7 – 8 triệu/tháng. Vậy với đồng lương 3 cọc 3 đồng, người dân như chúng tôi đến bao giờ mới dám mơ đến việc sở hữu nhà.”
Về dự thảo sửa đổi Thông tư 15/2015, rất nhiều người e ngại với việc loại bỏ người dân là đối tượng được hưởng ưu đãi các gói vay, sẽ càng khiến việc sở hữu nhà ở càng thêm khó khăn. Chị H. cho rằng, nếu như thời điểm 2013, giá NOXH lúc đó chị mua mới chỉ hơn 10 triệu/m2 với sự giúp đỡ của gia đình cùng với gói vay hỗ trợ chị mới có thể mua được nhà. “Nếu như không có gói hỗ trợ của Chính phủ thì việc mua nhà là hoàn toàn xa vời với chúng tôi. Người dân là đối tượng cần hỗ trợ nhất, nếu như bỏ đối tượng này, e rằng sẽ gây khó khăn rất nhiều đến những người làm công ăn lương có nhu cầu về nhà ở.”
Đồng quan điểm, anh T.V.T (Long Biên) cho rằng, thực tế bấy lâu nay NOXH hấp dẫn được nhiều người quan tâm bởi ngoài giá thành thấp, mà khi mua NOXH sẽ có điều kiện để tiếp cận với gói vay ưu đãi. “Nếu không còn gói vay ưu đãi thì kể cả giá nhà có thấp nữa người dân cũng khó mà đủ kinh tế để thuê – mua nhà. Hiện thị trường đang có tình trạng người có tiền mua nhà, mua chung cư để đầu cơ, còn người thực sự có nhu cầu thì đến mua giá gốc cũng không có khả năng. Đề xuất của NHNN “tước bỏ” chính sách cốt lõi của Nhà nước, các đối tượng được hưởng chính sách NƠXH là những người bị thiệt nhất, có tác động tiêu cực đến thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.” – anh quan điểm.