Người Mỹ mất tiền khi mua nhà gấp trong đại dịch

Nỗi lo lắng dịch bệnh đã bao trùm khả năng phán đoán của nhiều người Mỹ, khiến họ đưa ra những quyết định mua nhà gấp gáp, gây hối tiếc và vỡ mộng.

Ban đầu, quyền sở hữu nhà tưởng chừng là món hời đối với Kay Kingsman, một blogger du lịch ở Portland (bang Oregon), theo The Guardian.

“Tôi đã nghĩ căn nhà sẽ là khoản đầu tư tốt. Và sau khi trả khoản thế chấp đầu tiên, tôi nhận ra ‘Ồ không, mình đã bị bẫy’”, cô nói.

Suốt 2 năm qua, Mỹ chứng kiến một cơn sốt mua nhà. Giá trị bất động sản đã phản ánh xu hướng này. Hồi tháng 2, căn nhà trung bình trị giá 249.000 USD. Hiện con số đó gần chạm mốc 326.000 USD và dự kiến tăng thêm 17,3% vào tháng 1/2023.

Mua được một ngôi nhà trong thời điểm ngày càng ít bất động sản phù hợp đã là một chiến thắng. Tuy nhiên, một số người mua nhà gần đây, như Kingsman, lại hối tiếc vì quyết định này.

 Đại dịch khiến thị trường mua bán bất động sản ở Mỹ sôi động hơn. Ảnh: Newsday LLC.

Đại dịch khiến thị trường mua bán bất động sản ở Mỹ sôi động hơn. Ảnh: Newsday LLC.

Tưởng như bị lừa

Khi Covid-19 làm trì hoãn vô thời hạn nỗ lực khám phá thế giới của cô, Kingsman đành dành 16 tháng ở nhà với một số bạn cùng phòng và làm công việc chính trong lĩnh vực công nghệ. Cô ước rằng mình có nhiều không gian riêng tư hơn.

Mùa hè năm ngoái, số tiền Kingsman tiết kiệm cho việc đi du lịch phát triển, có giá trị tương đương khoản đặt cọc nhà, trong khi lãi suất vay thế chấp giảm xuống mức thấp kỷ lục.

“Có vẻ như ý trời đã định”, Kingsman (28 tuổi) kể lại. Cô biết mình cần phải hành động nhanh chóng.

Sau một tháng săn lùng, cô đã đưa ra đề nghị đối với một ngôi nhà ở Portland hồi cuối tháng 7. Một tuần sau, cô chốt thỏa thuận và đến thăm nhà mới. Ở đó, Kingsman đã cảm nhận được sự hối hận đầu tiên.

Ngôi nhà không hoàn toàn hỏng hóc nhưng “bẩn vô cùng”. Chủ cũ của nó, những người thu xếp hành lý và rời khỏi ngôi nhà sớm hơn dự kiến, chẳng màng lau bếp hay dọn tủ lạnh.

Thảm bốc mùi khai của nước tiểu mèo. Râu vụn rơi bừa bãi khắp nhà tắm.

 Một ngôi nhà được chủ nhân rao bán vào ngày 20/1/2022 tại Chicago (bang Illinois). Ảnh: Scott Olson.

Một ngôi nhà được chủ nhân rao bán vào ngày 20/1/2022 tại Chicago (bang Illinois). Ảnh: Scott Olson.

Thế nhưng, sự bẩn thỉu hóa ra chỉ là rắc rối nhỏ nhất. Kingsman nhanh chóng phát hiện xung đột pháp lý âm thầm giữa chủ sở hữu cũ với Hiệp hội Chủ sở hữu nhà (HOA). Đỉnh điểm là một vụ kiện mà cô chỉ được biết sau khi chuyển đến.

Cô phải hứng chịu hậu quả giữa các cá nhân, với đặc quyền đỗ xe bị vô hiệu hóa và những hàng xóm oán giận vô cớ.

Gấp gáp tìm cảm giác an toàn

Sự không vừa ý của những người mua xuất hiện cùng thời điểm với đại dịch. Martin Orefice, một nhà đầu tư bất động sản tại Orlando (bang Florida) và giám đốc điều hành của Rent To Own Labs, cho biết mọi người “quá háo hức và gấp gáp” khi quyết định mua nhà.

Mùa hè 2020, hoạt động kinh doanh của Orefice tăng đáng kể. Điều đáng chú ý hơn cả là nhu cầu mua bất động sản khẩn cấp của nhiều người.

“Thay vì dành thời gian cân nhắc rồi mới đưa ra quyết định, mọi người mua luôn lựa chọn đầu tiên vì lo lắng rằng sẽ có ai khác nẫng mất”, Orefice nói.

Trên thực tế, mối lo của họ là điều dễ hiểu. Nhu cầu mua nhà vượt xa nguồn cung hiện có và sự thiếu hụt này đã xảy ra từ trước đại dịch.

Tuy nhiên, cũng có những thay đổi đáng chú ý. Chẳng hạn, trước năm 2020, người mua thường cố gắng thương lượng giá cả hơn.

Ngoài ra, họ cũng không đến trực tiếp kiểm tra bất động sản trước khi đưa ra đề nghị. Theo kết quả khảo sát của Redfin, 63% người mua nhà năm 2020 chưa từng xem bất động sản trước khi đặt tiền.

 Trong 2 năm đại dịch, nhiều người thậm chí không đến kiểm tra nhà trực tiếp trước khi mua. Ảnh: Pexels.

Trong 2 năm đại dịch, nhiều người thậm chí không đến kiểm tra nhà trực tiếp trước khi mua. Ảnh: Pexels.

Sau một năm, tình trạng này vẫn không cải thiện.

“Ở ngôi nhà đầu tiên tôi thấy, tôi đã thốt lên rằng ‘Ồ nó thật dễ thương’. Nó mới được tung ra thị trường. Thế nhưng, ngay hôm sau nó đã biến mất khỏi trang web. Ai đó đã đặt cọc bằng tiền mặt. Thật đáng sợ”, Kingsman kể lại.

Vỡ mộng

Các nhà kinh tế cho rằng lãi suất vay thấp, cùng với sự chuyển dịch sang hình thức làm việc từ xa đã làm khuấy động thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, lý do đằng sau những biến số thị trường đó còn là một chất xúc tác khác: hành vi của con người khi đối mặt với sự không chắc chắn.

“Mua nhà mang lại cho mọi người cảm giác kiểm soát cuộc sống và tương lai của họ”, Tiến sĩ Forrest Talley, giảng viên tâm lý học hơn 20 năm kinh nghiệm tại ĐH California-Davis, hiện điều hành một phòng khám tại Folsom (bang California), cho biết.

“Thật không may, đối với một số người, điều này tương đương với việc đối phó với chiếc máy bay đang bị trục trặc động cơ. Trừ khi là phi công được đào tạo, tốt nhất bạn nên ngồi yên một chỗ và chờ cơn bão đi qua”, ông nói thêm.

Nói cách khác, từ góc độ tâm lý, thật không lý tưởng khi đưa ra các quyết định quan trọng trong đời trong lúc sự lo lắng đang bao trùm khả năng phán đoán của bạn. Hậu quả có thể xảy ra cả về mức độ thực tiễn lẫn tình cảm.

“Bạn đầu tư rất nhiều hy vọng và cảm xúc hướng về tương lai vào ngôi nhà. Do đó, khi mọi việc không suôn sẻ, đặc biệt là đại dịch, bạn có cảm giác tương lai của mình bị cắt đứt”. Heather Gates (47 tuổi) nói.

 Người đi xem nhà tại Waldorf (bang Maryland). Ảnh: Lisa Rizzolo.

Người đi xem nhà tại Waldorf (bang Maryland). Ảnh: Lisa Rizzolo.

Tháng 10/2021, Gates và chồng đã hoàn tất việc mua nhà ở ngoại ô New York, cách căn hộ quận Brooklyn của họ khoảng 4 giờ lái xe.

Ngôi nhà này đã bị bỏ hoang suốt 40 năm qua và cần phải sửa sang trước khi vợ chồng cô có thể ở được. Mặt khác, nó được xây dựng kiên cố và có sân đẹp. Cô tưởng tượng ra khu vườn xinh đẹp mà cô sẽ trồng vào mùa xuân tới.

Điều quan trọng nhất là ngôi nhà nằm ở vị trí tương đối gần đối với bến tàu, giúp cặp vợ chồng có thể dễ dàng đi lại tới quận Brooklyn (New York), nơi họ dự định giữ căn hộ làm nơi nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, Gates nhận ra ngôi nhà này cần sửa chữa nhiều hơn cô nghĩ. Đến nay, vợ chồng cô vẫn chưa thể chuyển tới đó.

“Cảm giác rất tuyệt vọng và đó chính là cái chúng tôi cố gắng thoát khỏi. Có vẻ như phải mất 1 năm nữa mới có thể sửa chữa tới khu vườn”, cô nói.

Trong khi đó, Kingsman đang cố gắng tận dụng tối đa tình hình. Cô đang tìm cách giành lại quyền sử dụng chỗ đỗ xe thông qua một cuộc đàm phán pháp lý với chủ sở hữu nhà trước đây. Đồng thời, cô đang sửa sang lại căn nhà từng chút một.

“Tôi đang làm những công việc thú vị cần phải thực hiện, chẳng hạn sơn tường và đóng đồ nội thất mới. Nó cũng khá tuyệt nhưng đồng thời, số tiền khổng lồ đó đáng lẽ có thể được tiêu xài ở nơi như Bali rồi”, Kingsman nói.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-my-mat-tien-khi-mua-nha-gap-trong-dai-dich-post1303693.html