Người nặng lòng với cột mốc biên cương

Đến bản Chè Mùng, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn hỏi thăm nhà ông Hoàng Ngọc Thanh (A Thanh), sinh năm 1953, dân tộc Nùng thì ai cũng biết. Hơn 30 năm qua, ông đã cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền biên ải này chung tay bảo vệ đường biên, cột mốc quốc gia. Ông là một trong những người gương mẫu ở bản, có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ an ninh trật tự và phát triển kinh tế ở vùng biên giới.

Ông Hoàng Ngọc Thanh (thứ nhất từ phải sang) cùng cán bộ Đồn Biên phòng Bắc Xa kiểm tra cột mốc. Ảnh: Long Vũ

Ông Hoàng Ngọc Thanh (thứ nhất từ phải sang) cùng cán bộ Đồn Biên phòng Bắc Xa kiểm tra cột mốc. Ảnh: Long Vũ

Len lỏi, đi xe máy chừng hơn hai tiếng đồng hồ từ trung tâm huyện Đình Lập, vượt qua các vách núi đá cheo leo, rừng già, chúng tôi mới tìm được nhà ông Thanh. Ngôi nhà của ông ở bản Chè Mùng, nơi giáp với cột mốc trên tuyến biên giới Việt – Trung. Thấy chúng tôi, ông vui lắm. Ông bảo, lâu lắm mới thấy người dưới Hà Nội lên chơi, mới có dịp nói chuyện nhiều.

Trong ngôi nhà ba gian trình tường đã cũ, bên chén trà nóng, bếp lửa bập bùng, ông Thanh tâm sự: “Bắc Xa là xã khó khăn nhất của huyện Đình Lập có 33km đường biên giới. Xã có 5 bản giáp biên giới Trung Quốc, dân cư ở đây chiếm 98% là người dân tộc Nùng. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội còn nhiều khó khăn, giao thông cách trở, nhất là vào mùa mưa, phong tục tập quán còn lạc hậu. Người dân chủ yếu sinh sống nhờ nghề trồng rừng”.

Ông Thanh cho biết: “Sau khi xuất ngũ tôi về công tác ở xã và được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã”.

Mở chiếc tủ làm bằng gỗ xoan đào cũ, ông Thanh đem cho chúng tôi xem những cuốn sổ ghi chép cẩn thận những nội dung về Luật Biên giới quốc gia, Quy chế biên giới đất liền, hương ước, nội quy của bản làng. Ông Thanh nói: “Bắc Xa là địa bàn chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh nên công tác gìn giữ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ chung của toàn dân nơi đây. Nhận thức được nhiệm vụ quan trọng này, những năm qua, với vai trò là người có uy tín, người cao tuổi trong cộng đồng, tôi đã cùng người dân trong xã xác định phải gắn phát triển kinh tế - xã hội với công tác gìn giữ, bảo vệ đường biên, mốc giới”.

Dẫn chúng tôi đi tham quan đường biên cùng với Tổ tuần tra Đồn Biên phòng Bắc Xa, ông Thanh háo hức kể nhiều chuyện về biên giới, cột mốc cho chúng tôi nghe. Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng đất biên cương nên ông rành từng gốc cây, ngọn cỏ trên đường biên. Ông chỉ tay vào hàng cây thông và sa mộc ở trước thửa đất nhà mình và nói: “Bên dưới gốc thông này là đường ranh giới, bên trái là cột mốc 1288, phía trước là đất bạn Trung Quốc, bên phải là đường tiếp giáp của vùng đất Bắc Xa, Đình Lập và vùng đất huyện Bình Liêu, Quảng Ninh”.

Được biết, hầu như sáng nào, ông cũng đi lên thăm cột mốc, đường biên. Nhiều lúc có người tìm, cứ lên cột mốc, đường biên là gặp. Cuối tuần, ông cùng người cao tuổi trong bản lại đi hết một lượt thăm đường biên, cột mốc. Bên cạnh đó, ông còn phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Xa đi tuần tra, phát quang bụi rậm ở đường biên. Mỗi khi lên tới đây, ông Thanh lại tỉ mẩn lau chùi bốn mặt cột mốc cho sạch sẽ, đi quanh xem cột có bị sứt mẻ không, có chữ nào bị mờ đi không.

Từ khi Bộ Tư lệnh BĐBP và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp "Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh trật tự khu vực biên giới, vùng biển", Hội Người cao tuổi xã Bắc Xa, mà tiêu biểu là ông Thanh cũng đã ký kết hợp tác bảo vệ an ninh biên giới với Đội công tác địa bàn thuộc Đồn Biên phòng Bắc Xa, từ đó, tình hình an ninh trật tự nơi biên giới luôn được đảm bảo và giữ vững.

Anh Hoàng Văn Hà, hàng xóm với ông Thanh cho biết: Không chỉ nhiệt tình, năng nổ trong công tác bảo vệ đường biên, cột mốc, ông Thanh còn là người đi tiên phong trong việc vận động bà con trồng cây thông mã vĩ lấy nhựa. Nhiều hộ dân nhờ trồng thông lấy nhựa đã có của ăn, của để, cuộc sống đã khấm khá hơn trước.

Nhiều năm qua, cộng đồng dân tộc Nùng ở cả hai bên biên giới đã thân quen với hình ảnh người đàn ông với bộ áo nâu sòng, hằng tuần đi tuần tra đường biên, cột mốc. Ông Thanh còn đi đến hỏi thăm từng nhà dân sống cạnh đường biên để vừa động viên, vừa tuyên truyền cho nhân dân về đường biên, về chủ quyền quốc gia.

Hội Người cao tuổi xã Bắc Xa đã phối hợp với Đồn Biên phòng Bắc Xa tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được 25 buổi với trên 850 lượt người tham gia. Ngoài ra, Hội đã vận động, tổ chức cho người cao tuổi giáp biên tại 5 thôn, bản thực hiện phong trào “5 không, 5 có”.

Ông Tô Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Bắc Xa khẳng định: “Ông Hoàng Ngọc Thanh luôn là một trong những người gương mẫu, tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Ông cũng là một trong những hạt nhân ưu tú, uy tín của xã tích cực tham gia các hoạt động phong trào của địa phương. Với những việc làm của mình, đến nay, ông Thanh đã được trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen vì đã có những thành tích tốt trong công tác xây dựng, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”.

Long Vũ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-nang-long-voi-cot-moc-bien-cuong/