Người 'nặng lòng' với trẻ tự kỷ

'Hôm nay, tôi là người cha hạnh phúc nhất. Sau 13 năm, con trai tôi đã biết nhai thức ăn...', người cha nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt chia sẻ niềm vui đến chị Phan Thị Lan Hương, nhà sáng lập dự án hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ.

Người mẹ của những đứa trẻ đặc biệt

Vốn là tư vấn viên của tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, hàng ngày tiếp nhận nhiều cuộc gọi cầu cứu, tâm sự của các em nhỏ, những câu chuyện của nhiều gia đình... khiến chị Lan Hương trăn trở. Đặc biệt, những tâm sự của phụ huynh có con em tự kỷ, học xong Tiểu học, THCS, THPT không biết đi đâu, làm gì... như thôi thúc chị.

Cuối năm 2018, chị Lan Hương sáng lập dự án Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ. Đến nay, sau 6 năm hoạt động, căn nhà số 17 ngõ 163 phố Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã trở thành mái nhà chung, lớp học hướng nghiệp của nhiều trẻ em tự kỷ, chậm phát triển.

Chị Phan Thị Lan Hương hạnh phúc bên "đàn con đặc biệt".

Chị Phan Thị Lan Hương hạnh phúc bên "đàn con đặc biệt".

Dự án của chị Lan Hương hiện tại có 20 - 25 em nhỏ, tất cả đều có biểu hiện của bệnh tự kỷ, chậm phát triển. Khi đến với chị Lan Hương, các bé sẽ có 1 - 2 tuần đầu tham gia các hoạt động vẽ tranh, học hát, trò chuyện, tâm sự... để chị và các thầy cô giáo tìm hiểu sâu về nhận thức, phát hiện những điểm mạnh, điểm yếu của từng em.

Chị Lan Hương cho các bé trải nghiệm bộ môn hội họa, cách sử dụng bút, màu nước để vẽ tranh theo cách suy nghĩ, nhận thức riêng của từng trẻ. Theo chị, với bộ môn này, trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển có thể tiếp cận dễ dàng, thỏa sức sáng tạo và vẽ những điều tự cảm nhận về thế giới xung quanh. Khi trẻ nắm bắt được cách vẽ, hoàn thiện một bức tranh trên giấy, các bé có thể thử sức vẽ các bức tranh, họa tiết trên túi xách...

Mọi không gian trong nhà đều được chị Hương tận dung trưng bày tranh vẽ của các bé.

Mọi không gian trong nhà đều được chị Hương tận dung trưng bày tranh vẽ của các bé.

Dù là những bức tranh vẽ ngô nghê hay đạt giải thưởng trong các cuộc thi hội họa,......"mẹ Hương" đều trân trọng, treo xung quanh nhà.

Dù là những bức tranh vẽ ngô nghê hay đạt giải thưởng trong các cuộc thi hội họa,......"mẹ Hương" đều trân trọng, treo xung quanh nhà.

Một buổi học vẽ của các bé diễn ra khoảng 3 giờ, các em được phát khung tranh cùng những bút màu nước nhiều màu sắc, với sự hướng dẫn của cô Lan Hương và các thầy, cô giáo. Với khung tranh nhỏ, các em tập vẽ cá nhân tùy theo sở thích, suy nghĩ của mình. Với khung tranh lớn, các trẻ được hướng dẫn làm việc nhóm từ 4 - 5 em cùng đưa ra ý tưởng, họa tiết, cảnh vật xuất hiện trong bức tranh...

“Các bé đều thể hiện sự hào hứng mỗi khi tham gia học vẽ. Khi được yêu cầu vẽ về một chủ đề các em quan tâm, em thì vẽ mèo, hổ, cỏ cây, hoa lá... cũng có em vẽ chân dung thầy cô đang dạy... chỉ bằng màu xanh và màu đen. Bức vẽ chân dung thầy giáo, bây giờ tôi vẫn treo để làm kỷ niệm...”, chị Lan Hương xúc động chia sẻ.

Căn nhà như một phòng trưng bày tranh đa chủ đề của các em.

Căn nhà như một phòng trưng bày tranh đa chủ đề của các em.

Bức chân dung vẽ thầy giáo của một em nhỏ trong giờ dạy vẽ.

Bức chân dung vẽ thầy giáo của một em nhỏ trong giờ dạy vẽ.

Chị Lan Hương cũng tích cực cho các trẻ khám phá khả năng bản thân thông qua các buổi học khâu sổ tay handmade, làm bìa vải vụn, làm túi cỏ bàng, vẽ hình lên mũ, túi, làm những sản phẩm tái chế từ vỏ chai, vỏ hộp nhựa... Gần đây, chị Lan Hương phát hiện một số trẻ có sự tỉ mỉ, tập trung, chị bắt đầu dạy móc len, tạo ra những chiếc túi đeo len bắt mắt, được nhiều khách hàng đặt mua.

Túi len, sổ handmade, túi cỏ bàng... được sáng tạo bởi chính đôi tay của những "đứa trẻ đặc biệt".

Túi len, sổ handmade, túi cỏ bàng... được sáng tạo bởi chính đôi tay của những "đứa trẻ đặc biệt".

“Tôi cùng các cộng sự luôn mong muốn dạy các em những công việc phù hợp với tính cách, năng lực của các em, để mỗi sản phẩm các em tạo ra chỉn chu, đẹp mắt, mang dấu ấn riêng, khách hàng vui vẻ nhận sản phẩm bởi chất lượng, không chỉ vì thương các em, mà mua ủng hộ. Dạy nghề, dạy kỹ năng sống cho đứa trẻ bình thường đã khó, dạy cho đứa trẻ tự kỷ, chậm phát triển còn khó hơn gấp nhiều lần. Có những đứa trẻ tăng động, không thể ngồi yên, vừa học vừa chạy, vừa la hét khắp các tầng nhà...

Tôi và các cộng sự đều phải vừa vận dụng kiến thức dạy dỗ, vừa nhẫn nại, kiên trì, mới có thể sát cánh cùng những đứa trẻ đặc biệt này”, chị Lan Hương trải lòng.

Hơn cả một sự án hướng nghiệp

Sáu năm qua, chị Lan Hương cùng 5 cộng sự đã gửi gắm tình yêu thương, tâm huyết qua từng buổi học, giờ học; từng bước gợi mở, giúp các trẻ nhìn nhận về thế giới xung quanh, từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân, tìm hiểu bản thân, biểu đạt những mong muốn, suy nghĩ của mình... đến những kỹ năng giao tiếp, ứng xử với bạn bè, cha mẹ, người xung quanh, đặc biệt là bảo vệ an toàn thân thể.

Những kỹ năng sống được đan xen trong những giờ học hướng nghiệp, giúp các trẻ vui vẻ, thoải mái, sôi nổi bày tỏ ý kiến, cảm xúc. Không chỉ là lớp học kỹ năng, học nghề, “ngôi nhà” của chị Lan Hương đã trở thành cộng đồng nhỏ, nơi các em được thỏa sức là chính mình, tự tin biểu cảm, suy nghĩ.

Chị Lan Hương không giấu nổi xúc động khi được các trẻ tự kỷ thương mến gọi “mẹ Hương, mami Hương” hay những niềm vui, nỗi đau được các trẻ tin tưởng tâm sự... Chị nhớ lại những bé ngày đầu đến trung tâm hướng nghiệp còn rụt rè, “không cảm xúc”, do nhiều năm bị cha bạo hành.

Ngoài dự án hướng nghiệp, chị Lan Hương đam mê chia sẻ kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.

Ngoài dự án hướng nghiệp, chị Lan Hương đam mê chia sẻ kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.

Những buổi chia sẻ kiến thức bảo vệ bản thân và sức khỏe sinh sản, cùng các phụ huynh và các bé tại chung cư Fivestar Garden.

Những buổi chia sẻ kiến thức bảo vệ bản thân và sức khỏe sinh sản, cùng các phụ huynh và các bé tại chung cư Fivestar Garden.

Chị Lan Hương kể: “Có một em 11 tuổi, khi tham gia dự án được 1 năm, tôi cảm thấy đau nhói trong lòng khi nghe câu chuyện của em. Bố nghiện rượu, mỗi lần lên cơn nghiện sẽ đánh đập, mắng chửi con. Có những ngày nhốt con trong chuồng chó từ sáng đến chiều tối, phơi ra giữa sân nắng nóng... Từ nhỏ đã chịu cảnh bạo hành, khiến em mai một cảm xúc, thậm chí khi bị các bạn trêu chọc, chơi bóng không may rơi vào đầu, mặt con không biến sắc. Khi tôi hỏi có đau không, em nói không đau bằng bố đánh...”

Sau gần 1 năm tham gia lớp học của chị Lan Hương, em bắt đầu có cảm xúc, thể hiện ra ngoài thay vì kìm nén, cất giữ trong lòng. Mới đây, em bị bạn cùng lớp hiểu lầm đã rưng rưng nước mắt, nét mặt tỏ rõ sự ấm ức. Thấy em khóc được, chúng tôi vừa thương, lại vừa mừng”, chị Lan cảm động nói.

Câu chuyện về một bạn nhỏ 13 tuổi khác cũng để lại trong chị nhiều cảm xúc. Chị tâm sự: Vì hoàn cảnh gia đình, bố phải đi làm xa, em sống cùng bà suốt 13 năm và không biết nhai cơm, thức ăn. Mỗi bữa ăn, bà của em nấu cháo hoặc cắt thức ăn thật nhỏ, chan cùng canh, em chỉ biết nuốt cháo, thức ăn vào bụng, cơ hàm không hoạt động... Khi tham gia lớp học, em được các thầy cô giáo dạy từ những điều nhỏ nhất, như cách cầm thìa, xúc cơm, đưa cơm vào miệng...

Trong hơn 1 tháng đầu tiên, chị Lan Hương ngồi bên em trong từng bữa ăn, tận tay chỉ dạy, động viên, an ủi. “Giai đoạn đầu tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi các em không hợp tác, bỏ bữa, nhất quyết không nhai cơm, thức ăn. Dù thương yêu, xót xa, nhưng trong trường hợp này tôi phải kiên quyết, để bé bỏ một, hai bữa, bắt đầu bé cảm thấy đói bụng và xin cô đồ ăn và hứa sẽ nhai, thay vì nuốt... Hiện tại, em đang tập dùng đũa để ăn cơm, thỉnh thoảng chưa quen thao tác, em dùng mỗi tay một đũa gắp thức ăn...”, chị Lan Hương tâm sự.

Các phụ huynh giờ đây đã coi chị Lan Hương như “người mẹ thứ hai”, giúp các con, em của mình có cuộc sống vui vẻ hơn và phát triển bình thường. “Hôm nay, tôi là người cha hạnh phúc nhất. Sau 13 năm, con trai tôi đã biết nhai thức ăn. Gia đình tôi sinh ra bé, nhưng cô Lan Hương là người ‘tái sinh’ cháu lần nữa”, người đàn ông đôi mắt rưng rưng bày tỏ lòng biết ơn chị Lan Hương qua video, bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh phải đi làm xa.

Những dòng tâm sự của các em nhỏ tham gia dự án hướng nghiệp.

Những dòng tâm sự của các em nhỏ tham gia dự án hướng nghiệp.

Các bạn tham gia lớp học cũng dành nhiều tình yêu thương, dù không còn gắn bó với lớp, song vẫn thường xuyên hỏi thăm “mẹ Lan Hương”. Bạn Nguyễn Trung chia sẻ: “Con cảm ơn mẹ, vì mẹ nấu ăn rất ngon, cùng con đi đến tận bây giờ. Mẹ đã yêu thương chúng con, khi con bị đau mẹ hỏi tại sao con đau...”.

“Hạnh phúc là khi được các em tâm sự những chuyện cất giấu trong lòng và hạnh phúc hơn là khi giúp các em chữa lành nỗi ám ảnh về bạo lực, giúp các em thoát khỏi bệnh trầm cảm, sống vui vẻ, yêu đời hơn, ý nghĩa”, chị Lan Hương bày tỏ.

Hồng Phượng/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phong-su-dieu-tra/nguoi-nang-long-voi-tre-tu-ky-20240809155337976.htm