Người nghệ sĩ hóa thân vào hình tượng Bác Hồ
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Văn Tân vinh dự được thể hiện hình tượng Bác Hồ với gần 2.000 buổi diễn. 3 lần ông được Bộ Công an mời đảm nhận hình tượng Bác cho những thời khắc lịch sử kỉ niệm đặc biệt của lực lượng Công an nhân dân.
Ông đã đến những đơn vị Công an ở khắp các tỉnh thành dù ở nơi địa đầu của tổ quốc hay đất mũi Cà Mau. 5 lần được Công an tỉnh Bình Dương mời vào đóng vai Bác... Vào ngày 15 tháng 5 vừa qua, tại sân khấu tỉnh Quảng Ninh, NSƯT Văn Tân được Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh mời đóng hình tượng Bác nhân dịp kỉ niệm 130 năm ngày sinh của người.
Có lẽ, với nhiều người, khi nhắc đến NSƯT Văn Tân đóng Bác Hồ sẽ thấy lạ, vì người ta quen với hình ảnh NSƯT Tiến Hợi đóng vai Bác. Quả thật, điện ảnh luôn là một lợi thế để công chúng cả nước thuộc mặt, nhớ tên, còn những nghệ sĩ chỉ đóng trên sân khấu có lẽ cũng sẽ là một thiệt thòi.
Nhưng, NSƯT Văn Tân không phiền lòng vì điều ấy. Ông luôn tự hào trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật sôi nổi của mình đã có những giây phút thăng hoa, xen lẫn tự hào khi thể hiện hình tượng Bác.
Đặc biệt, NSƯT Văn Tân rất có duyên với lực lượng Công an nhân dân, nên nhắc đến Báo Công an nhân dân, ông gửi cho tôi hàng chục bức ảnh, bài báo với kỉ niệm ăm ắp nơi ông đã lưu diễn thể hiện hình ảnh vị Cha già của dân tộc với các đơn vị công an trong khắp tỉnh thành cả nước.
Chỉ còn khoảng 3 năm nữa, NSƯT Văn Tân bước vào tuổi 80, vậy mà người nghệ sĩ linh hoạt và dẻo dai này vẫn đảm nhận đầy xúc động hình tượng Bác. Mọi năm từ tết ra, ông đóng nhiều hơn nhưng năm nay bị vướng vào đại dịch COVID nên mọi hoạt động nghệ thuật bị đình trệ, chậm lại. Tuy vậy, từ tết cho đến lúc tôi liên hệ, ông đã 3 lần hóa thân vào hình tượng Bác. Những ngày này ông càng bận hơn.
Thật kì lạ, NSƯT Văn Tân không phải là con nhà nòi, được sinh ra trong cái nôi nghệ thuật mà từ hai vợ chồng người nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho giời. Ông là con cả trong gia đình 8 anh chị em. 22 tuổi chàng thanh niên trẻ bén duyên với nghệ thuật vào Đoàn văn công Hà Bắc. Sau đó nghệ sĩ Văn Tân có 2 năm ở Đoàn Cải lương.
Từ năm 1967-1970 làm diễn viên đoàn ca múa kịch Hà Bắc, dần dà trưởng thành, đóng các vai chính trong các vở kịch. Năm 1982 ông làm Phó Đoàn kịch nói Hà Bắc. Năm 1982-1986 học đạo diễn sân khấu ở trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh rồi về làm Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Giang và Phó Hiệu trưởng Trường Văn hóa. nghệ thuật tỉnh Bắc Giang.
Năm 1970, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời được 1 năm, nhà thơ Tố Hữu lúc này là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương có yêu cầu văn nghệ sĩ trong vòng những năm tới, kỉ niệm 5 năm sau ngày Bác mất đưa hình tượng Bác lên sân khấu, cái tin đấy là do nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ (xưởng phim truyện Việt Nam) về Đoàn Ca múa kịch Hà Bắc nói chuyện, từ trong sâu thẳm nghệ sĩ Văn Tân ngày đêm mong muốn được đóng vai Bác Hồ.
Cho đến nay, NSƯT Văn Tân có gần 2.000 suất diễn hình tượng vị Cha già dân tộc nhưng không bao giờ ông quên cái buổi đầu tiên lưu luyến ấy.
Đó là ngày 17/1/1974 sau 4 năm nghiên cứu về hình tượng Bác, nghệ sĩ Văn Tân lúc đấy 31 tuổi, lần đầu tiên đảm nhận vai Bác Hồ. Sau khi hóa trang xong, cảm thấy hình thức khá giống, nghệ sĩ Văn Tân bước ra sân khấu cùng với Đoàn ca múa kịch Hà Bắc diễn hoạt cảnh Bác Hồ thăm trận địa cao xạ Thủ đô và đó là “kỉ niệm cao quý” đối với ông. Diễn xong, một số đồng chí lãnh đạo bảo cậu thanh niên trẻ đóng vai Bác: “Dám nghĩ dám làm”. Được đông đảo khán giả tin yêu và lãnh đạo khen ngợi, động viên bắt đầu từ đó, NSƯT Văn Tân vào vai Bác đi diễn ở nhiều nơi.
Ngày 18 tháng 5 năm 1992, Bộ Văn hóa - Thông tin cùng với Viện Sân khấu tổ chức các hình tượng Bác Hồ qua từng thời kì lịch sử, diễn báo cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nhạc sĩ Trần Hoàn lúc đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin chọn 5 người đóng Bác Hồ gồm: NSƯT Văn Tân, NSƯT Tiến Hợi, NSƯT Đức Chung, NSND Tiến Thọ, NSƯT Sĩ Hùng.
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, mỗi lần nhắc đến kỉ niệm về những vai diễn đóng hình tượng Bác, bồi hồi xúc động, ông bảo: “Cảm xúc thì mỗi nơi mỗi khác, kỉ niệm ăm ắp. Có những hình ảnh không bao giờ quên. Hạnh phúc nhất của người nghệ sĩ là được công chúng tin yêu đón nhận”.
Năm 1984, NSUT Văn Tân cùng Đoàn văn công Quân khu 1 diễn ở sân vận động Cao Bằng, nhân dân xem đông đến nỗi người ta du đổ cả bức tường bao xung quanh sân khấu để vào. Chứng kiến nghệ sĩ Văn Tân trong hình tượng Bác Hồ, mọi người cảm động đến rơi lệ trước lời căn dặn thấm thía của Bác với giọng nói xứ Nghệ ấm áp truyền cảm thân thương.
Sau khi diễn xong, đồng bào cảm thấy như được gặp Bác Hồ thật, nhiều cụ lên sân khấu ôm vai của người nghệ sĩ.
Để cho vai diễn giàu tính thuyết phục, ông đã tự mày mò học hỏi từ cách đi đứng, giọng nói, tiếng cười của Bác. Năm 1978 đến năm 1981, nhiều lần NSƯT Văn Tân được ra thăm Phủ Chủ tịch, được bác Vũ Kỳ (thư kí riêng của Bác Hồ), bác Hà Huy Giáp, bác Đặng Xuân Kỳ kể chuyện về tinh thần cốt cách của Bác. Những câu chuyện cảm động, giản dị giàu nhân văn ấy đã thấm vào máu thịt, tâm hồn của người nghệ sĩ đa cảm.
Nghệ sĩ Văn Tân nhớ lại, ngoài những câu chuyện kể súc tích, xúc động về vị Cha già của dân tộc, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước còn cho ông vào Xưởng phim quân đội xem những thước phim tư liệu như: Bác Hồ đi thăm công nông binh, xí nghiệp nhà máy, động viên đồng bào đánh Mỹ. Sau những ngày dài ở Thủ đô nghiên cứu, nghiễn ngẫm để làm sao thể hiện hình ảnh Bác được sống động và chân thật nhất, đến hôm về thì bác Vũ Kỳ tặng cho nghệ sĩ Văn Tân bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập” và cuộn băng ghi âm có Bác Hồ nói chuyện, đọc thơ để nghệ sĩ Văn Tân ngấm dần dần.
Trong thời gian học đạo diễn sân khấu tại trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, các thầy giáo trong trường thường giảng giải về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vốn là một nghệ sĩ giàu sáng tạo, ham mày mò học hỏi nên chàng sinh viên Văn Tân nghe lời thầy cô giảng như ngấm từng lời.
Ông được công an các tỉnh mời đi diễn khắp nơi, vinh dự 3 lần được 3 đời Bộ trưởng mời đóng hình tượng Bác trên sân khấu cho cán bộ, chiến sĩ công an xem. Nhận lời mời của Công an tỉnh Bình Dương, NSƯT Văn Tân đầy hào hứng với 5 lần vào để diễn hình tượng Bác cho nhiều đơn vị công an ở địa phương này. 3 lần Công an tỉnh Cà Mau mời NSUT Văn Tân vào diễn hình tượng Bác. Ngoài ra, ông đi diễn ở công an các tỉnh Bến Tre, Kom Tum, Sơn La, Lào Cai, Bắc Kạn...
Đặc biệt, nhân kỉ niệm 50 năm Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/1995), Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ đã mời NSƯT Văn Tân đóng vai Bác Hồ vào ngày 12/8/1995 tại Cung Hữu nghị Việt Xô.
Gần 70 tuổi, nghệ sĩ Văn Tân vẫn có cái duyên rất riêng khi thể hiện hình ảnh Bác, đồng thời ông cũng có duyên khi liên tiếp diễn cho lực lượng Công an nhân dân. Bộ Trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh cũng đã mời ông diễn cho Hội nghị Điển hình tiên tiến phụ nữ Công an Trung ương. Mấy năm sau, lần thứ ba, Bộ Công an mời ông diễn Bác Hồ trong chương trình “Kỉ vật chiến tranh nhân dân đánh Mỹ”.
Ông bộc bạch: “Trời phú cho tôi trí nhớ lại thêm công luyện học của mình, tôi thuộc và nắm bắt sâu sắc nhiều bài phát biểu, nhiều cuộc gặp gỡ tiếp xúc và những lời căn dặn của Bác. Khi chuẩn bị, tôi nghiền ngẫm các kịch bản đã được duyệt, vận dụng các lời chào cán bộ, đồng bào, chiến sĩ cho phù hợp hoàn cảnh từng địa phương, mỗi ngành và đối tượng phục vụ nhưng tất cả phải nhuần nhuyễn kĩ lưỡng. Tuy ở tuổi 77, trí nhớ giảm nhưng lời thiêng của Bác như thấm vào máu tôi rồi, không thể quên được...”.
Cho đến nay, đã gần hai chục năm nghỉ hưu nhưng NSƯT Văn Tân chưa bao giờ ngơi nghỉ, ông vẫn đi diễn về hình tượng vị Cha già dân tộc, ngoài ra ông còn là người chủ trì sáng lập Hội Văn hóa quan họ tỉnh Bắc Giang với hơn hai chục câu lạc bộ dân ca quan họ trực thuộc. Cùng với các liền anh, liền chị xúng xính khăn đóng, áo dài cất những câu ca sóng sánh tình quan họ cổ, giao duyên say đắm.
Về nhà ông được người vợ hiền chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ. Vợ ông cũng là cô thư kí riêng của ông. Bà ghi lại từng buổi diễn của chồng, luôn căn dặn ông mỗi lần ra sân khấu đóng hình tượng Bác phải luôn cẩn thận, chỉn chu.
Bao nhiêu năm rồi hai ông bà vẫn cứ mặn nồng như đôi chim câu ríu rít bên nhau, nửa bước không rời. Thi thoảng đôi chim câu già đó lại từ biệt căn nhà ở trung tâm thành phố Bắc Giang về miền quê có ao chuôm, đồng ruộng, cùng nhau ra mảnh vườn nhỏ cuốc đất trồng rau... Người nghệ sĩ chân thực giản dị.