'Người ngoài cuộc' trong nỗ lực toàn cầu
Cuối cùng thì sau hơn 2 năm bóng gió về khả năng rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Tổng thống Donald Trump đã chính thức khởi động tiến trình này.
Cuối cùng thì sau hơn 2 năm bóng gió về khả năng rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Tổng thống Donald Trump đã chính thức khởi động tiến trình này, biến Mỹ từ một nước từng giữ vai trò đầu tàu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu trở thành “người ngoài cuộc” trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế cứu "Hành tinh Xanh".
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4/11 đã trình thư lên Liên hợp quốc (LHQ) thông báo quyết định rút khỏi Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, viện dẫn “gánh nặng kinh tế không công bằng đối với người lao động, doanh nghiệp và người nộp thuế ở Mỹ do các cam kết mà Mỹ đưa ra”.
Động thái này chính thức khởi động tiến trình đưa Mỹ rời khỏi thỏa thuận khí hậu lịch sử này, vốn sẽ hoàn tất vào ngày 4/11/2020, tức là một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Tuyên bố của Tổng thống Trump rằng Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris, đưa ra tháng 6/2017 được cho là bước đi nhằm thực hiện cam kết tranh cử của ông, bởi ông từng được ngành công nghiệp than đá của Mỹ hậu thuẫn trong cuộc đua giành ghế chủ nhân Nhà Trắng.
Tại các bang hoạt động kinh tế lớn nhất liên quan đến ngành khai thác quặng mỏ như Kentucky, Tây Virginia, tỷ lệ bỏ phiếu cho ông Trump lên tới hơn 80%. Đằng sau những tính toán về lợi ích kinh tế, quyết định của ông Trump rõ ràng xuất phát từ mục tiêu chính trị, và việc chính thức khởi động tiến trình rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris vào thời điểm này có thể coi như bước đi hướng tới cuộc bầu cử năm 2020.
Tuy nhiên, việc Mỹ - quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai thế giới, chính thức “quay lưng” với thỏa thuận Paris vẫn không khỏi làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc về tương lai của “Hành tinh Xanh”.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Robert Menendez thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho rằng chính quyền của Tổng thống Trump đã một lần nữa thể hiện sự “thiếu tôn trọng” đối với các quốc gia đồng minh, phớt lờ sự thật đáng báo động về tình trạng biến đổi khí hậu, cũng như “chính trị hóa” vấn đề được xem là thách thức lớn nhất của thế giới.
Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore cũng bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của ông Trump, nhấn mạnh không một ai hoặc một đảng chính trị nào có thể cản trở nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Không chỉ trong nội bộ chính giới Mỹ, quyết định của ông Trump rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng vấp phải sự phản đối của nhiều nước trên thế giới.
Tuyên bố khi đang ở thăm Trung Quốc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người từng nhiều lần thuyết phục người đồng cấp Mỹ duy trì thỏa thuận khí hậu Paris, đã bày tỏ “lấy làm tiếc”, đồng thời nhấn mạnh điều này càng khiến quan hệ đối tác giữa Bắc Kinh và Paris trong lĩnh vực đa dạng sinh học và khí hậu trở nên cần thiết hơn.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng là quốc gia chiếm lượng khí thải lớn nhất, đã kêu gọi Mỹ "gánh vác thêm trọng trách và làm nhiều hơn để góp sức cho tiến trình hợp tác đa phương này".
Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi cho rằng việc Mỹ khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là “rất đáng thất vọng”.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng bày tỏ sự thất vọng về quyết định của Mỹ, đồng thời cho rằng tất cả cộng đồng quốc tế cần đối phó với tình trạng Trái Đất ấm lên.
Chung quan điểm trên, Bộ trưởng Môi trường Tây Ban Nha Teresa Ribera nhận định động thái của Mỹ giáng một đòn mạnh vào thỏa thuận Paris.
Pháp là quốc gia đăng cai hội nghị khí hậu LHQ hồi tháng 12/2015 mà tại đó gần 200 nước đã thông qua thỏa thuận Paris, trong khi Nhật Bản cũng là nước có nhiều đóng góp cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu và Tây Ban Nha sẽ thay Chile đăng cai hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ (COP 25) vào đầu tháng 12 tới.
Có thể thấy, các quan ngại trên là hoàn toàn có cơ sở. Ngay từ khi Tổng thống Trump đề cập vấn đề rút khỏi Hiệp định Paris, người dân Mỹ và cộng đồng quốc tế đều đánh giá rằng động thái này nếu xảy ra sẽ là sai lầm, thậm chí là “thảm họa” đối với nước Mỹ.
Các nhà khoa học khẳng định việc Mỹ không tham gia thỏa thuận này sẽ cản trở những nỗ lực ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, từ đó gây ra những hậu quả thảm khốc về môi trường, kể cả đối với các thanh niên Mỹ hiện nay và con cháu của họ.
Ngay cả các doanh nghiệp lớn nhất tại Mỹ, từ Apple đến Tesla, General Motors, kể cả một số “đại gia” dầu hỏa như ExxonMobil và Chevron, những tập đoàn đã đầu tư rất nhiều cho “cuộc cách mạng năng lượng xanh”, đều phản đối quyết định của Tổng thống Trump.
Thực tế cho thấy người dân Mỹ đang chứng kiến các cơn bão có cường độ mạnh hơn, các trận lụt lớn xảy ra thường xuyên hơn và các tảng băng ở Bắc Cực đang tan chảy nhanh chóng.
Ở cấp độ toàn cầu, Giáo sư Khoa học Môi trường Gregg Marland thuộc Đại học bang Appalachian cảnh báo thế giới sẽ không thể đạt được các mục tiêu chung về khí hậu nếu không có sự góp sức của tất cả các nước và thiếu vắng sự hợp tác của Mỹ.
Trong khi đó, chuyên gia Jake Jacoby, đồng sáng lập Chương trình chung về khoa học và chính sách thay đổi toàn cầu, cho rằng khi rút khỏi thỏa thuận khí hậu toàn cầu, thiệt hại lớn nhất đối với Mỹ là suy giảm vai trò dẫn dắt trong các vấn đề toàn cầu.
Thỏa thuận khí hậu Paris kêu gọi các nước cứ mỗi 5 năm phải công bố các biện pháp cắt giảm khí thải tham vọng hơn, mở màn là cuộc họp dự kiến diễn ra vào tháng 11/2020 tại Scotland (Anh).
Do đó, với việc chính thức thông báo rút khỏi thỏa thuận lịch sử này, vị thế của Mỹ trên bàn đàm phán rõ ràng sẽ bị suy yếu.
Bước đi của Mỹ cũng sẽ khiến nhân loại khó tránh khỏi nguy cơ đối mặt với nền nhiệt độ gia tăng hơn 2 độ C vào năm 2100, khi Washington tiếp tục thải ra môi trường một lượng lớn khí CO2, từng lên tới 5,1 triệu kiloton vào năm 2015, nhiều hơn tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cộng lại và chiếm gần 1/6 lượng khí thải toàn cầu.
Nguy cơ về biến đổi khí hậu sẽ càng trầm trọng thêm mà viễn cảnh tồi tệ nhất được giới khoa học dự báo là nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng thêm 0,3 độ C vào cuối thế kỷ này khi Mỹ từ bỏ các cam kết trong thỏa thuận biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học đều đồng ý rằng nhiệt độ tăng cao sẽ làm nước biển dâng, các thành phố ven biển bị ngập lụt, tình trạng tuyệt chủng hàng loạt, hạn hán, các cuộc khủng hoảng di cư, những đợt nắng nóng chết người, mùa màng thất bát và các cơn bão lớn...
Sự rút lui của Mỹ chắc chắn sẽ để lại một lỗ hổng lớn trong hệ thống điều phối khí hậu quốc tế. Bên cạnh đó, bước đi của Mỹ có thể tạo "tiền lệ xấu".
Thực tế này đang đặt ra một tình thế cấp bách đối với cộng đồng thế giới, đòi hỏi những hành động gấp rút.
Hiện dư luận thế giới đang hướng sự chú ý vào tuyên bố mới nhất của Văn phòng Tổng thống Pháp, theo đó trong khuôn khổ cuộc hội đàm tại Bắc Kinh ngày 6/11, Tổng thống Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ký một thỏa thuận chung về khí hậu, trong đó sẽ tuyên bố “tính không thể đảo ngược” của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Chưa rõ thỏa thuận chung giữa Pháp và Trung Quốc có củng cố Hiệp định Paris đang trong tình trạng bấp bênh do quyết định của Mỹ hay không, nhưng ít nhất đó là lời đáp trả mạnh mẽ đối với chính quyền của Tổng thống Trump, thể hiện quyết tâm và nỗ lực hợp tác của hai nền kinh tế lớn và có tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, hội nghị COP 25 vào tháng tới tại Tây Ban Nha là cơ hội để cộng đồng quốc tế có thể chứng kiến những cam kết và hành động tích cực cũng như thiện chí chính trị của các bên tham gia thỏa thuận để chung tay giải cứu “Hành tinh Xanh”./.
Nguồn Bnews: http://bnews.vn/-nguoi-ngoai-cuoc-trong-no-luc-toan-cau/139289.html