Người nhà lãnh đạo Thép Pomina đua nhau thoái vốn
Cổ phiếu hạ nhiệt sau khi tăng gần 60% chỉ trong hơn 2 tuần, người nhà của ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Pomina (POM) thay nhau bán ra cổ phiếu của doanh nghiệp.
Mới nhất, bà Đỗ Thị Kim Ngọc, em gái của ông Đỗ Duy Thái vừa đăng ký bán ra 5,5 triệu cổ phiếu POM. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong khoảng thời gian từ ngày 4-28/7. Nếu thành công, bà Ngọc sẽ không còn là cổ đông lớn của Thép Pomina khi tỷ lệ sở hữu tại Pomina giảm từ 5,51% xuống 3,54%, tương ứng còn nắm giữ 9,9 triệu cổ phiếu. Tạm tính theo giá kết phiên 29/6, ước tính bà Ngọc sẽ thu về khoản tiền 36,6 tỷ đồng sau khi thoái bớt vốn.
Trước đó, một người em gái khác của ông Đỗ Duy Thái là bà Đỗ Nhung (quốc tịch Mỹ) cũng đã đăng ký bán ra 5,3 triệu cổ phiếu POM. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ ngày 3-28/7. Nếu giao dịch thành công, bà Nhung sẽ giảm tỷ lệ sở hữu Pomina xuống còn 0,71%, tương ứng nắm giữ 1,98 triệu cổ phiếu.
Tương tự, chị gái của ông Đỗ Duy Thái là bà Trương Geb Đỗ Thị Cẩm Hương (quốc tịch Đức) cũng đã đăng ký bán ra toàn bộ hơn 1,8 triệu cổ phiếu POM nắm giữ. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ ngày 30/6-28/7. Trước đó, bà Cẩm Hương đã nhiều lần muốn thoái hết vốn nhưng đều không bán hết lượng đăng ký với lý do giá chưa đạt kỳ vọng.
Động thái bán ra hàng triệu cổ phiếu của gia đình Chủ tịch Thép Pomina diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu POM đang trong nhịp điều chỉnh sau giai đoạn tăng nóng trước đó. Sau khi tăng gần 60% chỉ trong hơn 2 tuần từ 26/5-9/6, POM đã leo lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng.
Tuy nhiên, dưới áp lực chốt lời, cổ phiếu này đã hạ nhiệt. Chốt phiên 29/6, cổ phiếu POM dừng ở mức 6.600 đồng/cp, cao hơn gần 40% so với thời điểm bắt đầu nổi sóng cách đây hơn một tháng. So với đáy giữa tháng 11/2022, cổ phiếu này vẫn tăng gần gấp đôi.
Về kế hoạch kinh doanh, 3 tháng đầu năm, Pomina báo lỗ với doanh thu thuần đạt 1.645 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp này lỗ ròng 187 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 70 tỷ đồng.
Đáng chú ý, sau một năm đầy khó khăn, Pomina vẫn đặt mục tiêu năm 2023 đầy tham vọng với chỉ tiêu doanh thu thuần đạt 14.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ đến 1.080 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Pomina còn có kế hoạch phát hành cổ phiếu mới để tăng vốn chủ sở hữu, lành mạnh hóa trạng thái tài chính và bổ sung vốn lưu động để khởi động lại lò cao. Trước đó, vào quý 3 năm ngoái, công ty đã chủ động dừng hoạt động sản xuất lò cao để chuyển sang tập trung vào thế mạnh là lò điện nhằm tối ưu chi phí.