Người nổi tiếng là ai?

Một người ủ mầm, gieo trồng, rồi đưa gạo Việt Nam ra thế giới không thể có độ phủ sóng nhanh, rộng, mạnh bằng một người…đưa trái bóng vào cầu môn để lấy cúp vàng Đông Nam Á. Thế mới có chuyện thủ khoa… không bằng thủ môn, tiến sỹ không bằng … ca sỹ.

Hoa hậu Ý Nhi, một người "nổi tiếng" vừa vạ miệng lần thứ 2 sau 1 tuần đăng quang

Hoa hậu Ý Nhi, một người "nổi tiếng" vừa vạ miệng lần thứ 2 sau 1 tuần đăng quang

1. Cách đây chừng hơn chục năm, hồi còn làm việc ở một đài truyền hình, tôi phải giải quyết một thắc mắc muôn thuở, đó là trả lời về sự công bằng trong việc chi trả cát-xê cho khách mời tham dự các Game show.

Ngày nọ, một vị tiến sỹ đến tọa đàm về văn hóa truyền thống và ra về với thù lao 300 ngàn đồng. Ông rời trường quay với vẻ không vui, dù nội dung cuộc trao đổi trên sóng rất thú vị về mặt học thuật. Sau này, bằng cách nào đó, vị tiến sỹ nọ biết được bảng “niêm yết” cát xê dành cho khách mời của nhà đài. Có dịp gặp lại, ông thắc mắc tại sao các cậu mời hoa hậu, ca sỹ thì trả thù lao cao vậy mà mời chúng tôi lại thấp thế?

Câu hỏi của ông, ban đầu khiến tôi bị sốc. Bởi lẽ, lâu nay tôi cứ hình dung những nhà nghiên cứu khả kính hiếm khi nghĩ đến chuyện tiền bạc. Với họ, được chia sẻ kiến thức, vốn hiểu biết đến khán giả, cộng đồng mới là đích đến. Nhưng rồi, qua những lần trải nghiệm khác, đặc biệt là khi một nhà thơ nổi tiếng chất vấn: “Tôi làm một trường ca, mất cả năm trời, như con tằm rút ruột nhả tơ, các anh mời tôi đến bình luận, phân tích rồi trả thù lao không bằng một 1/10 ca sỹ hát một bài. Vấn đề không phải là bao nhiêu tiền, mà là sự bất công…”.

Nghe những lời gan ruột như thế, tôi thực sự bừng tỉnh. Thì ra bấy lâu nay, cái thước đo nổi tiếng chẳng theo bất kỳ tiêu chí nào cả. Chỉ có điều, nếu là người được quyết định trả thù lao cho khách mời, tôi cũng không thể làm khác được, bởi đó dường như là một thông lệ bất thành văn.

Trong tiếng Việt, thuật ngữ người nổi tiếng thường có hai nghĩa. Một là chỉ một cá nhân hay một nhóm người có danh tiếng và được công chúng thừa nhận một cách rộng rãi, với hệ quả trực tiếp là được các phương tiện truyền thông đại chúng chú ý đến. Họ có thể là các danh y, danh thủ, danh họa, danh ca, danh hài...

Hai là, người nổi tiếng nghĩa là người có danh tiếng bởi có công trạng với xã hội và được xã hội ghi nhận. Họ có thể là những nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa, nhà khoa học...

Theo đó, ca sỹ, hoa hậu hay nhà văn, giáo sư đều có thể trở thành người nổi tiếng nếu có công trạng với xã hội, được công chúng thừa nhận, được các phương tiện truyền thông chú ý. Vấn đề là tất cả những tiêu chí đó không dễ dàng lượng hóa, thiên về định tính. Thế nào là “xã hội ghi nhận”, thế nào “phương tiện truyền thông chú ý đến”?

2. Trong xã hội hiện nay, những thước đo như thế ngày càng lệch chuẩn. Sự nổi tiếng đôi khi không cần phải có công trạng, đóng góp hay học hàm, học vị, thành tích mà có thể bỗng dưng nổi tiếng chỉ… sau một đêm.

Một cô gái, hôm qua còn miệt mài đèn sách ở giảng đường, hôm nay bỗng chói lòa trên sân khấu. Nền “công nghiệp nhan sắc” với sự hỗ trợ đắc lực của truyền thông có thể dễ dàng hô biến một người có nhan sắc trở thành một hoa hậu. Mà khi đã có danh xưng, sự nổi tiếng càng nhân lên gấp bội. Tuổi trẻ, sự nổi tiếng quá nhanh dễ sinh ảo tưởng. Một con ếch khi ra khỏi miệng giếng cứ ngỡ tiếng mình to như tiếng hú của chúa tể sơn lâm.

Tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng. Xã hội muôn màu, tài năng của mỗi cá nhân cũng muôn vẻ và cần được trân trọng. Không ai đi đón rước thần đồng toán học như thần tượng âm nhạc. Một nhà khoa học có nhiều phát minh đôi khi không được chú ý bằng một diễn viên trẻ chuyên đóng vai “con giáp thứ mười ba” là điều không lạ.

Tin tôi đi, một người ủ mầm, gieo trồng, rồi đưa gạo Việt Nam ra thế giới không thể có độ phủ sóng nhanh, rộng, mạnh bằng một người… đưa trái bóng vào cầu môn để lấy cúp vàng Đông Nam Á. Thế mới có chuyện thủ khoa… không bằng thủ môn, tiến sỹ không bằng… ca sỹ.

3. Trên mạng xã hội đang xôn xao chuyện hoa hậu thế giới Việt Nam 2023 Ý Nhi một tuần sau đăng quang 2 lần dại miệng. Mới đây nhất tân hoa hậu thế giới Việt Nam thậm chí đã kể tên mình nổi tiếng ở Bình Định hơn cả vua Quang Trung và nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Rất nhiều người đã “ném đá” cô gái ngoài 20 tuổi, hiện đang là sinh viên nhưng có một điều chắc chắn, nếu hiểu “nổi tiếng” theo thông lệ, Ý Nhi đang nói đúng, nói thật. Chưa có một điều tra xã hội học, một cuộc khảo sát chính thức nào để minh chứng cho điều này nhưng nếu lấy những like, những view, những share, những comment trên mạng xã hội cùng tần suất dày đặc trên báo chí, hẳn là tân hoa hậu “nổi tiếng” hơn danh nhân và thi sỹ vốn đã được xã hội ghi công trạng như nghĩa tiếng Việt.

Nổi tiếng cũng có dăm bảy đường. Ngay cả trong giới giải trí, nếu lấy danh hiệu nghệ sỹ để đo xem ai nổi tiếng hơn ai cũng thật khó. Một nghệ sỹ nhân dân với nửa thế kỷ cống hiến cho nghệ thuật, từng giành nhiều huy chương, thành tựu cũng khó có thể so bì độ “nổi tiếng” so với một ca sỹ trẻ… kiêm hotgirl vừa vướng scandal.

Cát xê của sao hạng A gấp mấy lần sao hạng B nhưng tiêu chí nào để xếp hạng sao cũng không rõ ràng. Công nghệ giải trí, sự “phù phép” của truyền thông bằng nhiều chiêu trò khiến cho những giá trị truyền thống không còn nhiều… giá trị. Kỹ thuật thanh nhạc đôi khi không thể so kè với những… đôi chân biết hát là vì vậy.

4. Trở lại với hoa hậu Ý Nhi. Giờ đây cơn bão dư luận đang chĩa vào cô bằng những đợt sóng dữ từ bàn phím. Người ta thậm chí đã đòi tước vương miện, truất quyền dự thi hoa hậu thế giới của nữ sinh đất Võ. Nhưng trong một thế giới giải trí hỗn loạn như hiện nay, biết đâu đó lại là chiêu trò của các nhà tổ chức hoa hậu?

“Nổi tiếng” bằng cách… quen mặt trên thế giới ảo chẳng phải là cách mà nhiều sao Việt đã làm, đã đi và đạt được những thành công theo cách của họ đó sao?

Hoa hậu trước tới giờ đa số dính với thị phi. Hay thị phi là một phần của những cuộc so kè nhan sắc. Quyền trượng càng cao thị phi càng lớn. Vấn đề là nếu những nhà tổ chức xem những cuộc thi sắc đẹp thực sự là một hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ thì họ và chính những hoa hậu, á khôi sẽ có cách để bảo vệ giá trị của mình. Bằng không nếu tràn lan hoa hậu như hiện nay thì “bôi thêm một chút mỡ cho kiến đốt” để “nổi tiếng” cũng chẳng hề gì.

Còn công chúng, có lẽ cũng cần phải chuẩn bị cho mình một tâm thế bình thản trước những sự kiện như thế. Rằng hoa hậu chẳng đại diện cho vẻ đẹp phụ nữ của một quốc gia mà đơn giản đó chỉ là người đoạt giải nhất một cuộc thi mà thôi. Phải làm sao để những trò như thế đừng trở thành một “cây đu”, một chiếc “cột mỡ” cho anh leo, chị nhún.

* Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả

Quang Duy

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/nguoi-noi-tieng-la-ai-d192805.html