Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập công đoàn

Ngày 27/11, với 443/456 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) trước khi Quốc hôi biểu quyết thông qua dự thảo Luật.

Theo đó, về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn (Điều 5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Công đoàn là “tổ chức chính trị-xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động”, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, do vậy, việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn cần phải được quy định bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật nhưng cũng phải bảo đảm thu hút người lao động, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, đáp ứng với đòi hỏi thực tiễn của quá trình phát triển. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý tại Điều 5 của dự thảo Luật về việc thành lập, gia nhập Công đoàn của người lao động Việt Nam và việc gia nhập Công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm có giải pháp đồng bộ, phát huy bản chất, vai trò, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn, tổ chức Công đoàn trong kỷ nguyên mới như ý kiến đại biểu Quốc hội.

Theo dự thảo Luật quy định: Người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở; Việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Liên quan đến việc có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ hơn về điều kiện gia nhập công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng: Khoản 5 Điều 4 quy định “Cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm, chỉ định để thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn”, bao gồm cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách. Đối với người lao động là công dân nước ngoài khi gia nhập Công đoàn thì không được ứng cử, nhận đề cử làm cán bộ công đoàn và chỉ hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở.

Bà Nguyễn Thúy Anh giải trình trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)

Bà Nguyễn Thúy Anh giải trình trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)

Tại Khoản 7 Điều 10 cũng quy định cấm “Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân”. Khoản 3 Điều 5 quy định “Việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Từ những phân tích trên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các điều kiện tự nguyện, tán thành tôn chỉ, mục đích của Công đoàn hay thời gian cư trú tại Việt Nam sẽ được quy định cụ thể tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam và do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn cụ thể. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Đối với việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (Điều 6), tiếp thu ý kiến của đại biểu, đề xuất của Cơ quan soạn thảo và tiếp thu ý kiến của Chính phủ, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong công tác chỉ đạo toàn hệ thống Công đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng bổ sung thẩm quyền của công đoàn ngành trung ương và tương đương trong việc công nhận tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam tại khoản 2 và chỉnh lý khoản 3 Điều 6.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Cần thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, có giải pháp phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện; Bổ sung quy định trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam về các điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình thẩm tra, xác minh chặt chẽ tính hợp pháp, tuân thủ pháp luật của tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp cũng như tư cách và điều kiện của các thành viên khi gia nhập Công đoàn.

Giải trình về việc có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về địa vị pháp lý của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp khi gia nhập Công đoàn Việt Nam, tổ chức này có phải giải thể, tổ chức lại, thay đổi vị trí, chức năng, nhiệm vụ hay không?, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng: Điểm a khoản 3 Điều 6 quy định rõ khi gia nhập Công đoàn Việt Nam thì tổ chức này đương nhiên chấm dứt hoạt động với tư cách tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và không còn tồn tại tổ chức này; Khoản 4 Điều 6 quy định mang tính nguyên tắc và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc gia nhập Công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; Nội dung như ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu còn được Chính phủ sẽ quy định chi tiết theo quy định tại khoản 2 Điều 172 của Bộ luật Lao động năm 2019. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

“Về giám sát của Công đoàn (Điều 16), Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để các quy định của dự thảo Luật rõ ràng, mạch lạc dễ hiểu, dễ thực hiện và tránh việc hiểu giám sát của Công đoàn như giám sát mang tính quyền lực nhà nước, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật (trong đó có Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý mạch lạc, rõ ràng và dễ hiểu hơn tại Điều 16 ở khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 và điểm e khoản 7”-bà Anh giải trình.

Quang Vinh, Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-nuoc-ngoai-lam-viec-tai-viet-nam-co-hop-dong-lao-dong-tu-du-12-thang-tro-len-duoc-gia-nhap-cong-doan-10295357.html