Quốc hội thông qua Luật Phòng không nhân dân
Ngày 27/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân (PKND) với 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội đã báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân.
Theo ông Tới, về nhiệm vụ phòng không nhân dân (Điều 5) có ý kiến đề nghị bổ sung quy định phạm vi quản lý trên 5.000m để đảm bảo tình hình an ninh, trật tự, quốc phòng tại địa phương; ý kiến khác đề nghị quy định PKND ở độ cao dưới 3.000m vì vũ khí trang bị cho lực lượng PKND không thể tiêu diệt mục tiêu ở độ cao trên 5.000m.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật quy định lực lượng PKND tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m là dựa trên cơ sở nhiệm vụ, vũ khí, trang bị được biên chế, khả năng tác chiến của lực lượng PKND và quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không. Hiện nay, lực lượng PKND đã được trang bị vũ khí có tầm bắn trên 5.000m; được trang bị các phương tiện trinh sát phòng không đủ khả năng quan sát, phát hiện được mục tiêu ở độ cao dưới 5.000m. Vì vậy lực lượng PKND đủ khả năng tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định phạm vi quản lý ở độ cao dưới 5.000m.
Liên quan đến có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn tiêu chí trọng điểm PKND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Việc xác định trọng điểm PKND là trên cơ sở các vị trí mục tiêu trọng yếu cần phải bảo vệ hoặc hướng chủ yếu địch đổ bộ đường không hoặc tiến công đường bộ. Việc xác định trọng điểm PKND nhằm mục đích xác định phương án bố trí lực lượng, trận địa phòng không, xác định trách nhiệm của từng cấp trong thực hiện nhiệm vụ PKND để quản lý, bảo vệ các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh, bảo đảm sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến phòng không khi có tình huống xảy ra. Nếu xác định tiêu chí cụ thể trong Luật sẽ ảnh hưởng đến yếu tố bí mật của quyết tâm tác chiến phòng thủ. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không quy định cụ thể về tiêu chí trọng điểm PKND.
Về cơ quan chỉ đạo phòng không nhân dân (Điều 9) có ý kiến đề nghị nhập khoản 2 vào điểm b khoản 1 và sửa lại là: “Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ chỉ đạo về PKND là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo PKND Trung ương, Cơ quan quân sự các cấp là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo PKND cùng cấp ở địa phương”.
Ông Tới giải trình rằng: Quy định như trong dự thảo Luật để bảo đảm tách bạch giữa Cơ quan chỉ đạo và Cơ quan thường trực tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo PKND các cấp; phù hợp với Nghị định số 74/2015/NĐ-CP và không có vướng mắc. Đồng thời, để đảm bảo rõ hơn, UBTVQH đã bổ sung khoản 2 quy định: “Ban Chỉ đạo PKND được tổ chức ở trung ương, quân khu và ở địa phương. Ban chỉ đạo PKND các cấp có nhiệm vụ tham mưu, giúp Cơ quan chỉ đạo PKND cấp tương ứng.” như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Đối với tổ chức lực lượng phòng không nhân dân (Điều 13), có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định tại khoản 1 để phù hợp khả thi, không gia tăng chi phí tuân thủ và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các doanh nghiệp; rà soát các khoản điểm để quy định chặt chẽ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Hiện nay, một số cơ quan, tổ chức doanh nghiệp có tổ chức lực lượng tự vệ đã tổ chức lực lượng tự vệ phòng không, có trang bị, quản lý, hướng dẫn về PKND của cơ quan quân sự địa phương. Quy định về tổ chức lực lượng PKND trong các doanh nghiệp tại dự thảo Luật nhằm bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho lực lượng tự vệ, không làm phát sinh chi phí tuân thủ; đồng thời, việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện lực lượng này gắn liền với việc huấn luyện tự vệ của doanh nghiệp. Dự thảo Luật quy định chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào có tổ chức lực lượng tự vệ thì tổ chức lực lượng PKND ở đó. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý các khoản điểm cho thống nhất như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Về cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác (Điều 30), có ý kiến đề nghị cần xác định tầm nhìn trực quan bằng mắt thường ở một người bình thường có khoảng cách trung bình là bao nhiêu để quy định chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể hơn.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phương tiện bay có trọng lượng cất cánh dưới 0,25 kg là phương tiện bay siêu nhỏ, độ cao bay thực tối đa không quá 50 mét, tốc độ bay ở mức tối đa không quá 40 km/h và thiết bị phát sóng vô tuyến đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tầm ngắn sử dụng công suất nhỏ, là phương tiện bay được điều khiển bằng tay, chủ yếu phục vụ mục đích vui chơi giải trí (người điều khiển phải nhìn thấy phương tiện bay bằng mắt thường để điều khiển); đồng thời, khoản 4 dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không quy định cụ thể nội dung này trong dự thảo Luật.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quoc-hoi-thong-qua-luat-phong-khong-nhan-dan-10295355.html