Người nuôi tôm ở Vĩnh Linh đối mặt với nhiều khó khăn

Bước vào vụ nuôi năm nay, nông dân các xã vùng nuôi tôm trọng điểm ở huyện Vĩnh Linh là Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm và Hiền Thành đối mặt với nhiều khó khăn do chất lượng nguồn nước không đảm bảo.

Người nuôi tôm ở xã Vĩnh Sơn sử dụng vôi và các chất vi sinh để xử lý nước trong ao nuôi - Ảnh: ANH QUÂN

Người nuôi tôm ở xã Vĩnh Sơn sử dụng vôi và các chất vi sinh để xử lý nước trong ao nuôi - Ảnh: ANH QUÂN

Khác với vụ nuôi những năm trước, năm nay trên diện tích khoảng 4.000 m2 , ông Trần Văn Phú, ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh chỉ thả gần 4 vạn con tôm giống thay vì khoảng 10 vạn con như trước đây.

“Tui không dám thả nhiều giống vì năm ni nguồn nước từ sông Sa Lung bị nhiễm bẩn, bơm vô hồ xử lý qua lắng lọc, vôi, các chất vi sinh nhưng cũng thấy không an toàn vì nước ở màng lọc có màu đen, bốc mùi hôi thối như phân heo. Thả nuôi một nửa giống so với mọi năm, lỡ tôm chậm lớn hoặc nhiễm bệnh chết thì thiệt hại cũng đỡ hơn”, ông Phú nói.

Đây cũng là thực trạng chung của không ít người nuôi tôm ở xã Vĩnh Sơn, nơi được xem là “thủ phủ” nuôi tôm của huyện Vĩnh Linh với khoảng 170 ha thâm canh tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Bước vào vụ tôm năm nay, nhiều người nuôi tôm ở Vĩnh Sơn không thể lấy nước để thả giống theo khung lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT do nguồn nước từ sông Sa Lung, sông Bến Hải bị nghi ngờ ô nhiễm nghiêm trọng. Vào thời điểm gần trưa và giữa chiều, nước sông có nhiều màu khác nhau, mặt nước nhiều bọt bẩn, một số loài thủy sản nổi lờ đờ dạt vào bờ sông. Người dân nhận định, nguyên nhân có thể là do chất thải của các gia trại chăn nuôi gia súc, chất thải từ những nhà máy chế biến mủ cao su đầu nguồn chảy về làm ô nhiễm nguồn nước.

Không thả giống nuôi theo lịch thời vụ thì tiềm ẩn nhiều rủi ro do gặp mưa lũ cuối vụ vào tháng 9, tháng 10 nên không ít hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Sơn đã bơm nước, xử lý qua lắng lọc để tiến hành nuôi nhưng nỗi lo về một vụ tôm thất bại vẫn hiện hữu.

“Lo ngại chất lượng nguồn nước không đảm bảo nên có hộ không dám bơm nước, “treo” hồ nhưng những hồ đã thả giống nuôi như tôi thì luôn canh cánh nỗi lo tôm chết dẫn đến nợ nần. Mong muốn là các cấp chính quyền sớm có giải pháp để người nuôi tôm được thuận lợi, an toàn”, ông Ngô Quang Huyền, ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn nói.

Không chỉ ở Vĩnh Sơn, tại các vùng nuôi tôm ở xã Hiền Thành, Vĩnh Lâm chất lượng nguồn nước không đảm bảo cũng khiến nông dân rất lo lắng. Đơn cử như ở Hợp tác xã Nuôi trồng Thủy sản Vĩnh Thành (xã Hiền Thành) có 70 ha nuôi tôm của 122 thành viên nhưng hiện nay mới chỉ có khoảng 30% diện tích được thả nuôi, số diện tích còn lại người dân chưa bơm nước hoặc đã bơm và xử lý nước nhưng chưa dám thả nuôi.

Bà Nguyễn Thị Anh, ở thôn Liêm Công Phường cho hay: “Không nuôi tôm thì không biết làm việc chi mà nuôi thì quá lo vì chất lượng nguồn nước không đảm bảo. Mấy năm nay, bà con nuôi tôm đã gặp không ít trở ngại đến vụ ni thấy khó khăn càng chồng chất hơn”.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng Thủy sản Vĩnh Thành Lê Minh Dục, khi thấy chất lượng nước sông Bến Hải có vấn đề, hợp tác xã đã 3 lần dừng cấp nước và khuyến cáo bà con đối với những hồ đã lấy nước thì phải chú trọng khâu lắng lọc, xử lý; chỉ khi nước đạt được các thông số an toàn mới tiến hành thả giống nuôi.

Vậy chất lượng nguồn nước ở vùng nuôi tôm của huyện Vĩnh Linh như thế nào? Ngày 15/4/2023, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh thông tin, vùng trọng điểm nuôi tôm của huyện ở 3 xã Vĩnh Sơn, Hiền Thành, Vĩnh Lâm, có tổng diện tích khoảng 250 ha không thể bơm nước vào ao nuôi để thả giống theo khung lịch thời vụ do nguồn nước từ nhánh sông Sa Lung, sông Bến Hải bị nghi ngờ ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngày 17/4/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND xã Vĩnh Sơn tiến hành lấy 4 mẫu nước, trong đó 2 mẫu trên sông chính Sa Lung, 1 mẫu trên sông nhánh Sa Lung (khe Bảo Đài); 1 mẫu nước tại kênh cấp nước cho khu vực nuôi tôm Phan Hiền; UBND xã Vĩnh Sơn bàn giao 1 mẫu nước sông lấy ngày 4/4/2023, tại điểm giao giữa sông Sa Lung và sông Bến Hải.

Đến cuối tháng 4/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản thông báo, 3/5 mẫu nước trên có các thông số vượt giới hạn B1 của QCVN 08 - MT: 2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt).

“Chất lượng nguồn nước phục vụ nuôi tôm không đảm bảo đã gây nhiều khó khăn cho người nuôi tôm địa phương. Để đảm bảo sinh kế, thu nhập cho bà con, chính quyền địa phương mong muốn các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh thường xuyên kiểm soát, kiểm tra việc xả thải của các cơ sở sản xuất, chăn nuôi ở đầu nguồn sông Sa Lung, đồng thời có giải pháp để kịp thời xử lý nguồn nước đảm bảo chất lượng cho việc nuôi tôm của người dân thuận lợi, an toàn”, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng kiến nghị.

Toàn huyện Vĩnh Linh hiện có trên 250 ha nuôi tôm. Nhiều năm qua người nuôi tôm ở địa phương này đã đối mặt với nhiều rủi ro do dịch bệnh, thiên tai. Vào vụ tôm năm nay, nỗi lo thêm chồng chất đối với bà con vì chất lượng nguồn nước không đảm bảo.

Anh Quân

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/nguoi-nuoi-tom-o-vinh-linh-doi-mat-voi-nhieu-kho-khan/176691.htm