Người ở tuyến đầu chống dịch sốt rét

Mẹ Vi Kim Ngọc của tôi khi đang công tác tại bộ môn Ký sinh trùng - Trường Đại học Y Dược đã tham gia trực tiếp chương trình chống sốt rét toàn diện và quy mô chưa từng có ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1950-1960.

Những chuyến đi điều tra muỗi ở vùng dịch, những bức vẽ minh họa khoa học về muỗi của bà không chỉ góp phần đẩy lùi bệnh sốt rét ở nước ta mà còn đóng góp thiết thực cho ngành ký sinh trùng buổi khởi đầu.

Lặn lội tìm muỗi

Khi 4 chị em chúng tôi đã tự phục vụ sinh hoạt của mình thì mẹ Vi Kim Ngọc bắt đầu ra làm việc xã hội. Từ trình độ văn hóa cao đẳng tiểu học, mẹ tôi đã học xong phổ thông trung học và theo học khóa đào tạo chuyên ngành ký sinh trùng và nhận bằng tốt nghiệp y sĩ. Mẹ tôi được Giáo sư (GS) Đặng Văn Ngữ giữ lại làm việc tại Trường Đại học Y Dược và dìu dắt để bước vào con đường nghiên cứu khoa học.

Thời kì đó, bệnh sốt rét hoành hành ở Việt Nam, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người dân. Công tác điều tra nắm tình hình dịch bệnh và điều trị bệnh sốt rét trở nên vô cùng cấp bách. Năm 1957, Viện Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng được thành lập do GS Ngữ làm Viện trưởng. Từ năm 1957 đến năm 1962, tiến hành khảo sát, điều tra toàn diện bệnh sốt rét trên toàn miền Bắc Việt Nam.

Bà Vi Kim Ngọc trong phòng thí nghiệm.

Bà Vi Kim Ngọc trong phòng thí nghiệm.

Cuối năm 1962, Chính phủ Việt Nam đã thông qua chương trình tiêu diệt bệnh sốt rét trong 3 năm. Chủ tịch Ủy ban Tiêu diệt sốt rét Trung ương lúc bấy giờ là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Viện trưởng Đặng Văn Ngữ là chủ nhiệm chương trình, trực tiếp chỉ đạo. Cuối năm 1962 tất cả các tỉnh thành đến các huyện xã đều có ủy ban tiêu diệt sốt rét của địa phương.

Mẹ tôi lúc đó đang làm việc ở phân môn Côn trùng – Tiết túc, thuộc bộ môn Ký sinh trùng do GS Ngữ là Trưởng bộ môn, được giao công tác tại phòng thí nghiệm thực hành của Trường Đại học Y Dược, trong đó có nhiệm vụ minh họa khoa học về các loại muỗi trong các sách, tài liệu khoa học.

Để có những tiêu bản muỗi phục vụ cho việc minh họa, mẹ tôi phải đi nghiên cứu muỗi thực tế ở các địa phương và tự tay bắt muỗi vào các thời điểm trong ngày. Mẹ tôi thường đi cùng sinh viên hoặc các cán bộ kỹ thuật, chia ra thành các kíp bắt muỗi. Mỗi kíp sẽ có 2 người, một người ở vị trí nhử muỗi đốt, một người làm nhiệm vụ bắt muỗi.

Cuối những năm 1950, tôi hay được mẹ cho đi cùng trong những chuyến công tác. Có lần, mẹ chở tôi bằng xe đạp đến làng Đại Từ, Giáp Bát. Trong trí nhớ của tôi, làng ở xa trung tâm Hà Nội, đường về làng rất xa và khó đi. Mẹ lóc cóc đạp xe chở tôi, vừa đi vừa kể chuyện, mãi mới đến nơi.

Tôi khi đó là một chú bé 13 tuổi, cứ đi theo và quan sát cách mẹ làm. Mẹ đến những khu vực muỗi hay trú như ngoài vườn, góc nhà, thậm chí cả ở chuồng nuôi gia súc, bụi rậm, hồ ao thả bèo mẹ để quan sát muỗi. Chỗ nào tối quá mẹ soi đèn pin tìm nơi muỗi đậu. Mẹ ngồi yên ở những vị trí đó, để tay trần cho muỗi đốt. Để bắt được muỗi thì mẹ phải để muỗi đốt sâu, ngứa cũng không dám cử động vì sợ muỗi bay mất.

Một người khác từ từ dùng ống nghiệm bắt muỗi làm tiêu bản. Những chuyến đi như thế diễn ra vài ngày, mẹ con tôi cùng đoàn công tác ăn ngủ tại làng. Tôi đã từng được mẹ giảng giải cách làm chết muỗi, có thể dùng hơi ête hoặc đặt muỗi trong một ống thủy tinh phơi ra nắng, tập trung ánh sáng mặt trời vào muỗi bằng một thấu kính, như vậy muỗi sẽ chết, cánh và chân duỗi ra, dễ quan sát.

“Chiến lợi phẩm” sau chuyến công tác của mẹ - những ống nghiệm đựng muỗi sẽ được đưa vào phòng thí nghiệm để khảo tả, phân loại và phân tích từng loại muỗi. Mẹ tôi còn hớt bọ gậy, nuôi con quăng thành muỗi để quan sát vòng sinh trưởng.

Không chỉ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, mẹ có mặt trong đoàn công tác của GS Ngữ đến các vùng tâm dịch sốt rét, mang theo lỉnh kỉnh dụng cụ gồm kính hiển vi, bình bơm, túi thuốc, hóa chất... Các phương pháp diệt muỗi phòng dịch sốt rét như phun thuốc DDT, hun khói 10 loại thảo mộc cũng đã được nhóm công tác thử nghiệm và triển khai thành công.

Day dứt khi chứng kiến người dân bị nhiễm kí sinh trùng sốt rét và đổ bệnh hàng loạt, nhiều người tử vong, mẹ lao vào công việc bất kể ngày đêm. Mẹ dẫn sinh viên đi bắt muỗi và bọ gậy, nắm tình hình tại các địa phương.

Đi đến đâu đoàn cũng ra sức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện ăn sạch, uống sạch, ở sạch để đẩy lùi bệnh sốt rét. Những cố gắng đó đã góp phần tạo nên kết quả đáng mừng. Đến cuối năm 1964, bệnh sốt rét đã bị đẩy lùi xuống còn 20%, trong khi trước đó có những vùng nông thôn, miền núi nước ta tỷ lệ sốt rét chiếm tới 90-100% dân số.

Vì nghiên cứu sâu về kí sinh trùng, hiểu được sự nguy hiểm của muỗi, giun sán, nên mẹ đã rèn nền nếp giữ vệ sinh sạch sẽ cho chị em tôi ngày từ bé. Những thao tác như đeo khẩu trang, rửa tay, che miệng khi hắt hơi, chúng tôi đã từng được mẹ hướng dẫn tỉ mỉ.

Giai đoạn đó, bố tôi – GS Nguyễn Văn Huyên rất bận, nhưng vẫn thường chú ý đến các hoạt động của mẹ. Biết mẹ tôi vất vả, bố tôi luôn động viên mẹ tập trung làm việc cho tốt. Mấy chị em tôi quen dần với việc ở nhà tự lo liệu mọi việc khi cả bố và mẹ đều đi công tác triền miên.

Chuyến đi mạo hiểm nhất của mẹ là chuyến điều tra muỗi ở đảo Bạch Long Vỹ. Đường ra đảo ngày ấy khó khăn nguy hiểm do chiến tranh bom đạn và phương tiện thô sơ, lại không có bất cứ một phương tiện nào để liên lạc về gia đình.

Mẹ Ngọc của tôi có tiền sử chảy máu dạ dày, dù biết ra đảo không có cơ sở y tế, sinh hoạt thất thường thì sẽ rất nguy hiểm nếu bệnh tái phát mà không được cấp cứu kịp thời, nhưng mẹ vẫn quyết tâm theo đoàn công tác.

Sự gan lì này của mẹ có lẽ đã truyền sang cho chị gái Nguyễn Kim Nữ Hiếu của tôi (sau này chị tôi là Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Năm 1972, chị tôi biết chị có bầu nhưng vẫn giấu mọi người và xung phong đi chiến trường Quảng Trị. Sau này chị chia sẻ rằng nếu không đi đợt ấy thì sẽ không có cơ hội vào chiến trường những ngày ác liệt. Vậy là trong suốt thời kỳ mang thai, chị tôi ở chiến trường, trèo đèo lội suối không ngại gian khổ. Đến lúc bụng to mới trở ra Bắc.

“Đứa trẻ chiến trường” đó chính là con trai cả của chị - bác sĩ, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – hiện đang là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Họa sĩ đặc biệt

Mẹ tôi có khiếu hội họa, lại được học vẽ từ nhỏ. Chính điều này đã giúp ích cho mẹ trong công tác khoa học.

Bản vẽ về muỗi của bà Vi Kim Ngọc.

Bản vẽ về muỗi của bà Vi Kim Ngọc.

Sau những chuyến đi điều tra thực tế, mẹ mang muỗi về phòng thí nghiệm làm tiêu bản, soi, vẽ, phân loại, định dạng các loại muỗi, phát hiện ra loại muỗi mới ở Việt Nam. Các bức vẽ của bà chính xác đến từng đốm đen trên lưng muỗi, độ dài của chân, của cánh, màu sắc từng bộ phận, đặc điểm của muỗi cái, muỗi đực, tư thế khi muỗi đốt,…

Mẹ dành nhiều tâm huyết cho việc minh họa khoa học này. Mỗi bản vẽ bà đều ghi chi tiết các thông tin: tên loại muỗi, giới tính, địa điểm và thời gian bắt muỗi, thời gian vẽ muỗi. Mẹ tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng nét vẽ, cả việc tô màu cho từng chi tiết nhỏ. Mẹ tập trung cả tuần để hoàn thiện một bức vẽ về một loại muỗi, nhìn sống động giống như từ điển bằng hình ảnh.

Những bản vẽ muỗi trở thành giáo cụ trực quan sinh động để giảng dạy cho sinh viên Đại học Y Dược trong giai đoạn chuyện dạy và học còn trăm bề thiếu thốn. Không chỉ thế, với mỗi loại muỗi, mẹ tôi còn phổ biến về khu vực trú ngụ, cách thức sinh sản và tác hại của muỗi đã làm bài giảng thêm sinh động, đan cài lý thuyết với thực nghiệm.

Để những bức vẽ bền đẹp, mẹ Ngọc kì công dán bức vẽ lên tấm vải màn đã được quét hồ để tránh nhàu nát, sử dụng được lâu hơn. Vì thế những bức vẽ được mang theo trong nhiều chuyến công tác, những lần đi sơ tán nhưng vẫn không bị rách. Đến nay, các bức vẽ đã ngả màu nhưng vẫn giữ nguyên được độ sắc nét, tinh tế.

Nhiều hình vẽ của mẹ Ngọc đã được sử dụng trong sách giáo khoa sinh học, sách chuyên khảo thời kỳ đó. Trong đó, đáng chú ý là hai cuốn sách ghi dấu ấn về giai đoạn nghiên cứu về kí sinh trùng sốt rét của GS Đặng Văn Ngữ.

Cuốn “Muỗi Culicinae ở nội ngoại thành Hà Nội” của Trường Đại học Y Dược xuất bản năm 1961, đã thống kê khu vực nội ngoại thành Hà Nội lúc đó có 37 loại muỗi khác nhau, trong đó có trên 20 loại truyền bệnh sốt rét – dịch bệnh phổ biến giai đoạn đó. Cuốn “Ký sinh trùng học” – là kết quả của quá trình điều tra về ký sinh trùng và chữa bệnh ký sinh trùng.

Cả hai cuốn sách đều giải quyết vấn đề có tính thời sự, cấp bách lúc đó. Với những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu dịch tễ thể hiện trong hai cuốn sách trên, GS Đặng Văn Ngữ đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực y học lần thứ nhất năm 1996 (29 năm sau thời điểm GS Ngữ hy sinh trong một trận bom B52 tại miền Tây huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế khi đang đi nghiên cứu về bệnh sốt rét).

Mẹ tôi – Người phụ nữ xuất thân danh gia vọng tộc nhưng có cách nghĩ và lối sống chan hòa cùng quần chúng nhân dân.

Trải qua bao thăng trầm công tác, mẹ tôi luôn tự hào vì đã cùng các y bác sĩ xây dựng nhiều tài liệu quý cho công việc nghiên cứu khoa học và giảng dạy của Bộ môn Ký sinh trùng, có đóng góp không nhỏ vào hoạt động dịch tễ ngay sau hòa bình lập lại.

Mẹ còn tham gia nghiên cứu về nấm gây bệnh và nấm kháng sinh, nấm dinh dưỡng. Bà dành thời gian tìm hiểu công dụng chữa bệnh về da, về tóc của các loại lá cây dân gian như lá trầu không…

Từ cuộc đời của mẹ, chúng tôi hiểu thêm được công tác “chống dịch như chống giặc”, những hy sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ nơi tâm dịch để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Huyền Châm (Ghi theo lời kể của PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Nguyên GĐ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam)

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/nguoi-o-tuyen-dau-chong-dich-sot-ret-583387/