Người phụ nữ 33 tuổi đau nhức, biến dạng mặt sau 1 năm 'tiêm má baby'

Nhiễm trùng, áp xe má do tiêm chất làm đầy filler là tình trạng của một khách hàng nữ 33 tuổi ở Hậu Giang.

Đó là sự cố xảy ra đối với chị H.T.K.Q. (33 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang), và chị phải đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) trong tình trạng có khối sưng vùng má phải khoảng 10 ngày. Khai thác tiền sử, chị này có “tiêm má baby” bằng filler cách đây 2 năm tại 1 cơ sở làm đẹp.

Vùng má của bệnh nhân bị nhiễm trùng, áp xe.

Vùng má của bệnh nhân bị nhiễm trùng, áp xe.

Trước đó, chị này được giới thiệu là “tiêm má baby” sẽ khắc phục những khuyết điểm khuôn mặt như: má hóp, má lõm sâu, gò má cao, mặt gầy hốc hác… tạo khuôn mặt bầu bĩnh, phúc hậu và đáng yêu hơn.

>

Nhưng sau khi tiêm 1 năm, vùng má phải của chị bị sưng, xẹp nhiều lần. Cách nhập viện 10 ngày, khối sưng lớn nhiều, gây đau nhức, biến dạng mặt nên đến khám.

Qua quá trình thăm khám, bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp nhiễm trùng muộn vùng mặt sau tiêm chất làm đầy filler. Nếu không được xử trí kịp thời, ổ áp xe có thể lan rộng gây viêm mô tế bào vùng mặt, hoặc vỡ ra gây sẹo xấu, để lại hậu quả nặng nề về thẩm mỹ .

Trước thủ thuật, người bệnh được siêu âm, đánh giá mức độ lan rộng của ổ nhiễm trùng, bác sĩ tiến hành rạch khối áp xe vùng má phải qua đường rạch nhỏ khoảng 7 mm trùng nếp nhăn da vùng góc hàm phải để giấu sẹo, hút ra nhiều dịch mủ vàng lợn cợn, vài khối vón cục.

Ổ áp xe được đặt dẫn lưu, bơm rửa mỗi ngày kết hợp điều trị kháng sinh, kháng viêm, giảm đau. Sau 5 ngày điều trị, người bệnh được rút dẫn lưu và khâu đóng.

Khuôn mặt bệnh nhân trước và sau khi điều trị (ảnh phải).

Khuôn mặt bệnh nhân trước và sau khi điều trị (ảnh phải).

Theo BS Võ Hồng Phúc, Khoa Liên chuyên khoa - Điều trị trong ngày (Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long) thì tiêm filler là 1 trong những kỹ thuật làm đẹp phổ biến hiện nay.

Ngay sau tiêm, chất gel filler này sẽ làm đầy những nếp nhăn để làn da căng hơn ở các vị trí như khóe miệng, trán, đuôi mắt hoặc dùng để độn môi, cằm, tạo đường cong, làm thẳng sống mũi, làm đầy vùng ngực, mông… mà không phải đụng đến dao kéo.

Tuy đây là kỹ thuật ít xâm lấn, không cần nghỉ dưỡng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro do chất lượng của các loại filler trôi nổi rất khó kiểm chứng. Bên cạnh đó, tiêm sai kỹ thuật vẫn có nguy cơ xảy ra các biến chứng như tắc mạch, nhiễm trùng…

Các trường hợp tai biến trong tiêm filler thường là do chọc mũi tiêm trúng vào mạch máu gây tắc mạch , nguy hiểm hơn nếu tắc động mạch trung tâm võng mạc gây mù mắt .Những ca tai biến này phải điều trị kéo dài, rất khó khăn, không thể phục hồi khuôn mặt như ban đầu mà sẽ để lại sẹo vĩnh viễn, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ.

Và việc tiêm filler ở một số cơ sở nếu không đảm bảo quy trình thực hiện vô trùng, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, suy đa tạng và tử vong.

Ngoài ra còn có thể gây biến chứng khác như vón cục chất làm đầy. Bởi một số sản phẩm chất làm đầy có nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng kém, có thể gây viêm da kích ứng hay làm vón cục trên mặt tạo thành nhiều nốt cứng dưới da.

Người tiêm còn có thể bị sốc phản vệ khi các chất làm đầy này khi đưa vào cơ thể có nguy cơ gây phản ứng sốc phản vệ dẫn đến tử vong…

Vì những lý do trên, khách hàng nên đến các cơ sở thẩm mỹ uy tín để được khám và tư vấn kỹ các sản phẫm làm đẹp phù hợp giúp đạt hiệu quả làm đẹp an toàn và thẩm mỹ.

Thanh Ngọc

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguoi-phu-nu-33-tuoi-dau-nhuc-bien-dang-mat-sau-1-nam-tiem-ma-baby-d538714.html