Người phụ nữ 70 năm gìn giữ hương sắc cho một nét đẹp Hà Nội xưa

Hoa gói thắp hương (nhang) là nét đẹp tao nhã, đời thường của người Hà Nội xưa. Các cụ quan niệm rằng người âm nhận tấm lòng của người dương qua hương hoa chứ không phải qua mâm cỗ. Chính vì thế, vào những ngày rằm, mùng một hay dịp lễ tết gia đình nào cũng sẽ bày lên bàn thờ một đĩa hoa gói để cũng gia tiên.

Ngày rằm đi chợ mua hoa…

Hà Nội của 6-7 thập niên trước, người ta thường có câu “Ngày rằm đi chợ mua hoa/Phải chờ đến gánh Ngọc Hà mới mua,” bởi hoa của người làng hoa Ngọc Hà bán thì thường đẹp và tươi. Và người dân làng Ngọc Hà luôn tự hào vì đĩa hoa cúng là đặc sản riêng của địa phương này mà không nơi nào có.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại hơn đã khiến con người dần quên đi một số nét đẹp văn hóa truyền thống. Nhiều người dân Hà Thành, nhất là các bạn trẻ có lẽ chưa từng biết đến sự tồn tại của đĩa hoa gói cúng gia tiên. Trên bàn thờ tuần rằm, mùng một hay những ngày lễ tết, đã không còn xuất hiện những gói hoa bày trên đĩa được chăm chút tỉ mỉ nữa, thay vào đó là những loại hoa hiện đại có mùi hương nhân tạo được cắm vào lọ, lúc tàn sẽ bỏ đi. Dẫu biết loài hoa nào dâng lên cũng thể hiện thành ý, thành tâm của gia chủ, nhưng khi nhìn vào không khỏi khiến chúng ta có chút chạnh lòng.

Hàng hoa bà Phan Thị Thu chỉ bày bán những loại hoa truyền thống.

Hàng hoa bà Phan Thị Thu chỉ bày bán những loại hoa truyền thống.

Nhưng ngay nơi ồn ào nhất bên chợ Đồng Xuân, tại số 21 phố Hàng Khoai, chúng ta dễ dàng bắt gặp được người phụ nữ nâng niu nét đẹp hoài cổ ấy. Bà Phan Thị Thu năm nay 84 tuổi, người gốc làng Ngọc Hà xưa – nay thuộc phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội). Dáng người gầy gầy, bóng lưng gù của cụ bà hàng hoa gói không còn xa lạ với người dân nơi đây. Quanh năm suốt tháng, bất kể dù nắng hay mưa, bà vẫn theo đuổi cái nghề hằng ngày. Hà Nội 12 mùa hoa thì cũng từng ấy mùa bà cần mẫn bên con phố nhỏ.

Tuổi cao sức yếu, con cái đều bảo bà nghỉ ngơi, nhưng vì yêu cái nghề, cũng như muốn lưu giữ lại nét đẹp truyền thống của người Hà Nội xưa, nên bà vẫn cần mẫn bán hoa hàng ngày. Chỉ khi những lúc đau ốm không thể ra chợ, bà mới nhờ đến các chị con dâu ra bán hộ.

Bà Phan Thị Thu năm nay 84 tuổi nhưng đã có hơn 70 năm gắn bó với nghề. Ảnh: Lao động Thủ đô

Bà Phan Thị Thu năm nay 84 tuổi nhưng đã có hơn 70 năm gắn bó với nghề. Ảnh: Lao động Thủ đô

Theo chị Phạm Thị Nhung (sinh năm 1975) – con dâu út của bà, chia sẻ: “Mẹ chồng tôi từ năm 13 tuổi đã đội thúng, đội mẹt theo các cụ đi bán hoa cúng ngoài chợ. Hồi ấy, Ngọc Hà còn trồng bát ngát các loài hoa, mỗi mùa là một loài hoa khác nhau. Bà thường ra vườn nhà hoặc đi mua hoa lại ở các vườn khác mang ra bến xe điện ngày xưa bán. Còn ngày nay thì phải nhập, lấy mối từ những vườn hoa lớn và được người ta mang đến.

Bà gánh hoa, đội thúng rong ruổi khắp các con phố Hà Nội được 10 năm, cho đến khi lấy chồng bà chuyển về Hàng Khoai để bán. Tính đến nay bà đã gắn bó với nghề này cũng hơn 70 năm rồi.”

Hương xưa thời nay

Bây giờ có đủ các loại hồng Đà Lạt ngoại nhập từ Hà Lan hay châu Âu, đa dạng màu và hoa to cánh dầy, sắc đẹp không thể chê được, nhưng hầu hết không có hương thơm, hoặc nếu có thì chủ yếu là những mùi hương nhân tạo, thậm chí nếu ngửi hương thơm đó nhiều có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Những mùi hương hoa ấy, đã được người ta nghiên cứu lai giống làm cho bông nào cũng như hoa hậu lên sàn, đầu mày cuối mắt không chê vào đâu được. Song, chúng là hoa cắm lọ. Chưa thấy ai đặt lên đĩa hoa cúng bao giờ.

Mỗi gói hoa từ 5-7 loại hoa.

Mỗi gói hoa từ 5-7 loại hoa.

Cách gói lá truyền thống.

Cách gói lá truyền thống.

Gói hoa truyền thống.

Gói hoa truyền thống.

Chính vì thế, khác với những hàng hoa rực rỡ hiện đại, hàng hoa bà Thu vẫn chỉ bày bán những loài hoa truyền thống như: hoa mẫu đơn, hoa sen, hoa lan,… Cùng với đó, đồ nghề bán hàng của bà Thu vô cùng giản dị. Chỉ có vài cái rổ nhựa đựng hoa, bó lá dong giềng, dây lạt và xô nước nhưng cũng đủ ghi dấu ấn nét đẹp của người Hà Nội xưa.

Mỗi gói hoa để bày cúng trên bàn thờ thường có 5 – 7 loại hoa truyền thống khác nhau bà Thu bán với giá giao động từ 30.000 – 50.000 đồng. Nào là hoa thiên lý xanh ngọc, hoa ngâu lấm tấm vàng, hoa mẫu đơn, hoa mồng (mào) gà đỏ rực, hoa móng rồng vàng tươi... điểm thêm vài nhành hoa bưởi, hay những bông huệ trắng muốt.

Mùa nào hoa nấy. Mỗi loại một bông thôi mà thơm ngào ngạt tinh khiết vô cùng. Đặc biệt, khi đặt chân đến gánh hoa bà Thu mùi thơm của những loại hoa tự nhiên tỏa ra khiến cho lòng người thêm nhẹ nhàng và yên bình hơn giữa cuộc sống xồ bồ, tập nập.

Trong khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều vật dụng dựng sản phẩm tiện lợi hơn được ra đời như túi ni lông, hộp nhựa,… kéo theo ô nhiễm môi trường ngày càng đáng báo động, thì gánh hoa bà Thu vẫn chọn giữ cách gói lá truyền thống. Cách gói hoa truyền thống này đã góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường, giúp cho môi trường xanh và đẹp hơn.

Chị Phạm Thị Nhung, con dâu út, nối nghiệp mẹ chồng.

Chị Phạm Thị Nhung, con dâu út, nối nghiệp mẹ chồng.

Chị Nhung cho hay: “Thời đó khó khăn không có túi bóng nhiều như bây giờ để đựng nên các cụ sáng tạo lắm. Khi gói hoa chỉ cắt ngắn lấy đầu bông, được gói khẽ khàng trong lá dong gói vuông như bánh chưng, buộc bằng lạt, vào ngày mùa thì buộc bằng rơm nếp và luôn phải được luồn thêm sợi lạt hoặc sợi rơm để treo. Người mua nâng niu gói hoa, tuyệt đối không để cùng với những thực phẩm khác, mà luôn cầm riêng, vừa như một cách thể hiện sự tôn kính với lễ vật dâng lên bàn thờ.”

Ở Hà Nội, ngoài gánh hoa gói lâu đời của bà Thu, chúng ta có thể tìm đến một gánh hoa gói khác của chị Hồng nằm trên phố Hàng Giấy gần với chợ Đồng Xuân. Bên cạnh đó, vào ngày rằm, mùng một hay lễ tết những gánh hoa gói sẽ xuất hiện bày bán nhiều hơn tại các cửa chùa, cửa đền.

Qua thời gian, những phong tục tập quán khó níu giữ này đã và đang dần trở nên mai một. Xã hội hiện đại kéo theo những xô bồ, bận bịu, lo toan của đời sống thường nhật, nhưng thật may khi trên các con phố nhỏ đó vẫn còn có những con người nỗ lực níu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống xưa đầy trân quý, một nét ký ức Hà Nội.

Bài và ảnh: Mộc Trà

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nguoi-phu-nu-70-nam-gin-giu-huong-sac-cho-mot-net-dep-ha-noi-xua-38129.html