Người phụ nữ 'dệt đam mê' trên những cánh đồng mẫu lớn
Vượt qua rất nhiều khó khăn, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) đang biến ruộng hoang thành các sản phẩm OCOP, 'dệt đam mê' trên những cánh đồng mẫu lớn.
Cách đây 4 tháng, cánh đồng rộng hơn 20 ha của thôn Tiền Anh, Đại Thắng, Hòa Nhất của xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) còn là cánh đồng bỏ hoang, cỏ mọc cao hơn đầu người; đến nay, đã vàng tươi màu lúa chín. Người biến ruộng hoang, đất “chết” thành cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu là những thành viên HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương, đứng đầu là chị Nguyễn Thị Hà, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX.
Khi người dân quê bỏ ruộng, đi làm công nhân vì thu nhập cao hơn làm lúa, chị Hà thấy tiếc những cánh đồng vốn là vựa lúa lớn bị bỏ hoang nên đề xuất với chính quyền và các hộ dân có ruộng bỏ hoang để thuê lại. Chưa đầy 20 ngày sau, cánh đồng cỏ hoang đã được cải tạo, gieo cấy trong sự ngỡ ngàng của nhiều người:
"Khi thuê được ruộng thì anh em trong đơn vị phải tiến hành cải tạo ruộng đất. Thứ nhất phải trừ cỏ, đắp lại bờ vùng, khai thông dòng chảy, sau đó đơn vị mới định hướng là cấy những giống gì. Như năm nay, đơn vị của mình làm giống DS1 của Nhật, liên kết với Công ty An Bình bao tiêu đầu ra; cùng với đó là giống nếp Lang Liêu cũng liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ, chủ yếu sử dụng phân vi sinh để bảo vệ môi trường và năng suất lúa đảm bảo", chị Hà nói.
Sinh ra ở vùng quê Ninh Giang (tỉnh Hải Dương), thấy người dân canh tác thủ công, nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thời tiết, thu nhập không cao, chị Nguyễn Thị Hà đã nung nấu phải làm gì đó để giúp những người dân quê bớt vất vả. Chị nghĩ, chỉ áp dụng cơ giới, đưa máy móc vào sản xuất thì mới có thể thay đổi tập quán canh tác, nâng cao thu nhập.
Năm 24 tuổi, chị Hà lập gia đình và làm kế toán tại một doanh nghiệp ở Hải Phòng. Vốn có tình yêu với nông nghiệp, lại nhận thấy vùng đất Trường Sơn (An Lão, Hải Phòng), nơi chị sinh sống khi đó có thổ nhưỡng đẹp, chị quyết định học mạ khay cấy máy và thử nghiệm với 1 sào ruộng mượn của người dân địa phương.
Vụ thứ hai, chị mượn máy cấy từ Thanh Hóa ra, vận động bà con cùng sử dụng; tuy nhiên, khi đó, người dân đã quen với phương thức canh tác thủ công, thấy cấy máy thưa, cho rằng lãng phí, không hiệu quả, nhiều hộ cấy xong lại nhổ hết đi. Thêm một vụ lúa “mất tiền, mất công, mất sức” nhưng chị Hà không bỏ cuộc. Chị tiếp tục mượn thêm 3 sào ruộng, tự đầu tư máy móc để canh tác, lấy chính kết quả áp dụng cơ giới trong nông nghiệp của mình để vận động bà con.
Kiên trì và bền bỉ, chị Hà từng bước tạo được niềm tin trong bà con nông dân; nhiều người tìm đến chị nhờ hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Đến năm 2017, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương được thành lập với 9 thành viên; đến nay đã phát triển lên 13 thành viên, trong đó có 2 công ty TNHH và 1 HTX “con” hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện, chị Nguyễn Thị Hà cùng các thành viên trong HTX đang thuê, tích tụ và canh tác hơn 300 ha ruộng đất trên địa bàn huyện Kiến Thụy và các huyện lân cận, như: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng (TP Hải Phòng) và Ninh Giang, Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương).
"Hiện tại, đơn vị mình đã phục vụ cho 8 tỉnh miền Bắc về dịch vụ cơ giới hóa, định hướng về giống và bao tiêu sản phẩm, cây vụ đông thì bà con yên tâm về đầu ra. Ai cũng mặn mà sản xuất rồi, không có tư tưởng chán và bỏ ruộng nữa. Bọn mình hướng tới phát triển nông nghiệp sạch và nông nghiệp tập trung, phải đảm bảo hàng hóa chất lượng và có thương hiệu cho sản phẩm. Bọn mình đã ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cơ giới hóa, máy cấy không người lái, máy rắc phân, máy phun thuốc sâu giờ hoàn toàn là máy không người lái", chị Hà chia sẻ.
Trong quá trình phát triển cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ bà con, chị Hà lại thử nghiệm, phát triển sản phẩm gạo ruộng rươi. Vụ đầu tiên gặp khó khăn trong việc vận động người dân, nhưng “người thật, việc thật” đã chứng minh cây lúa cấy máy, sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh phát triển tốt và năng suất cao trên những cánh đồng nước lợ vùng cửa sông ven biển. Sau mỗi mùa lúa, con rươi cũng sinh trưởng tốt.
Hiện HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Thụy Hương bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa cấy trên ruộng rươi tại huyện Kiến Thụy và một số địa phương, với diện tích trên 200 ha. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 600 tấn thóc; 100 tấn gạo ruộng rươi, với giá từ 40 -50.000 đồng/kg gạo. Gạo ruộng rươi của HTX tham gia chương trình OCOP thành phố Hải Phòng từ năm 2019; đến nay có 4 sản phẩm đạt 4 sao; 5 sản phẩm đạt 3 sao và được bán tại hệ thống các cửa hàng, siêu thị của hơn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ông Bùi Văn Phất, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng khẳng định, chị Hà và HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của nông dân địa phương: "Giai đoạn trước thì bà con nông dân quen gieo cấy thủ công nhưng từ khi HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương được thành lập, với sự phối hợp của địa phương thì hợp tác xã cũng đã triển khai cơ giới hóa đồng bộ trên địa bàn xã, với tổng diện tích canh tác trên 3 thôn là khoảng 40 ha, canh tác bằng mạ khay cấy máy. Từ đó đã nâng cao giá trị sản xuất canh tác, tăng thu nhập cho bà con nông dân và khắc phục tình trạng đất hoang hóa trên địa bàn".
Bằng niềm đam mê, sự tìm tòi áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong nông nghiệp, chị Nguyễn Thị Hà đã góp phần hình thành những cánh đồng mẫu lớn “một vùng – một giống – một thời gian”, tăng thu nhập cho bà con nông dân, nâng cao giá trị tư liệu sản xuất. Với sản phẩm “Gạo ruộng rươi và quy trình sản xuất gạo ruộng rươi”, chị Hà vừa được biểu dương tại Liên hoan Phụ nữ Hải Phòng tài năng, sáng tạo; chị cũng được tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023.