Người phụ nữ Tà Riềng năng động

Người mà chúng tôi muốn nói tới ở đây là chị A Lăng Trí là người dân tộc Tà Riềng, năm nay 47 tuổi, ở thôn Đắc Ôố́c, xã La Dêe, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Không chỉ năng động, nhanh nhạy trong phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là bí thư chi bộ thôn Đắc Ôố́c, chị Trí còn là đầu tàu vận động bà con tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tham gia cùng BĐBP quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh biên giới.

Chị A Lăng Trí tranh thủ dệt thổ cẩm và trao đổi tình hình trong thôn với cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nam Giang, BĐBP Quảng Nam. Ảnh: Kim Ngân

Chị A Lăng Trí tranh thủ dệt thổ cẩm và trao đổi tình hình trong thôn với cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nam Giang, BĐBP Quảng Nam. Ảnh: Kim Ngân

Khi chúng tôi tới nhà, chị Trí đang ngồi dệt vải. Chị Trí cho hay: “Ngày xưa, người Tà Riềng thường trồng bông, xe sợi để dệt vải. Bây giờ, chúng tôi không tự se sợi mà mua sẵn ngoài chợ về dệt”. Làm quen với khung dệt từ năm 12 tuổi, đến nay đã qua 35 mùa rẫy, chị Trí quá quen khung dệt truyền thống của dân tộc. Đôi bàn tay khéo léo của chị đã tạo nên những tấm thổ cẩm mang đậm bản sắc dân tộc Tà Riềng với 4 màu đặc trưng đen, vàng đỏ, trắng.

Không giống như các làng nghề thổ cẩm truyền thống khác, khung dệt của người Tà Riềng rất gọn, nhẹ, không phải đặt cố định ở một chỗ mà có thể mang theo mình. Vì thế, phụ nữ Tà Riềng có thể ngồi dệt ở bất cứ nơi nào vào bất cứ thời điểm nào nếu mang theo khung dệt và sợi bông. Chị Trí chia sẻ: “Kỹ thuật dệt của người Tà Riềng nhìn thì đơn giản nhưng để dệt được một tấm thổ cẩm đòi hỏi người dệt phải hết sức kiên trì, tỉ mỉ, bỏ nhiều công sức”.

Với bản tính cần cù, chịu khó lại khéo tay, chị Trí thường tận dụng thời gian trống trong ngày để dệt vải, vừa để may trang phục cho mình vừa để bán kiếm thêm thu nhập. Chị cho biết: “Chúng tôi thường dệt vải khổ rộng 75cm, dài 2,2m. Với một tấm vải này, nếu không bận việc, tôi chỉ làm 2 ngày là xong. Thực ra, đây là công việc phụ. Khi khách đặt hàng, chúng tôi mới dệt vải để có thêm thu nhập”.

Với mong muốn giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, chị Trí đã vận động, tập hợp chị em thành nhóm dệt thổ cẩm của thôn với sự tham gia của 16 người. Các chị em thường hỗ trợ, hướng dẫn nhau kỹ thuật dệt cũng như chia sẻ đơn hàng. Chị Trí kể: “Bữa trước có một khách ở Phước Sơn đặt hơn 50 tấm vải, chị em tôi chia nhau làm. Tính bình quân, mỗi tháng, tôi thu nhập được gần 2 triệu từ việc bán vải thổ cẩm”.

Phát huy tinh thần đảng viên đi trước, làng nước theo sau, chị Trí luôn giữ gìn gia đình hạnh phúc, duy trì nghề dệt truyền thống và tìm mọi cách phát triển kinh tế gia đình làm gương cho bà con trong bản. Người dân tộc Tà Riềng vốn quen với nếp suy nghĩ tự làm, tự ăn nên thường lao động sản xuất theo hướng tự cung tự cấp. Riêng chị Trí thì lại nghĩ khác. “Muốn có thu nhập, kinh tế khá giả cần phải nghĩ tới việc biến con bò, con lợn thành hàng hóa”- chị Trí chia sẻ.

Nghĩ là làm, 5 năm trước, chị bắt tay nuôi lợn đẻ sau đó bán con giống. Từ nguồn vốn tích lũy, chị nhân rộng số lợn nuôi, đến giờ trong chuồng nhà chị nuôi 15 con heo, 30 con gà. Ngoài chăn nuôi, chị còn trồng 2.000 cây keo. “Rẫy keo tôi trồng được 1 năm rồi, khoảng 4 năm nữa sẽ khai thác để bán gỗ. Trước đây tôi đã bán 1 rẫy keo được 25 triệu đồng” - chị Trí kể.

Học theo chị, một số người dân trong thôn đã bắt đầu nuôi heo, bò làm hàng hóa để phát triển kinh tế gia đình. Thôn Đắc Ôốc hiện có 144 hộ với 500 khẩu, trong đó có 46 hộ nghèo. Với vai trò là bí thư chi bộ thôn, chị Trí luôn đi đầu, lãnh đạo triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng bộ xã về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vận động nhân dân xây dựng nếp sống mới, giúp đỡ BĐBP bảo vệ, quản lý biên giới. Ngoài ra, chị Trí còn vận động bà con mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách để đầu tư phát triển kinh tế gia đình nhằm xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Chị Trí cũng là đầu tàu gương mẫu, vận động người dân đồng lòng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đầu tiên là vận động bà con xây dựng, chỉnh trang lại hàng rào quanh nhà, xây dựng đường làng khang trang, sạch đẹp hơn. Tiếp đến là mạnh dạn vay vốn, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Chị cũng vận động bà con phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa khác như nhà sinh hoạt cộng đồng, giữ gìn văn hóa truyền thống.

Cùng với đó, chị Trí và cán bộ thôn đang triển khai các giải pháp nhằm tăng thu nhập cho người dân, giảm tỉ lệ hộ nghèo. Năm nay, thôn Đắc Ôốc được giao chỉ tiêu giúp cho 19 hộ thoát nghèo. Để thực hiện mục tiêu này, chị Trí cho biết thôn đang vận động thanh niên đi lao động tại các nhà máy, xí nghiệp, đồng thời tập trung đầu tư vốn từ các nguồn đầu tư của các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho các hộ nghèo.

“Theo kế hoạch của thôn, mỗi hộ nghèo được đầu tư 30 triệu đồng để nuôi gia súc. Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thôn chúng tôi được phân bổ 1,5 tỉ đồng để nuôi lợn và bò”. - Chị Trí chia sẻ.

Đảng viên Chi bộ thôn Đắc Ôốc sinh hoạt, bàn luận các giải pháp giúp các hộ dân trong thôn phát triển kinh tế, thoát nghèo vươn lên làm giàu. Ảnh: Kim Ngân

Đảng viên Chi bộ thôn Đắc Ôốc sinh hoạt, bàn luận các giải pháp giúp các hộ dân trong thôn phát triển kinh tế, thoát nghèo vươn lên làm giàu. Ảnh: Kim Ngân

Trước đây, việc triển khai các dự án giúp dân xóa đói giảm nghèo mới chỉ dừng lại ở việc cấp vốn, con giống cho người dân mà thiếu giám sự sát dẫn tới hiệu quả không cao. Thêm vào đó, bà có có tập tục thả rông gia súc, không làm chuồng trại. Nhiều hộ dân chỉ đưa gia súc lên một khu rẫy hoặc vào rừng, sau đó buộc dây vào gốc cây để trâu bò tự ăn mà không có sự chăm sóc, dẫn đến gia súc hay bị chết vì bệnh dịch và dây quấn cổ.

“Bây giờ, việc xây dựng các mô hình sinh kế cho nhân dân được triển khai bài bản hơn. Khi có dự án, cán bộ khuyến nông tới hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi. Bên cạnh đó, cán bộ thôn thực hiện giám sát, theo dõi thường xuyên đối với những hộ được hỗ trợ vốn để kiểm tra, hướng dẫn phòng bệnh kịp thời. Chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động bà con xây dựng chuồng trại nuôi nhốt và trồng cỏ cho gia súc ăn” - chị Trí cho hay.

Trong công tác xây dựng chi bộ, chị Trí luôn tích cực tham gia phát triển đảng viên mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Chị Trí tự hào nói với chúng tôi: “Chi bộ của tôi hiện có 52 đảng viên, trong đó có 20 đảng viên nữ, là một trong những chi bộ có tỉ lệ nữ cao của Đảng bộ xã”.

Chúng tôi chia tay chị Trí và nhớ mãi nụ cười tươi tắn, lạc quan của chị - người phụ nữ đảm việc nhà và luôn gắng sức đóng góp cho cộng đồng.

Kim Ngân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-phu-nu-ta-rieng-nang-dong-post465529.html