'Người phụ nữ trên núi'
Sáng sớm tinh mơ, khi con chim rừng vẫn ngủ, tiếng côn trùng vẫn rả rích, sương mù còn phủ kín đỉnh núi đầu nhà, Pạ Dê - 'người phụ nữ trên núi', đã phải thức dậy để làm công việc mà bao đời nay, chị cũng như những người phụ nữ dân tộc Mông nơi đây phải thực hiện.
Không cần đồng hồ báo thức, sáng nào cũng vậy, cứ 4 giờ sáng là “người phụ nữ trên núi” dậy và chạy ngay xuống bếp cời than, nhóm lửa, sau vài tiếng thổi phù phù qua cái ống nứa, bếp lửa bùng lên soi sáng rõ một góc nhà. Với chiếc can nhựa và lù cở, Pạ Dê lùi lũi xuyên qua đám sương mù xuống suối, gùi nước về đổ đầy cái lu ngoài hiên nhà.
Gùi xong nước, trở lại bếp lửa, chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Ánh lửa trên bếp le lói, cái bóng của Pạ Dê in trên vách gỗ như nhảy múa không ngừng nghỉ. Cứ thế, lụi cụi một mình trong yên lặng, bởi người cha già yếu và 4 đứa con của chị còn đang say giấc. Chuẩn bị xong bữa sáng, vẫn không ngơi tay, Pạ Dê lại quay sang chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm.
Sở dĩ dân bản gọi Pạ Dê là “người phụ nữ trên núi” là bởi nhà chị ở chót vót trên đỉnh núi, từ ngày vắng chồng, chị cũng chẳng mấy khi rời khỏi nhà. Cuộc sống của chị cứ thế lặng lẽ trôi qua với bao gánh nặng đáng lẽ là của đàn ông, giờ đặt hết lên đôi vai chị. Ngoài 30 tuổi, nhưng nhìn Pạ Dê già hơn hàng chục tuổi. Lấy chồng từ khi mới độ trăng tròn, e ấp như đóa hoa rừng chớm nở. Dường như “người phụ nữ trên núi” chẳng kịp yêu, hủ tục lạc hậu đã khiến chị rời vòng tay bố mẹ quá sớm để bước vào cuộc sống vợ chồng đầy bỡ ngỡ. Bốn đứa con ra đời và công việc hàng ngày như mặc định với người phụ nữ vùng cao đã lấy đi tuổi thanh xuân của chị.
Những việc đầu tiên trong ngày hoàn tất là khi ánh dương bắt đầu soi sáng vạn vật. Tự dành cho mình vài phút nghỉ ngơi bên bếp lửa. Ánh mắt Pạ Dê xa xăm nhìn ra phía cửa. Ngày mới lấy chồng, chỉ một lần duy nhất Pạ Dê được chồng thổi khèn cho nghe, tiếng khèn véo von vang khắp núi rừng. Hạnh phúc lắm! Đối với Pạ Dê, hạnh phúc nhất của người phụ nữ dân tộc Mông thật đơn giản, có một gia đình đúng nghĩa, đủ ăn, đủ mặc và được chăm sóc gia đình là đủ rồi. Nhưng, hạnh phúc đầu đời đến với Pạ Dê không trọn vẹn. Khi đứa con trai út còn chưa biết đi, chồng chị đã bị “cơn bão ma túy” đưa vào vòng lao lý, đã 10 năm trôi qua mà chưa biết có ngày về.
Cũng từ ngày ấy, một mình Pạ Dê bươn chải nuôi con. Tất cả công việc từ bé đến lớn trong nhà đều đổ lên đôi vai bé nhỏ của chị. Sáng thì làm nương, chăn trâu, chăn bò; trưa đến thì tranh thủ se lanh, dệt vải; chiều lại cặm cụi với nương rẫy, cơm nước... Cuộc sống của Pạ Dê từ đó cũng chỉ quanh quẩn với núi rừng. Chị luôn khao khát có chồng bên cạnh để cùng gánh vác gia đình, khó khăn bủa vây, nhưng chị chưa bao giờ nản hay phàn nàn điều gì, cứ lặng lẽ, chịu đựng và hoàn thành mọi việc hằng ngày như một cỗ máy.
Thời gian trôi qua.
Cuộc sống ngày một đổi thay. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ cho đồng bào dân tộc vùng cao xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phát triển sản xuất. Được xã, bản giúp đỡ, với bản tính cần cù, chịu khó, cuộc sống của gia đình Pạ Dê đã thay đổi, đàn trâu, bò, gia cầm cứ thế sinh sôi, nảy nở; nương ngô, nương lúa năm nào cũng bội thu.
Mặt trời tỏa sáng trên đỉnh núi. Con gà rừng le te gáy vang luôn đồng hành với “người phụ nữ trên núi”! Chị vẫn lụi hụi một mình, nhưng động lực để chị luôn phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn là niềm tin con trẻ được đến trường đi học, mở ra một tương lai tươi sáng!
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nguoi-phu-nu-tren-nui-42715