Người phụ nữ Việt ở Mỹ trồng vườn hoa hồng rực rỡ, mong tìm lại nụ cười của mẹ

Người phụ nữ Việt ở Mỹ âm thầm trồng một vườn hoa hồng rực rỡ. Chị muốn tìm lại nụ cười cho người mẹ mắc bệnh mất trí nhớ.

Khu vườn rực rỡ sắc hoa của chị Quỳnh Giao ở California, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khu vườn rực rỡ sắc hoa của chị Quỳnh Giao ở California, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vườn hồng tặng mẹ

Ở tuổi 52, chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao (California, Mỹ) sở hữu một vườn hoa hồng rực rỡ với hơn 300 gốc, 248 giống hoa. Phía sau vẻ đẹp của vườn hồng là câu chuyện cảm động về tình cảm chị dành cho mẹ.

Năm 14 tuổi, chị Quỳnh Giao cùng mẹ là bà Nguyễn Thị Bích Hạnh và các anh chị em sang Mỹ đoàn tụ với bố.

Trước đó, bà Hạnh phải sống xa chồng 12 năm, một mình tần tảo nuôi dưỡng 8 người con.

Trải qua nhiều thăng trầm cùng gia đình, chị Quỳnh Giao đặc biệt thấu hiểu, gần gũi và kính yêu mẹ. Chị biết rõ sở thích và luôn muốn làm mẹ vui.

Năm 2017, gia đình chị Quỳnh Giao chuyển đến căn nhà mới ở ngoại ô yên bình, có trường học tốt cho 2 con. Thấy không gian ngôi nhà thoáng đãng, chị mời mẹ về sống chung và được bà Hạnh chấp nhận.

Khu vườn có hơn 300 gốc cùng 248 giống hoa hồng khác nhau. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khu vườn có hơn 300 gốc cùng 248 giống hoa hồng khác nhau. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cùng năm đó, bà Hạnh bắt đầu có dấu hiệu của bệnh mất trí nhớ. Dù có gia đình riêng, bận việc kinh doanh nhưng chị Quỳnh Giao luôn dành thời gian chăm sóc và chia sẻ thú vui làm vườn cùng mẹ.

Trước đó, chủ cũ của ngôi nhà đã xây dựng một khu vườn rộng với những hàng cây thẳng tắp. Nhìn khu vườn như cánh rừng thu nhỏ, mẹ chị buột miệng: “Chỗ này mà trồng hoa hồng thì chắc đẹp lắm!”.

Bà chia sẻ kinh nghiệm làm vườn với con gái và âm thầm ươm 2 cây hoa hồng đầu tiên. Câu nói của mẹ in sâu trong lòng chị Quỳnh Giao. Tuy vậy, guồng quay mưu sinh khiến dự định ấy bị cuốn đi mãi.

Vườn hoa mà chị Quỳnh Giao muốn dành tặng cho mẹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vườn hoa mà chị Quỳnh Giao muốn dành tặng cho mẹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tháng 3/2020, dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ. Thời gian giãn cách xã hội, công việc kinh doanh đình trệ, chị Quỳnh Dao mới có thời gian thực hiện ước mong của mẹ, với sự giúp sức của chồng con.

Mọi thứ bắt đầu bằng việc chặt cây, đào rễ, dọn cỏ dại. Trên mảnh đất đã sạch sẽ, chị Quỳnh Giao trồng 5 gốc hồng giống nước Anh.

Từ một góc nhỏ, chị dần mở rộng vườn, trồng thêm nhiều hoa hồng. Sau một thời gian, hoa giăng khắp lối, hương thơm lan tỏa vào tận nhà.

“Mẹ tôi rất thích màu tím, tôi lại không chuộng lắm vì màu tím nhìn man mác buồn như cuộc đời của mẹ. Nhưng khi làm vườn, tôi vẫn trồng hoa hồng màu tím để mẹ ngắm”, chị Quỳnh Giao tâm sự.

Phải rất khó khăn, chị mới đưa được mẹ ra vườn hồng ngắm hoa, chụp ảnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phải rất khó khăn, chị mới đưa được mẹ ra vườn hồng ngắm hoa, chụp ảnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chăm mẹ "bỏ rơi" hoa

Thời điểm chị Quỳnh Giao trồng vườn hồng là lúc bà Hạnh qua nhà con gái cả chơi. Sau đó, bà bị kẹt lại suốt mùa dịch. Bà không tận mắt thấy từng khóm hồng được gieo trồng như mơ ước.

Cũng trong thời gian này, bệnh tình của bà trở nặng. Không chỉ mất trí nhớ, bà còn bị hoang tưởng, sợ hãi và lo âu. Bà suốt ngày giam mình trong phòng, không tiếp xúc với bên ngoài. Họp mặt gia đình, bà cũng không tha thiết tham gia.

Trong khi đó, chị Quỳnh Giao háo hức chờ ngày đón mẹ về để khoe vườn hoa hồng. Chị hình dung mẹ sẽ mỉm cười, tròn xoe mắt ngạc nhiên.

Chị Quỳnh Giao hái hoa đem vào phòng tặng mẹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Quỳnh Giao hái hoa đem vào phòng tặng mẹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tuy nhiên, những hình dung ấy của chị Quỳnh Giao không được như mong ước. Ngày trở về, bà Hạnh dường như không còn nhớ mình từng ao ước có một vườn hồng, từng yêu hoa hồng và màu tím.

“Mẹ tôi không muốn ra vườn, không muốn ngắm hoa. Bà còn thốt lên màu tím tái tê quá, không rực rỡ như những màu hoa khác”, chị Quỳnh Giao kể.

Dù nhận ra mẹ không tha thiết với vườn hoa hồng như mình mong đợi, chị vẫn cố gắng thuyết phục bà ra vườn tắm nắng, ngắm hoa. Chị hy vọng, những đóa hoa hồng sẽ đem lại niềm vui cho mẹ.

Nhưng bà Hạnh vẫn đóng chặt cửa. Nếu có bước ra vườn thì chỉ một chút thôi, bà đã vội vã trở vào nhà.

Chị Quỳnh Giao nghẹn ngào: “Tôi trồng cả khu vườn để tạo bất ngờ cho mẹ nhưng bà không còn nhớ, không muốn ra xem khiến tôi hụt hẫng”.

Sau đó, chị tự động viên rằng mẹ bị bệnh, những gì mẹ làm hoặc nói đều là do bệnh tạo ra. Chị tự nhủ sẽ không để những điều đó ảnh hưởng đến tình yêu thương của mình dành cho mẹ.

"Ngay cả việc uống thuốc, ăn cơm mà bà còn không nhớ thì trách gì chuyện từng thích hoa hồng", chị tự an ủi.

Chị Quỳnh Giao và chồng chụp ảnh với bà Hạnh sau khi chị chăm lại vườn hoa hồng của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Quỳnh Giao và chồng chụp ảnh với bà Hạnh sau khi chị chăm lại vườn hoa hồng của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị quyết định tập trung vào việc chăm sóc mẹ, bỏ mặc khu vườn. Chị dành hết thời gian ở cạnh mẹ như chăm con nhỏ, không ngó ngàng đến khu vườn mình từng yêu thích, chăm bẵm suốt 1 năm.

Khi vườn hồng héo úa, cây chết khô, chị mới nhận ra bản thân cũng mắc chứng trầm cảm do áp lực chăm mẹ kéo dài. Chị rơi nước mắt nhận ra mình đang yêu mẹ theo cách tiêu cực.

Giờ đây, khu vườn là nơi để chị Quỳnh Giao và gia đình xả stress mỗi khi cảm thấy áp lực, căng thẳng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giờ đây, khu vườn là nơi để chị Quỳnh Giao và gia đình xả stress mỗi khi cảm thấy áp lực, căng thẳng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị bắt đầu nhổ bỏ cây khô, trồng những cây hoa hồng mới. Hiện tại, vườn hồng lại bước vào mùa khoe sắc. Bà Hạnh không ra vườn thì chị Quỳnh Giao hái hoa mang vào nhà tặng mẹ.

Nhìn mẹ mỉm cười ôm lấy chậu hồng, lòng chị dạt dào xúc động, nước mắt và nụ cười cứ quyện vào nhau. Chị cảm thấy công sức trồng, chăm sóc vườn hoa hồng của mình đã đem lại niềm vui cho mẹ.

Hà Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-phu-nu-viet-o-my-trong-vuon-hoa-hong-ruc-ro-mong-tim-lai-nu-cuoi-cua-me-2401311.html