Người phụ nữ vươn lên thành công nhờ 'đôi bàn tay lụa', tạo kế sinh nhai cho hàng trăm người

Nhờ nghề mây tre đan xuất khẩu, chị Thúy không chỉ giúp gia đình tăng thu nhập, mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người ở xã Thành Long. Với chị, người phụ nữ thời đại mới cần phải năng động, sáng tạo và có tinh thần khởi nghiệp, khát vọng thành công.

Hưởng ứng phong trào Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, nhiều năm qua trên cả nước xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế.

Trong đó, có chị Lê Kim Thúy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thành Đông (xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh).

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

Chị Lê Kim Thúy được biết đến là người phụ nữ đảm đang, năng động, dám nghĩ, dám làm và một trong những phụ nữ trong tỉnh khởi nghiệp thành công từ hai bàn tay trắng.

Năm 2023, chị Thúy vinh dự là một trong những cá nhân của tỉnh Tây Ninh tham dự Hội thảo Chia sẻ kết quả đánh giá và tham vấn giải pháp nâng cao chất lượng, nhân rộng mô hình sinh kế hiệu quả khu vực dân tộc thiểu số, biên giới do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức.

Trò chuyện với Người Đưa Tin, chị kể rằng, chị đến với nghề này một cách tình cờ, nhưng lại trở thành nghề mang lại thành công cho chị. Năm 2020, chị Thúy được Hội liên hiệp Phụ nữ xã Thành Long cử đi học đan lát mây tre tại Tp.HCM. Sau 2 ngày học, chị đã có thể đan và đan rất khéo. Sau đó, chị trở về, làm mây tre đan. Nhờ đôi bàn tay khéo léo, mềm dẻo như lụa và sự cần cù, nhẫn nại, chị đã có thu nhập ổn định.

Chị kể: "Sau một thời gian, nhận thấy sản xuất mây tre đan mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại có thể giúp được bà con trong vùng có thêm việc làm, nên tôi quyết định đứng ra mở rộng sản xuất. Tôi đã học hỏi được kinh nghiệm từ những cô chú đi trước, nên việc mở rộng sản xuất cũng bớt được một phần khó khăn".

Người mang làn gió mới cho nghề đan lát ở xã biên giới huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh).

Người mang làn gió mới cho nghề đan lát ở xã biên giới huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh).

Được tiếp xúc thường xuyên với các chị em tham gia sản xuất, chị Thúy thường xuyên tuyên truyền cho người lao động thực hiện mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các quy định của địa phương, đoàn kết, phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Tây Ninh.

Đồng thời, sắp xếp thời gian để lao động đảm bảo ngày công; tích cực học hỏi, rèn luyện để nâng cao tay nghề để làm sao đảm bảo sản phẩm phải đúng kỹ thuật, tăng năng suất, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và cho hợp tác xã (HTX).

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, chị Thúy còn tích cực tham gia các hoạt động Hội và phong trào phụ nữ của địa phương. Các hoạt động nhân đạo từ thiện, các hoạt động ủng hộ phụ nữ nghèo, phụ nữ cao tuổi và trẻ em vượt khó; các hoạt động phong trào của địa phương.

Chị Lê Kim Thúy đang hướng dẫn công việc mây tre đan cho các chị em phụ nữ.

Chị Lê Kim Thúy đang hướng dẫn công việc mây tre đan cho các chị em phụ nữ.

Khi được hỏi về động lực để có được những thành công như hiện tại, chị Thúy chia sẻ, theo chị, để đạt được thành công, trước hết là phải có sức khỏe, luôn cần phải có ước mơ, ý chí quyết tâm để thực hiện.

Trong quá trình khởi nghiệp, chúng ta cần phải tích cực học tập để mình có kiến thức, đủ tự tin trong sản xuất, kinh doanh; biết tận dụng, nắm bắt những cơ hội, chú trọng việc xây dựng và quảng bá thương hiệu, tạo uy tín không chỉ với đối tác và ngay cả đối với người lao động làm việc cho mình.

"Đặc biệt là chúng ta phải biết hy vọng và tin vào tương lai: Đi là đến và đã đến là thành công", chị Thúy nói.

Chị Trịnh Thị Thoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thành Long.

Chị Trịnh Thị Thoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thành Long.

Tạo công ăn việc làm cho người lao động

Theo chị Trịnh Thị Thoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thành Long, địa phương hiện có hơn 2.300 hội viên phụ nữ sinh hoạt tại 8 chi hội và 50 tổ hội chủ yếu gắn với nghề nông. Phần lớn phụ nữ vùng biên giới làm nghề buôn bán nhỏ lẻ, làm thuê nên thu nhập rất bấp bênh.

Từ khi mô hình khởi nghiệp của chị Thúy phát triển, có thu nhập khá, chị đã mạnh dạn giới thiệu, hướng dẫn và tạo điều kiện để nhiều phụ nữ trong xã có thêm việc làm. Đặc biệt, mô hình đã giúp các chị em tận dụng tối đa thời gian nhàn rỗi để tăng thu nhập, giảm bớt gánh nặng chi phí cho gia đình.

"Chị Thúy còn là một Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp năng động, nhiệt huyết ở địa phương, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế ở vùng biên Tây Ninh", Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thành Long cho biết.

Đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngày càng tăng của thị trường, các xưởng sản xuất mây tre đan truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều. Với yêu cầu sản xuất một lượng lớn sản phẩm, hiện cơ sở sản xuất của chị Thúy đã tạo được công ăn việc làm ổn định cho gần 100 lao động, chủ yếu là người dân trong toàn địa phương.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Châu Thành cho biết, chị Thúy là một trong những tấm gương điển hình tiêu biểu về phụ nữ làm kinh tế ở địa phương.

Từ việc chị khởi nghiệp với nghề đan lát đến việc mạnh dạn lan tỏa, giúp đỡ phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân ở vùng biên giới, đến nay, chị Thúy đã giúp đỡ rất nhiều người vươn lên trong cuộc sống. Chị Thúy là gương điển hình cho các chị em phụ nữ noi theo.

Tùy thuộc vào tay nghề, trung bình mỗi ngày, mỗi người có thể đạt thu nhập từ 80.000 – 150.000 đồng.

Tùy thuộc vào tay nghề, trung bình mỗi ngày, mỗi người có thể đạt thu nhập từ 80.000 – 150.000 đồng.

Chị Trần Thị Trúc Linh (46 tuổi, ngụ ấp Thành Đông) cho biết, Các sản phẩm mây tre đan đa dạng mẫu mã, độ khó tùy thuộc vào hình thức của sản phẩm. Chỉ cần khéo tay và chăm chỉ học hỏi một chút đã có thể cho ra những sản phẩm vô cùng đẹp mắt.

Nghề mây tre đan đã giúp nhiều người dân địa phương có thu nhập ổn định và cuộc sống tốt hơn. Công việc không quá tốn sức, chỉ cần sự cần cù, khéo léo, siêng năng của người làm nghề. Nghề đan lát này cũng không hề kén người lao động, dù là người già hay trẻ nhỏ cũng đều có thể làm được. Thu nhập bình quân một ngày công đạt 80.000 -150.000 đồng/người.

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, người dân xã Thành Long tâm sự, trước đó chị bất ngờ bị tai biến nên chỉ có thể ở tại nhà phụ giúp gia đình. Cuộc sống ở vùng biên vốn khó khăn nay lại càng khó khăn với gia đình chị.

Chị Oanh tâm sự: "Được chị Thúy hướng dẫn nghề đan lát, công việc không quá khó, không bó buộc thời gian, phù hợp với những người như tôi mà thu nhập từ công việc này cũng rất ổn định".

Chị Lê Kim Thúy đang hỗ trợ hội viên mang sản phẩm về nhà để làm.

Chị Lê Kim Thúy đang hỗ trợ hội viên mang sản phẩm về nhà để làm.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Châu Thành, ngành nghề sản xuất mây tre đan đã và đang là một hướng phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao, đóng góp tích cực vào những chuyển biến về kinh tế và xã hội tại xã Thành Long (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Mặc dù vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định, nhưng mô hình kinh tế này hứa hẹn sẽ đạt được những bước tiến mới, đem lại thu nhập cao cho người lao động.

Nguyễn Văn Khánh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguoi-phu-nu-vuon-len-thanh-cong-nho-doi-ban-tay-lua-tao-ke-sinh-nhai-cho-hang-tram-nguoi-204240919165703159.htm