Người 'phù phép' trái đu đủ xanh thành… những sắc hoa muôn màu

Chỉ với một trái đu đủ xanh, cùng con dao bổ cao, chiếc kéo thủ công nhỏ, thêm chừng 20-30p gọt, cắt, tỉa chị Nguyễn Thị Thu (Hào Nam, Hà Nội) đã có thể tạo ra hàng chục loại hoa hút hồn người đối diện...

Đó không chỉ là hoa ngọc lan li ti, hoa bưởi trắng ngần, hoa súng giản dị, hoa thược dược đơn sơ. Đó còn là những bông cúc đại đóa, bông hồng nhung mướt cánh, bông quỳnh nở muộn, thậm chí cả những bông sen bách diệp. Tất cả đều thật đến từng chi tiết nhỏ nhất…

Từ quả xanh thành bông hoa có sắc có hồn

Là con gái Hà Thành sinh ra và lớn lên tại phố cổ, từ hơn 30 năm trước, nhờ mẹ hướng dẫn, chị Nguyễn Thị Thu bén duyên môn nghệ thuật tỉa hoa qua một lớp học nữ công gia chánh. Chất liệu để tỉa hoa thì chị được học nhiều như: dưa hấu, bí đỏ, cà rốt, củ cái trắng, dưa chuột... nhưng chị mê nhất là tỉa hoa bằng trái đu đủ xanh. Ban đầu chi là học nghề, song trải qua thời gian đi sâu vào tìm hiểu, nghiên cứu chị ngày càng đắm mình hơn vào môn nghệ thuật thủ công này. Dường như một năm 365 ngày, không ngày nào chị không dành thời gian cầm dao tỉa hoa để thỏa đam mê của mình.

Chị Nguyễn Thị Thu đang thực hành cắt tỉa hoa súng.

Chị Nguyễn Thị Thu đang thực hành cắt tỉa hoa súng.

Những bông hoa cứ thế theo đam mê của chị mà ngày một hút hồn hơn. Từ cánh hoa cúc dầy chưa bay bổng, chị lại nghiên cứu cách tỉa làm sao cho cánh cúc bay mềm hơn, cong hơn và thật hơn. Từ bông hoa quỳnh đơn giản, chị nghiên cứu mày mò sao cho giống thật hơn đến từng chiếc tua của nụ cái. Như hoa hồng không chỉ là mầu sắc mà cách uốn cánh lúc hoa nụ, lúc hoa nở chín độ. Đặc biệt là mâm hoa dâng Phật với đủ các loại hoa mang đậm chất Hà Nội xưa…

Đĩa hoa xưa gồm các loại hoa sen, đồng tiền, mẫu đơn, ngọc lan, bưởi... do chị Thu tạo thành từ quả đu đủ xanh.

Đĩa hoa xưa gồm các loại hoa sen, đồng tiền, mẫu đơn, ngọc lan, bưởi... do chị Thu tạo thành từ quả đu đủ xanh.

Nếu chỉ nhìn cách tỉa hoa, và cách cắt cánh, pha mầu, nhiều người sẽ nghĩ để tỉa một bông hoa không quá khó. Song, kỹ thuật lại là ở chỗ đưa dao gọt cánh sao cho trên mỏng, dưới hơi dày, từng cánh hoa phải mướt chứ không sần sùi, lớp cánh này so le với cánh kia, mà không bị đứt gãy, uốn cánh sao cho vừa mềm, vừa bay vừa thật tự nhiên.

Ngắm những đóa hoa lung linh tuyệt sắc được tạo nên từ trái đu đủ xanh, nhiều người nghĩ đến sự trợ giúp của những bộ dụng cụ cắt tỉa cầu kỳ giống như nghệ thuật cắt tỉa rau củ quả nói chung. Nhưng điều bất ngờ, dụng cụ tỉa hoa đu đủ lại vô cùng đơn giản, chỉ một chiếc dao bổ cau của các bà, các mẹ Việt Nam, cây kéo nhỏ và một chút mầu tạo sắc cho hoa. Chả thế mà khi chị Thu trưng bày những tác phẩm của mình tại những câu lạc bộ cắt tỉa hoa nghệ thuật, không chỉ bạn bè trong nước mà cả bạn bè quốc tế vô cùng ngạc nhiên và khâm phục sự sáng tạo, tài hoa của người phụ nữ này.

Nếu như ngày xưa, các cụ ta chỉ cắt tỉa hoa đu đủ với những mẫu không quá cầu kỳ, dùng để trang trí trong mâm cỗ thì nay, với tình yêu giá trị tinh hoa của người Việt Nam, chị Thu đã nghiên cứu rất nhiều môn nghệ thuật khác và khéo léo sáng tạo, kết hợp với nghệ thuật tỉa hoa đu đủ truyền thống, nâng tầm bộ môn nghệ thuật này, phát triển phù hợp với xu thế đương đại, lan tỏa bộ môn nghệ thuật độc đáo, đặc sắc riêng có của Việt Nam ra thế giới.

Tác phẩm hoa sen được tỉa từ... 2 quả đu đủ xanh.

Tác phẩm hoa sen được tỉa từ... 2 quả đu đủ xanh.

Nghệ thuật tỉa hoa đu đủ ngày càng thu hút các bạn trẻ

Rất nhiều người bị “hớp hồn” khi ngắm những đóa hoa đu đủ lung linh, kiêu sa do chị Thu sáng tạo nên yêu cầu chị mở lớp dạy tỉa hoa. Ban đầu chỉ là một vài người muốn học lại bộ môn nghệ thuật thủ công xưa tham gia. Dần dần, qua các năm, lớp học đã thu hút hàng trăm người đến xin học trong đó có cả các bà, các cô 70-80 tuổi, các bạn trẻ 15-16 tuổi và nhiều nhất là các bạn ở độ tuổi 30-40. Vui vì có nhiều người đã quan tâm hơn đến môn nghệ thuật thủ công này, song chị Thu cũng phải từ chối khéo, không dám nhận quá đông học sinh trong mỗi lần dậy. Chị tâm sự: “Mình rất sợ dạy mọi người không đến nơi đến chốn, sẽ dễ nản lòng, mà mất hứng thú, không còn đam mê nữa”. Do đó, để buổi học đạt kết quả tốt nhất, người học vừa được thư giãn, đắm mình vào việc tỉa hoa, chị Thu thường chỉ nhận 2-3 người mỗi buổi, rồi tận tay chỉ bảo, hướng dẫn cách tỉa hoa, đưa dao sao cho hoa không đứt cánh, mà vẫn mềm mại.

Một buổi học được mở ra nhằm gây quỹ thiện nguyện thu hút nhiều người tham gia. Tất cả hoa cắm trong phòng học đều là tự tay chị Thu tỉa từ hôm trước.

Một buổi học được mở ra nhằm gây quỹ thiện nguyện thu hút nhiều người tham gia. Tất cả hoa cắm trong phòng học đều là tự tay chị Thu tỉa từ hôm trước.

Đáp lại tình yêu ấy, vào những ngày lễ như 8/3, 1/6, Trung thu, Noel hay Tết, khi có điều kiện về thời gian là chị Thu lại mở lớp học lớp học gây quỹ tự thiện mang tên "Bình An" để gìn giữ, phát huy và lan tỏa nghệ thuật tỉa hoa đu đủ độc đáo. Năng lượng bình an, trong trẻo, trái tim nhân hậu của người phụ nữ Hà Thành là nguồn cảm hứng để bạn bè và những người yêu mến chị không biết từ lúc nào gọi chị bằng cái tên Bình An hay Nguyễn Thu Bình An. Chị mang tên Bình An đặt cho tên lớp học vì lẽ đó, với mong muốn đó như một nơi lan tỏa duyên lành.

Những tâm hồn yêu nghệ thuật truyền thống gặp gỡ nhau và càng tuyệt vời hơn nữa, chính chị Thu là người kết nối, phát động, tổ chức những chương trình thiện nguyện trong cộng đồng cắt tỉa hoa nghệ thuật nói chung đều đặn trong suốt nhiều năm qua. Đó là những bữa cơm có thịt dành tặng học sinh nghèo miền núi, những tấm áo ấm cho đồng bào miền Trung chịu nhiều thiên tai, chiếc chăn bông ấm cho người nhà bệnh nhân, chương trình nghệ thuật cho trẻ em nằm viện.... được chị Bình An và những người bạn liên tục gửi đến những mảnh đời kém may mắn, khó khăn.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/nguoi-phu-phep-trai-du-du-xanh-thanh-nhung-sac-hoa-muon-mau-i685615/