Người quan trọng nhất
Giờ nghỉ trưa, một giáo viên hội họa, thêm nữa là một giáo viên toán và cuối cùng, một giáo viên chuyên dạy bộ môn khoa học bàn tán với nhau về chuyện ai quan trọng hơn ai trong trường mình.
Ngay khi chủ đề của cuộc “hội thảo khoa học” vừa được xướng lên, ngay lập tức, người giáo viên dạy bộ môn hội họa nghiêm trang lên tiếng phủ đầu nhằm khẳng định vị thế và vai trò to lớn của bản thân đối với sự nghiệp học hành của học sinh, rằng: “Nếu không có tôi thì làm sao học sinh có thể vẽ ra những bức tranh đẹp được, đúng không?”.
Nói rồi anh ta lấy ra một bản sao hoàn hảo của bức họa Mona Lisa nổi tiếng và tiếp tục với bộ mặt vô cùng “quan trọng hóa” cùng những âm tiết “có gang có thép” thế này: “Hai vị không thể biết được đâu, tôi đã phải mất đúng một tháng trời ròng rã với không biết bao nhiêu mồ hôi và trí lực để vẽ ra bức tranh này. Sau khi hoàn thành, tôi lại không hề tiếc thời gian để cất công đem bức họa trứ danh này đi tham khảo không biết bao nhiêu nhà giám định hội họa “có số có má”. Rốt cuộc là, chín trên mười vị giám định hội họa chuyên nghiệp nổi tiếng không thể nào phân biệt được tác phẩm của tôi với bức Mona Lisa thật của thiên tài hội họa Leonardo da Vinci. Từ đó tôi cứ bắt học trò của mình phải vẽ được như mình đã làm! Tôi…”.
“Ôi dào! - Đột nhiên người giáo viên toán phủi tay cắt ngang lời của kẻ đang hùng biện - Tưởng anh làm được việc gì đặc biệt nhất quả đất cơ chứ. Nào ngờ,… - Vừa nói cô giáo bộ môn toán vừa đưa cho anh giáo viên hội họa một quyển sổ nhỏ và thủng thẳng tiếp lời với những câu khẳng định chắc như búa tạ nện xuống mặt đe - Trong này ghi toàn là những phương trình cấp cao mà những người khác dẫu có bộ óc trác việt nhất nước cũng đều phải bắt buộc dùng đến máy tính may ra mới có thể giải được. Còn tôi thì tính nhẩm cũng xong béng, chỉ với nửa cái chớp mắt. Nếu anh không tin, xin hãy vui lòng chọn bất kỳ phương trình nào mà hỏi tôi!”.
Nhếch mép cười nửa miệng một cái, anh thầy giáo bộ môn hội họa làm đúng như cách đặt vấn đề của cô giáo viên dạy toán. Và diệu kỳ thay, lần nào cô giáo viên toán cũng đưa ra câu trả lời chỉ trong vòng 60 giây. Tuy vậy, người giáo viên hội họa vẫn tỏ ra không tin cho lắm nên mới đặt câu hỏi nghi vấn: “Lỡ đâu cô học thuộc tất cả đáp án trước khi chúng ta có cuộc gặp gỡ này thì sao nhỉ?”.
Trong khi hai người họ cãi nhau, cô giáo dạy môn khoa học lẳng lặng lấy ra một con rô - bốt.
“Cái gì đây?” - Vừa thoáng bắt gặp cái thứ trên tay cô giáo chuyên dạy môn khoa học, hai người đồng nghiệp liền ngạc nhiên chen lẫn sự cảnh giác mà cùng nhất loạt đồng thanh mở lời.
“Đây là con rô - bốt mà tôi và học sinh của mình cùng thiết kế. Nó có thể làm mọi thứ từ rửa bát, quét nhà, rửa xe hay đưa chó đi dạo! - Cô giáo bộ môn khoa học hãnh diện trả lời và nhẹ nhàng tiếp lời bằng giọng điệu của một “kẻ bề trên” của con rô - bốt - Rô - bốt, pha cà-phê cho ta!”.
Con rô - bốt nghe lệnh chủ xong ngay lập tức bắt tay vào việc. Chỉ năm phút sau, con rô - bốt đã đặt ba cốc cà-phê nóng hổi nghi ngút khói xuống trước mặt ba vị giáo viên đáng kính. Cuộc “hội thảo” tưởng chừng đã có thể kết thúc ở đó, nhưng rốt cuộc cả ba vị giáo viên vẫn cứ tiếp tục tranh luận nảy lửa với nhau.
Không một ai trong số ba con người ấy chịu công nhận thành quả của người khác “trên tài” hơn mình. Thế rồi, ông thầy dạy thể dục bất ngờ bước vào phòng nghỉ. Vậy là cả ba người mới đem mọi chuyện kể cho ông thày thể dục nghe và yêu cầu anh ta đứng ra làm trọng tài phân xử.
Nghe thủng chuyện, bất thình lình ông thầy thể dục bật cười: “Ôi trời! Tưởng chuyện gì ghê gớm lắm cơ chứ. Rõ thật là các anh chị chỉ tốn thời gian cho cái việc cãi nhau bởi chuyện đã rồi. Xin ba vị hãy dỏng hết cỡ tai lên mà nghe cho rõ đây này: ở cái trường này, nhân vật quan trọng sau ông Hiệu trưởng là chỉ có tôi, nhé!”.
“Vì sao??? Vì sao lại có thể như vậy được cơ chứ?!? Không, không thể như…” - Ba vị giáo viên kia nhộn nhạo chất vấn.
Cười một tiếng ráo hoảnh, ông thầy thể dục tưng tửng lên tiếng với bộ mặt đầy vẻ “oai phong lẫm liệt?”, rằng: “Các vị lại nghe cho rõ đây. Tôi không cần làm ra bất kỳ thứ gì như ba anh chị mà hằng tháng vẫn cứ đằng thẳng nhận được mức lương theo đúng khung bảng lương. Còn chức vụ của tôi ấy à?! Đố ai dám cắt bỏ nó đi đấy. Rõ ràng là tôi chỉ bé hơn ông Hiệu trưởng một nấc không nào, đúng không thưa ba vị?!”.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/nguoi-quan-trong-nhat-631997/