Người rèn 'kiếm báu'
Chỉ trong một thời gian ngắn kỷ lục, tiến sĩ Trương Vĩnh Chấn (55 tuổi, người Trung Quốc) đã giải mã thành công bộ gen của SARS-CoV-2, mang lại cho thế giới một thứ 'vũ khí' chống lại đại dịch Covid-19.
Chỉ trong một thời gian ngắn kỷ lục, tiến sĩ Trương Vĩnh Chấn (55 tuổi, người Trung Quốc) đã giải mã thành công bộ gen của SARS-CoV-2, mang lại cho thế giới một thứ “vũ khí” chống lại đại dịch Covid-19.
Chiếc hộp bí ẩn
Đầu giờ chiều 3-1-2020, một hộp nhỏ bằng kim loại được chuyển đến Trung tâm y tế công cộng Thượng Hải - nơi chuyên gia vi-rút Trương Vĩnh Chấn đang làm việc. Bên trong chiếc hộp là những miếng gạc có chứa dịch tiết của một bệnh nhân mắc chứng hô hấp bí ẩn có thể gây tử vong ở thành phố Vũ Hán. Nhiệm vụ của Tiến sĩ Trương và đồng nghiệp là giải mã gen của loại vi-rút gây bệnh “lạ” ấy, để đánh giá mức độ nguy hiểm đến cộng đồng.
Đó là lần đầu ông Trương Vĩnh Chấn tiếp xúc với vi-rút SARS-CoV-2 - thứ gây nên đại dịch Covid-19 đang hoành hành thế giới. Tiến sĩ Trương bắt tay vào làm việc ngay khi nhận mẫu bệnh phẩm, vì trực giác mách bảo ông rằng chậm trễ ngày nào là thế giới lâm nguy thêm ngày đó.
Và sau chưa đầy 40 giờ đồng hồ, nhóm của Tiến sĩ Trương đã lập bản đồ gen hoàn chỉnh đầu tiên của SARS-CoV-2, nhờ vào công nghệ giải trình tự RNA mới nhất, tốc độ nhanh đến không tưởng. Dựa trên kết quả phân tích, tiến sĩ Trương nhận thấy sự tương đồng đến 80% với vi-rút từng gây ra dịch SARS vào năm 2003 và nghi ngờ nó có thể lây từ người sang người, rất dễ bùng phát thành đại dịch. Ông lập tức bay vào tâm dịch Vũ Hán để quan sát cụ thể, nhằm sớm có báo cáo cho các quan chức y tế Trung Quốc.
Hơn một tuần sau, ông Trương công bố kết quả giải trình tự gen với giới khoa học. Chỉ trong vài ngày tiếp theo, nhiều phòng thí nghiệm (như ở Đại học Hồng Công) đã tạo ra bộ công cụ xét nghiệm bệnh với độ nhạy cao. Quan trọng hơn, việc công bố gen vi-rút cho phép các nhà sản xuất vắc-xin toàn cầu bắt tay vào nghiên cứu, trước khi thế giới nhận ra thảm họa đang đến. Nhờ sự chia sẻ của ông Trương, Tiến sĩ Sahin và hãng BioNtech đã sáng chế ra vắc-xin Covid-19 theo công nghệ mRNA đầu tiên trong thời gian ngắn kỷ lục, mở ra cơ hội đẩy lùi đại dịch.
“Đóng góp của ông Trương là cực kỳ quan trọng với thế giới. Nếu không có thông tin mà ông ấy cung cấp, không ai có thể sản xuất được vắc-xin cả”, Tiến sĩ Adam Finn của Đại học Bristol nhận định.
Quyết định dũng cảm
Việc công bố trình tự gen của Tiến sĩ Trương Vĩnh Chấn là hành động có phần mạo hiểm và gặp không ít trở ngại. Sau khi báo cáo với cấp trên, ông Trương đăng tải nghiên cứu lên Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Hoa Kỳ (NBCI) nhưng lại phải chờ đợi cơ quan này xem xét. Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu ông Trương thận trọng trước khi công bố.
Đến ngày 11-1-2020, khi đang trên đường đến Bắc Kinh, ông Trương nhận được cuộc gọi từ nhà vi-rút học Edward Holmes từ Australia. Ông Holmes xin phép Tiến sĩ Trương cho đăng tải lên trang web riêng của các nhà khoa học chứ không cần chờ các kênh chính thống. Tiến sĩ Trương ngay lập tức đồng ý, dù quyết định công bố không chính thức này có thể làm tổn hại uy tín khoa học của ông. Trách nhiệm với nhân loại không cho phép ông đắn đo, hơn nữa “bệnh nhân sẽ thành nạn nhân nếu rời xa sự thật khoa học” - lời Tiến sĩ Trương từng nói.
Theo Tiến sĩ Trương, việc thận trọng công bố bản đồ gen vi-rút của ông là một hành động cần thiết, vì một nhà khoa học nổi tiếng nước này từng kết luận nhầm dịch SARS 2003 là do vi khuẩn gây ra. Nhà chức trách Trung Quốc dường như không tin rằng nhóm của ông Trương có thể giải trình gen nhanh đến như vậy. Họ đã đến tận phòng thí nghiệm của ông ở Thượng Hải để kiểm tra.
Tuy nhiên, đó chỉ là những thủ tục hành chính vì đơn giản, kết quả phân tích của ông Trương hoàn toàn chính xác. Vài ngày sau khi ông Trương công bố bản đồ gen SARS-CoV-2, chính quyền Trung Quốc đã quyết định phong tỏa tỉnh Hồ Bắc với hàng chục triệu dân để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Một bệnh viện dã chiến khổng lồ cũng được xây dựng trong gần một tuần, kịp thời kiểm soát tình hình ở Vũ Hán.
Không bao giờ dừng lại
Ông Trương Vĩnh Chấn lấy bằng Tiến sĩ tại Học viện Khoa học Trung Quốc trước khi về công tác tại Trung tâm Y tế công cộng Thượng Hải. Thời gian đầu, ông Trương nghiên cứu các căn bệnh truyền nhiễm nhưng rồi đi sâu hơn về vi-rút, cũng như sự đa dạng sinh thái học ảnh hưởng đến vi-rút.
Trong suốt 15 năm nghiên cứu chuyên sâu về vi-rút, Tiến sĩ Trương đã “chỉ huy” một nhóm các nhà khoa học “lên rừng, xuống biển” khắp các vùng hẻo lánh ở Trung Quốc để thu thập những mẫu vi-rút mà con người chưa biết đến. Ông Trương và các cộng sự trải qua những ngày ăn gió nằm sương theo đúng nghĩa đen, cực khổ không khác gì ra trận. Tiến sĩ Trương đã phát hiện và phân lập hàng nghìn mẫu vi-rút gây bệnh trên người, gia súc và cây trồng, góp phần đẩy lùi dịch cúm gia cầm hay cúm lợn ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tiến sĩ Trương may mắn có người bạn đời là đồng nghiệp, cũng là người luôn đứng sau hỗ trợ và ủng hộ hết mình cho công việc của ông dẫu bản thân bà mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo suốt tám năm ròng. Sau cái chết của người vợ cuối năm ngoái, gác lại nỗi mất mát cá nhân, ông Trương dành gần như toàn bộ thời gian trong phòng thí nghiệm. Mong ước lớn nhất của ông là có thể tìm ra quy luật của những loại vi-rút gây bệnh ở người, để rèn “những thanh bảo kiếm” chống lại dịch bệnh. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Trương cũng muốn tìm ra những lợi ích của vi-rút đối với con người.Bởi với ông, mỗi phần tử trên Trái đất đều tồn tại với một mục đích nào đó.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/nhan-vat_1/nguoi-ren-kiem-bau-637576/