Người Sán Chỉ lan tỏa hương thơm sả Java

Chiều một ngày giáp Tết, sương mờ ảo bao quanh những quả đồi tại thôn Nà Mon (xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) và gió thổi mang theo hương sả thoảng dịu. Vùng đất quện mùi thơm từ một loài cây dược liệu này cũng là nơi xuất hiện một nhân cách cao đẹp, một tấm lòng thảo thơm, đó là anh Triệu Văn Hòn, trưởng thôn Nà Mon.

Trong ngôi nhà sàn nhỏ đặc trưng của người Sán Chỉ vùng cao phía Bắc, anh Hòn dường như trẻ hơn với độ tuổi 47 của mình. Như hiểu ý tôi, anh Hòn vui vẻ nói rằng mình như vậy là đã già rồi, chứ ở vùng cao bây giờ, nhiều người trẻ hơn anh nhưng đã không ngừng làm giàu và tài giỏi lắm!

Ám ảnh cảnh nghèo khó

Người miền núi vẫn vậy, vẫn thật thà, hồn hậu đến khiêm nhường. Anh Hòn cũng vậy. Có thể chưa giàu, chưa giỏi như nhiều người khác, nhưng anh lại là tấm gương với sức vươn mạnh mẽ, với cách nghĩ và cách làm ít ai có được giữa một bản giáp biên giới với đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Anh Triệu Văn Hòn cho biết, anh từng mong muốn bản làng thoát khỏi cảnh nghèo khó với những mảnh đồi bạc màu và những ô ruộng bậc thang bé tí tẹo. Anh từng ước bàn chân mình được bước trên những con đường nhựa thẳng tắp, phẳng lỳ và rộng thênh thang thay vì những con đường đất nhỏ xíu lầy lội, hun hút với đầy sườn dốc và những khúc cua tay áo đặc trưng của vùng miền núi. Những nương ngô, nương lúa nhưng thưa bắp, thưa hạt luôn chưa đủ để anh và người thân ấm lòng giữa mùa đông giá rét với cái lạnh cắt da cắt thịt.

Có lẽ vì sinh ra ở một vùng đất nghèo khó nên anh thấu hiểu cái nghèo của một bản làng xa xôi. Và càng thấu hiểu, anh lại càng sợ cái nghèo đeo bám mình suốt đời. Ở quê anh, tuy là xa xôi với huyện lỵ nhưng không ít người đã khăn gói rời quê, bươn chải, lập nghiệp ở những vùng đất mới.

Anh Triệu Văn Hòn nói rằng tuy sinh ra ở Nà Mon nhưng anh từng một thời ám ảnh với quê hương mình. Bởi anh từng trải qua cảnh thức trắng đêm để canh từng giọt nước chảy vào thửa ruộng bậc thang nhưng cây lúa vẫn thoi thóp vì thiếu nước. Gia đình anh vì thế cũng chìm đắm trong đói nghèo.

Anh Triệu Văn Hòn từng trăn trở trước cảnh nghèo khó ở vùng đất Nà Mon.

Không dừng ở đó, thanh niên trong bản năm này qua năm khác không ngừng rời nhà, rời bản khiến nhiều ngôi nhà sàn rơi vào cảnh thiếu vắng bóng người, cô quạnh vì chỉ có người già và trẻ nhỏ bấu víu vào nhau giữa núi rừng mênh mông. Nhiều người dân ở Nà Mon, trong đó có cả đàn ông, đàn bà, thanh niên và cả những người mới đang độ tuổi học sinh vội vàng bước chân lên thành phố, thậm chí họ còn chẳng ngại vượt biên với mong muốn cuộc đời sẽ tươi sáng hơn.

Nhưng nhiều khi, ước mơ chỉ là ước mơ. Những thứ mà họ mang về sau một thời gian vất vả nơi đất khách quê người không phải là những đồng tiền đổi bằng mồ hôi công sức mà có khi lại là sự trải đời, thậm chí bằng cả sự hụt hẫng về cuộc sống nơi thành đô và sự vụn vỡ của những giấc mơ đổi đời. Nhìn những thực tế đó, anh Triệu Văn Hòn không khỏi chạnh lòng trước cuộc sống mưu sinh của người dân trong bản cũng như cuộc sống của chính gia đình mình.

Đổi đời trên quê hương

Ước mơ là vậy nhưng thực tế cuộc sống với cảnh người dân xa quê nhưng chưa chắc đã hạnh phúc giúp anh Hòn nhận ra: việc kiếm được đồng tiền đã khó, việc phải rời xa quê hương, người thân để bươn chải còn khó hơn. Vậy phải làm gì để thoát khỏi nghèo khó nhưng không phải xa thôn bản là điều không hề đơn giản với một người quanh năm gắn bó với đồi nương như anh. Trong khi đất đai thôn Nà Mon tuy rộng, tuy nhiều nhưng bạc màu, quanh năm bị rửa trôi và chẳng bằng phẳng.

Giữa lúc cuộc sống gia đình cũng rất khó khăn, một người bạn đã giới thiệu cho anh cây sả Java và bày cho anh cách trồng. Tò mò, anh tìm đến tận mô hình sản xuất thành công để xem thực hư và bị thuyết phục bởi loại cây này.

“Tôi từng đọc được một câu nói có ý rằng nếu bạn cố gắng hết sức khi làm một điều gì đó, thì cả thế giới sẽ giúp bạn”, anh Hòn nói và cho biết câu nói này có vẻ đúng với mình vì ít ra trong lúc khó khăn nhất, bế tắc nhất, anh đã được người bạn định hướng cho loại cây trồng phù hợp.

Người dân đã thu được trái ngọt từ cây sả Java.

Người dân đã thu được trái ngọt từ cây sả Java.

Nhưng không dừng lại ở đó, việc bén duyên với cây sả còn do chính tính tò mò, ưa học học quan sát của anh Triệu Văn Hòn khi đã không ngại đường sá xa xôi đến tận những mô hình trồng sả hiệu quả để kiên trì tìm hiểu, thuyết phục những người thành công chỉ bảo cho mình cách sản xuất sả phù hợp, hiệu quả. Nhờ kiên trì, cuối cùng anh đã có nền tảng để đưa cây sả về bén rễ trên đất đồi Nà Mon.

Tưởng chừng như thành công đã đến, nhưng anh Hòn cho biết, anh từng rơi vào hụt hẫng bởi những ngày không như ý sau đó. Theo đó, cái khó nhất không phải là cây sả không phát triển được mà là ngay chính người thân trong gia đình anh không tin tưởng vào sự thành công của loại cây này. Họ cho rằng trồng lúa trên nương, trồng cây lấy gỗ trên rừng còn chẳng ăn thua gì nữa là cây sả, vốn chỉ là một cây dược liệu và làm gia vị đơn thuần. Không chỉ người thân, mà nhiều hộ trong bản cũng bán tín bán nghi trước hiệu quả của cây sả Java.

Nhưng trách làm sao được, bởi khi được hỏi đến công dụng, giá trị kinh tế của cây sả thì rất nhiều người Sán Chỉ không biết hoặc chỉ biết qua loa.Vì thế, chuyện mọi người không tin vào bản thân mình, không tin vào mô hình trồng sả, theo anh Mòn, là điều dễ hiểu.

Cuối cùng, anh Hòn đã phải nhờ đến những thầy lang, những cán bộ vốn là người am hiểu về cây sả đến tận nhà nói giúp về giá trị của loài cây này thì người thân và bà con trong bản mới dần nghe theo hướng dẫn của anh để phát triển, nhân rộng diện tích trồng sả.

Không dừng lại ở đó, sau vài vụ, thấy trồng cây sả Java cho thu nhập cao hơn lúa ngô, anh đã mở rộng diện tích, đồng thời đầu tư hệ thống máy móc lên đến hàng trăm triệu đồng để làm tinh dầu sả cấp cho thị trường. Năm 2022, gia đình anh thu được 5 tấn sả Java. Đến năm 2023, gia đình anh thu được 7 tấn. Thu nhập mỗi năm trừ chi phí lãi 300-500 triệu đồng.

Có lẽ sự thành công của anh Hòn và người thân cũng là động lực để thu hút người dân trong thôn bản tham gia trồng sả hàng hóa. Đến nay, anh đã vận động 124/154 hộ gia đình trong bản tham gia trồng cây sả Java, thu nhập mỗi hộ bình quân 50 - 100 triệu đồng/năm.

Sả Java khá thích hợp với diện tích đất đồi núi của địa phương nên khi trưởng thành, cứ 45-50 ngày là có thể cho thu hoạch một đợt lá dùng để chế biến thành tinh dầu. Ngoài ra, lá sả sau khi đã tách tinh dầu được bà con phơi khô để dùng đun lò chưng cất thay củi và dùng làm phân hữu cơ bón ngô, lúa, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất.

Đặc biệt, thiên nhiên nơi đây có phần ưu ái cho cây sả vì nếu như những cây khác phải chăm sóc nhiều, thậm chí không hợp với vùng đất bạc màu, bị rửa trôi này thì trồng sả lại tốn rất ít công. Một lần trồng cây có thể cho thu hoạch nhiều năm liền.

Trải qua bao khó khăn, đến nay, anh Triệu Văn Hòn nhận ra rằng dù có chọn con đường nào, ngành nghề gì thì cũng đều có không ít khó khăn. Nhưng nếu không bỏ cuộc và có niềm tin cộng với sự cố gắng không ngừng nghỉ thì thành công luôn hé mở với mọi người.

Và đặc biệt, từ một cây trồng đơn thuần, nhưng phải làm sao để biến nó thành sản phẩm hàng hóa, có giá trị cao hơn mới giúp con đường mà mình lựa chọn có thể phát triển bền vững. Vì khi đã quyết đi theo con đường nông nghiệp thì khó khăn luôn đan xen. Khi sản xuất nhỏ, làm một mình thì khó thành công, không thể vươn ra thị trường rộng lớn. Nhưng khi làm lớn thì lại thiếu đủ thứ từ nhân lực, chi phí, máy móc, công nghệ… Chính vì vậy, vận động người dân cùng tham gia và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu là cách anh Hòn đang làm để mở rộng cơ hội tiếp cận công nghệ mới, vốn và kỹ thuật, đồng thời giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, có cái nhìn thiện cảm và đúng đắn về cây sả.

Chính vì vậy mà năm 2023, anh Triệu Văn Hòn là một trong 150 đại biểu có uy tín tiêu biểu, xuất sắc dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Và sả Java đang giúp bà con Nà Hon giải bài toán chuyển đổi cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả. Đây được coi như một bước đột phá góp phần mở ra nhiều hướng đi mới phát triển nông nghiệp bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Rồi một ngày không xa, mảnh đất đầy sỏi đá từng một thời nghèo khó Nà Mon sẽ tiếp tục xanh mát như tình yêu của anh Triệu Văn Mòn và những điều tốt đẹp được anh nhân lên giữa bản làng. Từ đây, nhiều người Sán Chỉ sẽ không phải ly hương, vất vả nơi đất khách quê người mà thay vào đó, họ vẫn thấy yên bình và no đủ trên chính quê hương của mình.

Tùng Lâm

Box 1:

Sự thành công của anh Hòn và người thân cũng là động lực để thu hút người dân trong thôn bản tham gia trồng sả hàng hóa. Đến nay, anh đã vận động 124/154 hộ gia đình trong bản tham gia trồng cây sả Java, thu nhập mỗi hộ bình quân 50 - 100 triệu đồng/năm.

BOX 2:

Vận động người dân cùng tham gia và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu là cách anh Hòn đang làm để mở rộng cơ hội tiếp cận công nghệ mới, vốn và kỹ thuật, đồng thời giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, có cái nhìn thiện cảm và đúng đắn về cây sả.

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nguoi-san-chi-lan-toa-huong-thom-sa-java-1097628.html