Người 'săn' khoảnh khắc

'Con ong làm mật, yêu hoa' - hình ảnh trong bài thơ 'Tiếng ru' của nhà thơ Tố Hữu là điều tôi nghĩ ngay đến trong buổi đầu gặp gỡ nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc. Sự cần mẫn trong sáng tạo nghệ thuật, góc nhìn độc đáo trong nắm bắt khoảnh khắc và sự chỉn chu khi làm nghề khiến tôi cảm phục anh…

Hai lần gặp gỡ

Lần đầu tiên tôi gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc là ở sự kiện tổng kết của một công ty cao su. Nhìn anh thoăn thoắt, chuyên tâm tác nghiệp, tôi nhớ đến câu thơ “Con ong làm mật, yêu hoa”. Do tính chất công việc, chúng tôi chỉ kịp trao đổi thông tin liên lạc và hẹn gặp vào một ngày khác.

Đến lần thứ hai gặp gỡ, tôi mới có dịp trò chuyện nhiều hơn với anh. Trong căn phòng studio mang đậm chất nghệ thuật ngay giữa trung tâm thị xã Bình Long, anh kể tôi nghe về chuyện đời, chuyện nghề, về sự khác biệt giữa “nghệ thuật nhiếp ảnh” và “nhiếp ảnh nghệ thuật”…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc trong một chuyến đi tác nghiệp

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc trong một chuyến đi tác nghiệp

31 năm theo đuổi niềm đam mê nhiếp ảnh, với người nghệ sĩ này, nhiếp ảnh không còn đơn thuần là câu chuyện về bố cục, màu sắc, chủ thể mà đó là những hành trình “săn” tìm khoảnh khắc, là những phút giây thăng hoa trong nghệ thuật. Hầu như 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, địa phương nào cũng có dấu chân anh. Những chuyến săn mây trên đỉnh Fansipan, những chuyến thăm thú Hội An phố cổ, đón nắng gió Tây Nguyên cùng bà con đồng bào hay về miền Tây sông nước chụp hoa ngày tết… đều để lại cho anh những trải nghiệm khó quên.

Anh Phúc hào hứng chia sẻ: “Để bắt trọn khoảnh khắc tự nhiên diễn ra một cách ngẫu nhiên cực hiếm, may mắn lắm mới gặp. Thông thường mình phải “săn”, phải “phục” vô cùng gian nan và tốn công sức. Có khi mình phải vượt qua đồi núi, sông nước, bùn lầy, có khi phải leo trèo cây cối để có góc chụp đẹp. Nhiều hôm, mình đi săn ảnh từ 3 giờ sáng để kịp bắt trọn thời điểm bình minh lên”.

Cho tôi xem một số tác phẩm anh đoạt giải trong nước và quốc tế, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc cho hay, khi chụp được một tác phẩm mình vừa ý thì cảm xúc rất khó tả, đó là sự mãn nguyện, lâng lâng vỡ òa xen lẫn niềm sung sướng, hạnh phúc. Chủ đề anh yêu thích nhất là thiên nhiên và đời sống sinh hoạt cộng đồng. Có lẽ vì thế, các tác phẩm của anh đều mang đậm hơi thở cuộc sống.

Rời studio đi tham quan phòng làm việc của anh, tôi nhận ra một điều đặc biệt ở người nghệ sĩ nhiếp ảnh này, đó là anh có thú vui sưu tầm các loại máy ảnh. Mỗi chiếc máy ảnh, mỗi chiếc ống kính đều mang trong nó một câu chuyện thú vị.

Sống trọn với đam mê

Khi nghe tôi ngỏ ý muốn cùng đi tác nghiệp, anh Phúc vui vẻ đồng ý ngay. Anh bật mí rằng, hơn 1 tháng nay đang “săn” khoảnh khắc hoàng hôn trên chùa Phật Quốc Vạn Thành (phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long). Nhìn anh trang bị máy móc, đồ bảo hộ kỹ lưỡng cho chuyến đi, tôi lại ngỡ anh như tay đua công thức 1 sắp sửa vào trận đấu.

Một trong những tác phẩm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc

Một trong những tác phẩm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc

“Mình rất thích chụp những bối cảnh hoặc khoảnh khắc diễn ra trong một ngày. Có những khoảnh khắc trong bối cảnh ấy diễn ra theo chu kỳ đều đặn mỗi ngày như bình minh, hoàng hôn… thì mình nhất định phải chụp cho bằng được. Có những khoảnh khắc đẹp chỉ diễn ra một lần trong đời nhưng không ghi lại được khiến mình tiếc nuối mãi” - vừa lắp đặt và chỉnh thông số máy ảnh anh Phúc vừa chia sẻ.

Sau những “canh, lia, bấm, chụp” sắc hoàng hôn rực đỏ phía chân trời, phút giải lao, tôi hỏi anh về niềm đam mê nhiếp ảnh. Anh cười và chỉ nói gói gọn trong câu: “Hoài bão nuôi trong tâm trí, lý tưởng ấp ủ trong tim, dùng cả cuộc đời để sống trọn với niềm đam mê”. Nhiếp ảnh nghệ thuật không chấp nhận sự cẩu thả. Một tác phẩm tốt chính là sự hội tụ của kinh nghiệm, kỹ thuật và tâm hồn người nghệ sĩ đặt vào đó. Chỉ đến khi chụp được tác phẩm ưng ý, mãn nhãn, người nghệ sĩ mới thực sự chạm đến cảm xúc thăng hoa trong nghệ thuật nhiếp ảnh.

Nói về cuốn sách “Tự học nhiếp ảnh từng điểm một” và nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Quốc Tuấn, anh Phúc cho biết đó là cuốn sách khởi nguồn đam mê và nghệ sĩ Hoàng Quốc Tuấn là người thầy đầu tiên đã truyền cảm hứng, nguồn năng lượng tích cực giúp anh vững tin trên con đường đã chọn. Theo anh Phúc, ai cũng có thể theo đuổi lĩnh vực nhiếp ảnh, chỉ cần người đó có niềm đam mê cháy bỏng, sự năng nổ, đầu tư và dám hy sinh trong quá trình sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Cũng theo chia sẻ của người nghệ sĩ nhiếp ảnh giàu kinh nghiệm này, các bạn trẻ nếu đam mê nhiếp ảnh, hãy vào sinh hoạt trong một tổ chức chuyên môn để có thêm điều kiện học tập, cọ xát, nâng cao kiến thức về lĩnh vực này. Từ đó, sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chân chính cống hiến cho công chúng.

Trong lĩnh vực nhiếp ảnh của Bình Phước, người ta biết nhiều đến cái tên Nguyễn Văn Phúc, bởi anh là nghệ sĩ nhiếp ảnh duy nhất của tỉnh đến thời điểm này là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và được phong tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Bên cạnh những giải thưởng nhiếp ảnh trong nước, anh còn có những tác phẩm đoạt giải thưởng quốc tế.

Ngọc Huyền

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/144583/nguoi-san-khoanh-khac