Người tận hiến cho văn hóa dân gian!
GS Tô Ngọc Thanh, con trai trưởng của danh họa Tô Ngọc Vân, người cả đời gắn bó với văn hóa dân gian, đã qua đời sáng 24-4 tại Hà Nội
GS Tô Ngọc Thanh sinh năm 1934 tại Hà Nội, là con trai của danh họa Tô Ngọc Vân. Quê ông ở Văn Giang, Hưng Yên.
Từ bỏ hội họa vì mê âm nhạc
Từ nhỏ ông đã được định hướng theo con đường hội họa của cha, nhưng GS lại có niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc. Lúc sinh thời ông từng kể, theo lời bà nội và mẹ ông, hồi bé, nếu không hát ru thì ông không ngủ. Lớn lên ra Hà Nội ở với bố, không ai hát ru cho nữa nhưng GS nhận ra mình thích âm nhạc.
Ông thường trốn nhà đi nghe hát xẩm ở đầu phố Khâm Thiên (Hà Nội) hay đến nhà nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, kiễng chân nhìn vào bên trong để say mê nghe hát ả đào. Có những lúc ông đến Bờ Hồ chỉ để nghe tiếng sáo của mấy người bán sáo dạo, nghe mãi không thấy chán. Sau tiết kiệm được 15 xu, ông mua một cây sáo về tự học thổi.
Trong kháng chiến chống Pháp, từ năm 1949 đến năm 1951, ông hoạt động trong đoàn Văn hóa kháng chiến. Năm 1951, đoàn Văn hóa kháng chiến giải thể, GS Tô Ngọc Thanh thi đỗ vào Trường Âm nhạc Việt Bắc, sau đó tiếp tục theo học Khoa Sáng tác, Trường Âm nhạc Việt Nam khóa đầu tiên.
Ông học nhạc nhưng chơi với anh em nghệ sĩ chèo, đi xem hầu đồng... và ngấm dần văn hóa truyền thống. GS Tô Ngọc Thanh từng cho hay trường nhạc lúc ấy chỉ dạy nhạc cổ điển phương Tây, trong khi ông ham tìm hiểu về dòng âm nhạc dân gian Việt Nam. Ông quan niệm âm nhạc dân gian chính là âm nhạc của cuộc sống, bởi muốn hiểu người, hiểu đời thì phải hiểu ngọn nguồn của văn hóa.
Năm 1959, ông được phân công về Ban Nghiên cứu âm nhạc thuộc Vụ Nghệ thuật, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) và nghiên cứu về âm nhạc dân gian. Từ đây, ông bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa dân gian.
Năm 25 tuổi, GS Tô Ngọc Thanh khoác ba lô lên Tây Bắc, bắt đầu hành trình sưu tầm nghiên cứu âm nhạc dân gian các dân tộc, sống hòa nhập cùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao. GS Tô Ngọc Thanh đã dành hàng chục năm lặn lội khắp núi rừng, buôn bản vùng Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên, ông đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc.
Bề dày trải nghiệm cuộc sống
GS Tô Ngọc Thanh dành phần lớn thời gian trong cuộc đời để sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian của các dân tộc. Ông từng nói: "Tôi đã có hơn 3 năm sống chung với người dân địa phương. Năm đầu học tiếng, không biết tiếng thì không thể tìm hiểu, nghiên cứu được gì, sau đó sống cùng họ, từ ăn mặc đến phong tục sinh hoạt. Cuộc đời tôi phần lớn thời gian sống với đồng bào dân tộc thiểu số nhiều hơn ở nhà".
"Bố tôi từng nói "Đừng làm cái mình không biết". Tôi đã lấy câu nói của bố dạy dỗ làm châm ngôn sống cho bản thân" - GS Tô Ngọc Thanh từng tâm sự.
Không nhiều người hiểu được công việc của GS Tô Ngọc Thanh, ông từng kể có người cho rằng ông là cổ lỗ sĩ. Tuy nhiên, GS không bận tâm người khác nghĩ gì. Công việc của ông tuy không mang lại sự giàu có về tiền bạc nhưng được làm việc mình say mê, với ông là hạnh phúc.
Hơn nửa thế kỷ lặn lội khắp núi rừng thực hiện các đợt điền dã, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, GS Tô Ngọc Thanh đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc, công bố rộng rãi ở trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như công trình "Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc" (1969); tác phẩm "Âm nhạc dân gian Mường" (1971); "Âm nhạc dân gian nhóm tộc người Nam Á ở Việt Nam" (1979); "Tìm hiểu âm nhạc cổ truyền" - viết chung với nhạc sĩ Hồng Thao (1982); "Folklor Bahnar", do ông chủ biên (1988); "Nhạc cụ các dân tộc thiểu số Việt Nam" (1995); tư liệu "Âm nhạc cung đình Việt Nam" (2000); "Ghi chép về văn hóa và âm nhạc" - công trình đồ sộ, dày hơn 900 trang, với 43 bài nghiên cứu sâu rộng, sâu sắc về văn hóa và 30 bài nghiên cứu sâu sắc về âm nhạc.
GS Tô Ngọc Thanh nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý nâng cao, đưa vào đời sống văn hóa cộng đồng 12 tập dân ca tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số và 30 tập dân ca chuyên đề từng dân tộc. Đây là những công trình khoa học thể hiện sự am hiểu sâu rộng, có bề dày trải nghiệm cuộc sống thực tiễn của GS Tô Ngọc Thanh.
Năm 1978, GS Tô Ngọc Thanh bảo vệ thành công xuất sắc luận án và được phong học vị phó tiến sĩ tại Nhạc viện Quốc gia Bulgaria. Năm 1988, ông bảo vệ luận văn xuất sắc và được phong học vị tiến sĩ khoa học về chuyên ngành âm nhạc tại Nhạc viện Quốc gia Bulgaria. Ông được phong PGS năm 1984 và được phong GS năm 1991.
Năm 1990, GS Tô Ngọc Thanh được bổ nhiệm chức Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật. Năm 1996, ông được bổ nhiệm chức Viện trưởng của viện này. Liên tục 6 nhiệm kỳ, từ khóa 2 (1989-1995) đến khóa 7 (2015-2020), ông được Đại hội toàn quốc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam bầu làm Tổng Thư ký rồi Chủ tịch Hội, Bí thư Đảng Đoàn Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.
Ông là người có công lao trong việc sáng lập, viết giáo trình, trực tiếp giảng dạy với chất lượng chuyên sâu rất cao bộ môn "Bảo tồn âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguoi-tan-hien-cho-van-hoa-dan-gian-196240424205944371.htm