Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước năm 2021 có thể được nghỉ hưu sớm

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 1/1/2021, nếu đã đóng đủ 20 năm và đủ tuổi theo quy định trước 1/7/2025, sẽ được hưởng lương hưu sớm hơn so với lộ trình chung.

Theo Thông tư số 11/2025/TT-BNV của Bộ Nội vụ, người đã tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trước ngày 1/1/2021, nếu đã đóng đủ từ 20 năm trở lên và đạt độ tuổi 60 đối với nam hoặc 55 tuổi đối với nữ trước ngày 1/7/2025, sẽ được quyền nghỉ hưu từ ngày 1/7/2025 mà không cần tiếp tục tham gia BHXH.

Quy định này tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ hưu sớm hơn từ 2 đến 5 năm so với lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động năm 2019. Việc xác định thời điểm hưởng lương hưu được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau khi người lao động đủ điều kiện về tuổi và thời gian tham gia BHXH, đồng thời có yêu cầu nhận lương hưu.

Trong trường hợp người lao động tiếp tục đóng BHXH tự nguyện sau khi đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, thời điểm bắt đầu nhận lương hưu sẽ được tính từ tháng liền kề sau khi dừng đóng và có đề nghị hưởng chế độ.

Tương tự, với những người đang đóng theo kỳ hạn ba tháng, sáu tháng, mười hai tháng hoặc đóng một lần cho nhiều năm, nếu đã đủ điều kiện nghỉ hưu và có yêu cầu nhận chế độ, thì thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu cũng là từ tháng kế tiếp sau tháng đủ điều kiện.

Trường hợp đã đủ điều kiện hưởng lương hưu trước ngày 1/7/2025 mà không tiếp tục đóng BHXH từ thời điểm đó, thì cũng sẽ được nhận lương hưu kể từ ngày Luật BHXH chính thức có hiệu lực, tức ngày 1/7/2025.

Riêng đối với người đóng một lần cho thời gian còn thiếu theo quy định tại Nghị định số 159/2025/NĐ-CP, thời điểm hưởng lương hưu sẽ bắt đầu từ tháng kế tiếp sau khi hoàn tất việc đóng đủ thời gian.

Trường hợp người tham gia không có ngày sinh hoặc tháng sinh cụ thể (chỉ xác định được năm sinh), thì tháng 1 của năm sinh sẽ được lấy làm căn cứ để tính tuổi nghỉ hưu, từ đó xác định thời điểm đủ điều kiện nhận lương hưu.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cũng ghi nhận nhiều điểm mới đáng chú ý nhằm mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện. Đáng kể nhất là quy định rút ngắn thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ ngân sách nhà nước cũng được điều chỉnh tăng đáng kể. Theo Nghị định số 159/2025/NĐ-CP, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hỗ trợ một phần chi phí đóng theo các mức: 50% với hộ nghèo; 40% với người sống tại xã đảo, vùng đặc biệt khó khăn; 30% với hộ cận nghèo; và 20% với các nhóm đối tượng khác.

Thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm, và nếu người tham gia thuộc nhiều nhóm hỗ trợ khác nhau thì được hưởng theo mức cao nhất. Đây là bước cải tiến lớn so với quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP trước đây.

Một điểm mới nổi bật khác là việc bổ sung chế độ thai sản vào BHXH tự nguyện. Theo quy định mới, người tham gia nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ được nhận trợ cấp thai sản với mức 2 triệu đồng cho mỗi con sinh ra.

Khoản hỗ trợ này được chi trả từ ngân sách nhà nước, người lao động không phải đóng thêm bất kỳ khoản nào. Đối với lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, sẽ được hưởng thêm các chính sách hỗ trợ riêng theo quy định của Chính phủ.

Những chính sách mới nói trên không chỉ thể hiện nỗ lực mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội, mà còn góp phần gia tăng động lực cho người lao động trong khu vực phi chính thức, nông thôn và người dân có hoàn cảnh khó khăn chủ động tham gia BHXH tự nguyện, hướng đến mục tiêu an sinh bền vững trong tương lai.

NH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/nguoi-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-truoc-nam-2021-co-the-duoc-nghi-huu-som-319828.html