Người thầy 'từ mẫu' của chúng tôi
Vừa qua, cán bộ, nhân viên Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức một buổi liên hoan chia tay Đại tá, PGS, TS, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Trọng Lưu, nguyên Chủ nhiệm khoa, về nghỉ hưu theo chế độ.
Liên hoan đáng lẽ phải vui nhưng trong chúng tôi ai cũng bâng khuâng, lưu luyến với anh Lưu-một người chỉ huy mẫn cán và trách nhiệm, một người thầy tâm huyết luôn dìu dắt, giúp đỡ, dạy bảo cán bộ, nhân viên của Khoa, một người lạc quan, lắm tài, vừa là nhạc sĩ, vừa là nghệ sĩ nhiếp ảnh...
Tận tụy với công việc, trách nhiệm với đồng nghiệp
Bên cạnh những bó hoa tươi thắm, chúng tôi phải cố gắng kìm những giọt lệ để gửi tới Đại tá Nguyễn Trọng Lưu lời chúc luôn mạnh khỏe, sống hạnh phúc bên gia đình và con cháu. Nắm bàn tay ấm áp của anh, trong tôi bỗng ùa về những kỷ niệm về anh. Đại tá Nguyễn Trọng Lưu có ước mơ làm thầy thuốc cứu người từ thơ ấu. Năm 1978, sau những cố gắng trong học tập, anh thi đỗ và trở thành học viên Học viện Quân y. Đến năm 1987, anh được điều về Viện Quân y 108, nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, làm bác sĩ điều trị của Khoa Phục hồi chức năng. Năm 2005, anh được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa.
Ngày ấy, lần đầu tôi gặp anh, cũng là lúc anh đang chăm chú với các bệnh án để nghiên cứu phương pháp điều trị bệnh. Nhìn thái độ nghiêm túc và căn phòng làm việc ngăn nắp, cảm nhận đầu của tôi về anh là một bác sĩ rất chỉn chu, trách nhiệm với công việc, nghiêm khắc với bản thân. Chính điều ấy đã làm tôi e ngại khi tiếp xúc với anh. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, những nỗi e ngại tan biến từ lúc nào không hay, vì qua cuộc sống, công tác, tôi thấy anh rất dễ gần, luôn quan tâm, giúp đỡ cán bộ, nhân viên trong Khoa từ cuộc sống đời thường đến chuyên môn nghiệp vụ.
Đối với các bác sĩ mới về Khoa, anh luôn dành sự chỉ bảo tận tình, chia sẻ các kinh nghiệm, kiến thức chuyên ngành, tình yêu nghề, sự gắn kết, tận tâm, những bài học về tình yêu thương người bệnh, yêu thương đồng nghiệp, về đối nhân xử thế... Có lần thấy tôi trăn trở với một ca bệnh hiếm gặp và phức tạp, anh ân cần hướng dẫn tôi tìm ra nguyên nhân của bệnh, giúp tôi lên phác đồ điều trị. Nhờ vậy, ca bệnh đã được điều trị đạt hiệu quả cao nhất. Cũng qua đó, tôi học được ở anh tình yêu với nghề, tấm lòng “từ mẫu” đối với bệnh nhân. Học những đức tính của anh, tôi càng có thêm động lực, đam mê và trách nhiệm hơn trong công việc của mình.
Đến khi được bổ nhiệm vị trí chỉ huy, anh vẫn luôn dành thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi để truyền thụ kinh nghiệm, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho các bác sĩ, kỹ thuật viên trẻ trong Khoa. Anh luôn tâm niệm: “Người đi trước phải hướng dẫn cho người đi sau để kế thừa và cùng phát triển”, bởi trong nghề y thì kinh nghiệm và sự từng trải luôn được đánh giá cao, là yếu tố quan trọng để làm nghề hiệu quả và thành công hơn. Đặc biệt, anh rất chú trọng rèn luyện y đức cho cấp dưới, thường xuyên nhắc nhở cán bộ, nhân viên trong Khoa có thái độ ứng xử, giao tiếp chan hòa với người bệnh, coi nỗi đau của người bệnh như nỗi đau của chính mình.
Công việc đặc thù của Khoa Phục hồi chức năng khá vất vả. Chúng tôi phải điều trị cho nhiều người bệnh cao tuổi, đủ thứ bệnh, phải điều trị dài ngày, ảnh hưởng đến tâm lý của cả bệnh nhân cũng như người nhà. Những lúc khó khăn như vậy, anh luôn động viên chúng tôi phải có sự tận tâm, chịu khó và ân cần đối với từng người bệnh.
Anh bảo: "Nghề mà chúng ta đã chọn đòi hỏi cả sự hy sinh và vất vả, nhưng chúng ta luôn làm việc bằng cả trái tim và tinh thần nhiệt huyết. Mỗi khi nhìn thấy bệnh nhân khỏe mạnh, niềm vui ùa về và chúng ta lại tiếp tục gắn bó với nghề của mình. Đó là sứ mệnh của chúng ta và chúng ta tự hào vì có thể đóng góp vào việc cải thiện, phục hồi sức khỏe cho người bệnh".
Với cương vị là “thuyền trưởng”, anh cùng tập thể đồng lòng vượt khó, xây dựng Khoa ngày càng phát triển lớn mạnh, đóng góp vào thành công chung của Bệnh viện. Đồng thời, đơn vị khẳng định được vị thế, vai trò và uy tín của mình trong chuyên khoa đầu ngành về phục hồi chức năng trong Quân đội và cả nước. Nhiều năm liền, Khoa được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng và được các cấp khen thưởng vì có nhiều thành tích xuất sắc trong chăm sóc, điều trị cho cán bộ Đảng, Nhà nước, bộ đội và nhân dân. Đặc biệt, việc thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép chi thể từ người sống đã góp phần phát triển nền y học Việt Nam.
Ngoài ra, anh Lưu còn là người say mê nghiên cứu khoa học. Tính đến nay, anh đã chủ trì hơn 70 công trình được công bố trên các tạp chí, đồng thời tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Bệnh viện. Trên chặng đường cống hiến, phục vụ Quân đội, tham gia chăm sóc, điều trị sức khỏe bộ đội và nhân dân, Đại tá Nguyễn Trọng Lưu luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện trọn vẹn y đức của người thầy thuốc quân y, không ngừng cống hiến cho sự phát triển, từng bước tiến xa, vươn tới những thành công của Khoa Phục hồi chức năng nói riêng và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói chung.
Bác sĩ quân y đa tài
Ngày chia tay, anh Lưu ân cần nhắc nhở tôi: "Ngoài chuyên môn, phải tìm cho mình một niềm vui khác trong cuộc sống. Có niềm vui thì mình sẽ giảm áp lực trong công việc, lấy lại tinh thần, trí lực để lo cho công việc tốt hơn. Nó cũng như là nêm gia vị để nồi canh thêm đậm đà, thêm ngon".
Với tôi, kỷ niệm về anh còn là người cán bộ lạc quan, yêu đời, tươi trẻ với niềm đam mê sáng tác nhạc và nhiếp ảnh. Đến nay, “gia tài” của anh có kha khá những tác phẩm chất lượng tốt, được giới nghệ sĩ ghi nhận và khán giả đánh giá cao. Một trong những bài hát của anh mà tôi thuộc làu làu là bài “Mẹ gọi tên anh”: "Cánh cửa ấy đêm đêm vẫn mở/ Khói nhang mờ quyện với sương khuya.../ Anh đã thành áng mây Trường Sơn/ Theo gió trời bay xa thật xa/ Lá trầu khô bình vôi hóa đá/ Mẹ lặng yên ngồi ngóng con về". Thanh âm của bài hát trầm lắng trong tim tôi khi nhớ về những gian lao của cha, mẹ ngày trước. Khi chia sẻ với anh, tôi được biết, là người lính có quãng thời gian công tác xa nhà, xa mẹ nên anh Lưu rất thấu hiểu nỗi lòng, tình cảm của mẹ dành cho anh. Chính vì vậy, anh đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để viết về người lính và những người mẹ lính, coi đó là sự tri ân đối với những hy sinh, cống hiến của họ cho Tổ quốc.
Cũng theo anh, từ dòng cảm xúc cuộn trào, bài hát “Mẹ gọi tên anh” được hoàn thành chỉ trong một đêm, ca ngợi công ơn của người mẹ Việt Nam luôn sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời mình để chở che, bao bọc cho con, có tấm lòng bao dung tạc trong trầm ngâm hóa đá, mong ngóng, mãi trông chờ đứa con trở về. Sau đó, tác phẩm đã được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình Phát thanh Quân đội và các kênh truyền hình: VTV1, VTV3; được biểu diễn trong nhiều chương trình ca múa nhạc tại những sự kiện lớn của đất nước và Quân đội. Ngoài ra, anh còn nhiều tác phẩm rất quen thuộc như: "Vinh quang Bệnh viện anh hùng", "Lá cờ Tổ quốc giữa Biển Đông", "Có những tấm lòng"...
Ngoài âm nhạc, anh Lưu còn rất thích bộ môn nhiếp ảnh. Những tấm ảnh anh chụp đều có chiều sâu về cảm xúc và suy tưởng, chứa những giá trị nhân sinh, mang tính triết lý sâu sắc. Anh cũng có nhiều tác phẩm ảnh về Hà Nội đã được triển lãm, riêng "Một thoáng Hà Nội" là một trong những tác phẩm anh tâm đắc nhất. Tấm ảnh đã được Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội lựa chọn là một trong 1.000 tấm ảnh tiêu biểu để in trong cuốn sách ảnh 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
40 năm gắn bó với nghề, anh Lưu tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ-người thầy thuốc của nhân dân. Tôi luôn cảm thấy may mắn vì được công tác cùng anh, được anh dày công giúp đỡ, rèn giũa, trưởng thành. Sau buổi liên hoan, chúng tôi rất vui khi được nghe anh tâm sự rằng, nghỉ hưu nhưng không có nghĩa là nghỉ ngơi. Anh vẫn sẽ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, bởi lẽ người bệnh hạnh phúc 1 thì mình hạnh phúc 10. Anh dặn dò chúng tôi phải luôn trau dồi kiến thức chuyên môn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm với nghề.
Dù không còn sát cánh bên chúng tôi, nhưng anh luôn dõi theo những bước tiến của mỗi người. Có khó khăn gì cần giúp đỡ, anh luôn sẵn sàng đồng hành. Anh mong tất cả những ai làm nghề thầy thuốc nói chung và cán bộ, nhân viên của Khoa nói riêng, luôn phát huy tốt tinh thần “thầy thuốc như mẹ hiền”, phát huy tốt chuyên môn, nâng cao y đức để là điểm tựa tinh thần, là cánh tay nâng đỡ bệnh nhân trong nguy khó.