Người theo đuổi tiếng đàn: 'Tiểu thuyết âm nhạc' thuần khiết
Một cuốn 'tiểu thuyết âm nhạc' thuần khiết và rung động lòng người, về tình yêu và sự mất mát, đã chiến thắng gần như tất cả giải thưởng Văn học Đài Loan năm 2020, 2021 và được bán bản quyền xuất bản tại 20 nước.
Một người đàn ông trung niên ngoài 40 tuổi dung mạo bình thường làm nghề chỉnh đàn dương cầm, ít ai biết được anh là một thiên tài về âm nhạc. Nhưng chấn thương tình cảm khi còn trẻ khiến cuộc sống của người chỉnh đàn luôn bị mắc kẹt trong thời gian và cảm xúc đã mất.
Anh tìm niềm vui với cây đàn piano trứ danh thuộc sở hữu của một cô giáo dạy nhạc ngoài 30 tuổi. Chỉ một thời gian ngắn sau, cô giáo qua đời vì ung thư. Chồng cô, một doanh nhân hơn 60 tuổi đã gặp người thợ chỉnh đàn khi ông xử lý cây đàn piano do người vợ đã khuất của mình để lại. Đồng cảm bởi sự mất mát trong cuộc sống và lương duyên với cây đàn dương cầm, cả hai cùng nhau bước vào con đường tìm kiếm cây đàn piano đích thực thông qua việc buôn bán đàn cũ.
Trôi chảy như một bản độc tấu piano, họ đang tìm kiếm những cây đàn piano, và họ cũng đang tìm kiếm lại bản thân chính mình. Mỗi câu trong sách đều giống như một nốt nhạc, chính xác và tao nhã, cấu thành sự tàn khốc của tình yêu và nỗi cô đơn.
Người theo đuổi tiếng đàn là một cuốn tiểu thuyết đầy sức mạnh, viết về âm thanh của âm nhạc, của những cây đàn dương cầm và của trái tim; từ Rachmaninoff đến Schubert, từ Glenn Gould đến Richter, từ tiềm năng chưa được khai thác đến tình yêu đơn phương.
Đọc Người theo đuổi tiếng đàn giống như lắng nghe một khúc nhạc du dương, trầm bổng, khiến người ta bất giác nhớ đến Vũ điệu những cái bóng hạnh phúc của Alice Munro, Dạ khúc của Kazuo Ishiguro, Chết ở Venice của Paul Thomas Mann, Kim Các tự của Yukio Mishima, hay thậm chí là Ong mật và sấm rền của Riku Onda...
Cuốn tiểu thuyết ngắn này có thể là bức chân dung về một người nghệ sĩ “thất bại” nhưng đồng thời cũng mô tả sự theo đuổi vẻ đẹp tối thượng trong âm nhạc và tình yêu.
Âm nhạc và nhạc cụ được mô tả rất nhiều trong cuốn sách Người theo đuổi tiếng đàn. Một người từ nhỏ đã nghe nhạc, nghe hát như Quách Cường Sinh sở hữu đôi tai rất biết thẩm âm. Ông viết một cuốn tiểu thuyết dưới lăng kính của thính giác khiến tình cảm trở nên thanh thuần và biến ảo. Cuốn tiểu thuyết kể về nghệ thuật và hơn hết là về nghệ thuật kể chuyện xây dựng tiểu thuyết mà ở dó tình yêu luôn là nghệ thuật cuối cùng trong các tác phẩm của ông.
Tác giả Quách Cường Sinh sinh năm 1964. Ông tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ Đại học Đài Loan (Trung Quốc), Tiến sĩ Sân khấu Kịch tại Đại học New York (Mỹ) và hiện là Giáo sư khoa Ngôn ngữ và Sáng tác của Đại học Giáo dục Đài Bắc (Trung Quốc).
Ông viết nhiều tác phẩm trong đa dạng thể loại: tiểu thuyết, nghị luận văn học, tản văn, kịch… Quách Cường Sinh đã đạt nhiều giải thưởng lớn trong lĩnh vực sáng tác: giải thưởng Văn học thời báo, giải Sách hay, giải vàng Văn học Đài Loan, giải Kim Đỉnh, giải Cửu Ca Tiểu thuyết của năm...
Tính đến thời điểm hiện tại, Người theo đuổi tiếng đàn là tác phẩm hay nhất của Quách Cường Sinh, cũng là một trong những tiểu thuyết xuất sắc hiếm có của văn học Đài Loan (Trung Quốc). Cuốn tiểu thuyết đã được bán bản quyền tại gần 20 quốc gia trên thế giới.