Người thêu tranh trên lá bồ đề ở thành phố công nghiệp

Cây bồ đề đóng vai trò quan trọng trong nhiều nghi lễ tôn giáo, được trồng khắp nơi trên thế giới. Lá bồ đề cũng là biểu tượng thiêng liêng của sự giác ngộ trong Phật giáo. Đây cũng là nguyên nhân khiến chị Trần Thị Mỹ Linh, ngụ phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa chọn theo đuổi nghệ thuật thêu tranh trên lá bồ đề.

Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi hoặc những ngày nghỉ, chị Trần Thị Mỹ Linh lại ngồi tỉ mẫn thêu tranh trên lá bồ đề. Ảnh: B.Nguyên

Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi hoặc những ngày nghỉ, chị Trần Thị Mỹ Linh lại ngồi tỉ mẫn thêu tranh trên lá bồ đề. Ảnh: B.Nguyên

Theo chị Linh, thêu tranh trên lá bồ đề đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn vượt xa so với các công việc khác. Nhưng chị vẫn kiên trì gắn bó vì tranh thêu lá bồ đề thực sự là tác phẩm nghệ thuật độc đáo, giàu giá trị văn hóa, tinh thần và mang ý nghĩa cho sự may mắn, hạnh phúc về mặt tâm linh.

Sản phẩm thủ công biểu tượng cho may mắn, hạnh phúc

Chị Trần Thị Mỹ Linh hiện đang công tác tại Ban Kinh tế - xã hội, Hội Nông dân tỉnh. Cái duyên chị gắn bó với nghệ thuật thêu tranh trên lá bồ đề là từ một lần tham gia tổ chức đưa đoàn cán bộ, hội viên, nông dân của tỉnh đi học tập kinh nghiệm sản xuất hữu cơ tại tỉnh Ninh Bình. Biết về nghệ thuật thêu tranh trên lá bồ đề, càng tìm hiểu càng mê nên chị mày mò học hỏi về kỹ thuật làm sống lại nghề thêu thủ công truyền thống trên một loại nguyên liệu hoàn toàn mới mẻ, độc đáo.

Theo chị Linh, điều chị ấn tượng nhất khi biết về nghệ thuật thêu tranh trên lá bồ đề là sự kết hợp giữa nghề thêu thủ công truyền thống trên nguyên liệu hoàn toàn mới là lá bồ đề. Càng tìm hiểu về giá trị của cây bồ đề, chị lại càng quyết tâm học nghệ thuật thêu trên lá của loài cây này.

Tương truyền, cách đây khoảng 2500 năm tại Ấn Độ, Phật Tổ ngồi dưới gốc bồ đề ngộ ra giáo lý của Phật giáo và thành chính quả. Từ đó, cây bồ đề được biết đến như là cây của giác ngộ, học vấn và thức tỉnh nên còn được gọi là “cây giác ngộ”. Cây bồ đề cũng được trồng tại khắp mọi miền đất nước, biểu đạt cho sự bình yên nơi cửa Phật.

Chị Linh chia sẻ thêm: “Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, lá bồ đề cũng có kiểu dáng rất đặc biệt, hình trái tim, tỏa ra sự nhẹ nhàng nhưng cũng rất mạnh mẽ. Mỗi chiếc lá bồ đề đều có vẻ đẹp độc nhất, không có chiếc lá nào giống nhau hoàn toàn. Chính vì vậy, khi thêu trên lá bồ đề, tôi cảm nhận được sự hài hòa giữa thiên nhiên và nghệ thuật. Đặc biệt, tôi muốn trao đến mọi người sản phẩm tranh thêu lá bồ đề như món quà lưu niệm với ý nghĩa mang đến sự may mắn, hạnh phúc”.

Theo chị Linh: “Bằng những sợi chỉ nhỏ, đa màu, tôi tạo tác nên những bức tranh thêu trên lá sống động, độc đáo, đong đầy cảm xúc. Bên cạnh ý nghĩa tâm linh hướng thiện, bình yên và may mắn, tôi muốn gửi gắm vào từng tác phẩm tình yêu, những kết nối chân thành và sự an yên khi ngắm tác phẩm nghệ thuật này”.

Hành trình rèn luyện tâm hồn

Vừa tỉ mẩn thêu từng nét chỉ trên lá bồ đề, chị Linh vừa kể: “Để tạo ra tác phẩm tranh thêu lá bồ đề, người làm phải rất tỉ mỉ từ giai đoạn chọn lá. Khi lựa chọn lá bồ đề để thêu, tôi chọn những lá bánh tẻ để đủ độ chín của lá và thường hái vào tháng 6-7 lá mới dày, cứng và bền”.

Lá bồ đề lý tưởng sẽ có độ dày vừa phải, đủ chắc chắn để chịu được sự hoạt động của kim chỉ, nhưng vẫn giữ được mức độ mềm mại cần thiết để không biến dạng lá. Người thêu phải chọn những lá cân đối, đủ độ rộng để có diện tích vẽ được toàn bộ bức tranh với các chi tiết rõ ràng. Màu sắc lá phải đều, không bị sâu bệnh, đốm, cháy lá, giúp cho sản phẩm trông tươi mới, sống động. Việc chọn lá có màu sắc đồng đều và tự nhiên cũng giúp dễ dàng phối hợp với các màu khi thêu, tạo nên tổng thể đẹp và ấn tượng.

Công đoạn xử lý để lấy xương lá đều làm bằng phương pháp thủ công. Người làm phải ngâm lá vào nước vôi trong khoảng 2 tháng, sau đó dùng bàn chải lông mềm chải sạch diệp lục; có thể dùng enzyme tự nhiên hoặc nấu sôi lá dưới lửa nhỏ từ 3-5 tiếng để làm tan chất diệp lục rồi xả lại bằng nước lạnh và dùng bàn chải lông mềm chải sạch diệp lục.

Sự đa dạng của những bức tranh thêu trên lá bồ đề.

Sự đa dạng của những bức tranh thêu trên lá bồ đề.

Người thêu phải sưu tầm, chọn lựa được những mẫu thêu đẹp, ý nghĩa và vẽ phác thảo mẫu lên giấy rồi mới tỉ mỉ dùng bút chì đồ từng nét in của mẫu thêu lên lá. Công đoạn thêu trên lá lại càng kỳ công bởi lá bồ đề rất tinh tế, xương lá mong manh, rất dễ rách nếu không cẩn thận hay thao tác thêu không uyển chuyển. Người thêu cũng phải lựa loại chỉ thêu có độ mảnh và bền cao, như chỉ cotton hoặc chỉ tơ nhân tạo có độ bóng, mịn thì mới thêu được các chi tiết nhỏ và phức tạp mà không làm rách lá.

Chị Linh nhớ lại: “Bước đầu thử nghiệm thêu trên xương lá bồ đề, mình chưa quen với chất liệu mới này nên khi thêu lá bị rách liên tục nhưng lại càng tạo động lực để tôi rèn luyện bản thân. Người thêu phải thật sự rèn luyện được sự thiền định, an yên trong tâm hồn thì mới có thể kiên trì gắn bó. Với tôi, 1 tác phẩm tranh thêu lá bồ đề không chỉ đẹp, độc đáo về hình thức mà còn ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc, tốt đẹp về mặt tinh thần”.

Ngoài làm theo ý tưởng, mong muốn của khách, chủ đề chính trong các tác phẩm tranh thêu lá bồ đề của chị Linh thường thể hiện sự kết nối giữa con người và thiên nhiên. Mỗi chiếc lá bồ đề, với vẻ đẹp mong manh mà bền bỉ, là biểu tượng cho tình yêu thương của con người dành cho nhau, tình yêu với thiên nhiên, văn hóa dân tộc qua sự đa dạng của bức tranh thêu như: hình chân dung, chữ thư pháp, hình ảnh cây cỏ, hoa lá, những loài vật gần gũi, dễ thương...

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202502/nguoi-theu-tranh-tren-la-bo-de-o-thanh-pho-cong-nghiep-2ae58c3/